Cần quy định rõ trong luật các trường hợp được nổ súng

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
(PLO) - Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 9, sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau sau khi tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp tục được đại biểu trao đổi là việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15 dự thảo Luật Chính phủ trình).

Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đề xuất hai phương án; trong đó, phương án 1 là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Phương án 2 là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ. 

Qua tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với phương án 1 dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, tại Công văn số 3590, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì đề nghị chỉ giữ một phương án là phương án 2, theo đó, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, về mặt lý luận, Hiến pháp ghi nhận cả Quân đội và Công an cùng tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng an ninh. Lâu nay, Quân đội vẫn sản xuất, nhập khẩu vũ khí, nhưng Công an cũng có xưởng sản xuất công cụ phục vụ cho ngành. Thực tế trình tự thủ tục nhập khẩu, sản xuất phải qua Chính phủ, cao hơn nữa là Bộ Chính trị. Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, chọn phương án 1, luật hóa cho Quân đội và Công an thực hiện việc này, còn phạm vi, mức độ thực hiện đến đâu còn phụ thuộc vào quyết định của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. 

Cũng theo ông Võ Trọng Việt, bản chất của 2 phương án là một, phương án 1 là luật hóa toàn bộ, phương án 2 là “lưỡng” luật, quy định đối với Quân đội thì đưa vào luật, còn với Công an là Chính phủ quy định. Do vậy, đề nghị đưa ra Quốc hội thảo luận cả hai phương án, xin ý kiến Bộ Chính trị theo hướng phương án 1. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng theo phương án 2 cũng tốt, vì trong một nước mà hai bộ được xuất nhập khẩu vũ khí cũng gây khó cho việc quản lý. Nhưng hai đơn vị này đều có đủ tư cách pháp nhân, theo quy định của Hiến pháp, do đó cần tính phương án phù hợp hơn với điều kiện trong nước. Xu hướng chung là xã hội hóa. Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, trường hợp không thống nhất được sẽ đưa ra Quốc hội xem xét, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm. 

Về vấn đề này, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cho thực hiện theo phương án 2, vì căn cứ vào pháp lý là đủ, nhưng căn cứ vào thực tiễn là chưa phù hợp. Giải thích của Bộ cho thấy, trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng đã được đầu tư sản xuất vũ khí nhưng năng lực sản xuất còn thấp, chưa đạt đến 50%. Hiện sản xuất vũ khí chủ yếu phục vụ trong nước, chưa đến mức phục vụ xuất khẩu. Các loại vũ khí được trang bị của Bộ Công an thiếu không nhiều, cần thiết Bộ Quốc phòng sẽ sản xuất. Nước ta còn nghèo, phải đầu tư tập trung để tránh lãng phí. Tất nhiên, sau này cũng phải tính đến cơ chế đặt hàng, xã hội hóa nhưng trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo quốc phòng, an ninh, cần đầu tư tập trung. 

Còn đại diện cơ quan soạn thảo, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng cả hai phương án đều không có vướng mắc, vì đều phải tuân thủ pháp luật. Trong phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh, có nhiều loại vũ khí trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu, thậm chí có vũ khí mua trong nước sản xuất nhưng còn đắt hơn nhập khẩu. 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đưa quan điểm: Vật liệu nổ và vũ khí là do Nhà nước quản lý và vấn đề quan trọng là phải quản lý hiệu quả nhất, đây là lĩnh vực đặc thù.

Ông Bình đề nghị Chính phủ đánh giá về hiệu quả của việc nghiên cứu, chế tạo, nhập khẩu vũ khí thời gian qua của cả Bộ Quốc phòng và Công an. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Bộ Quốc phòng mới sản xuất hết 50% công suất, nếu Bộ Công an cũng vậy thì sẽ là lãng phí. Ông Thanh đề nghị trình Bộ Chính trị cho ý kiến về vấn đề này. Đồng quan điểm với ông Thanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên trình Bộ Chính trị cho ý kiến nhưng khi trình ra phải thể hiện quan điểm là theo phương án nào. Thủ tướng đề nghị phương án 2 để tận dụng cho hết năng lực sản xuất của công nghiệp quốc phòng, khi cần thiết phải chế tạo, nhập khẩu những vũ khí phục vụ cho lực lượng công an thì Chính phủ quy định. Phương án 2 không loại bỏ vai trò của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an trong hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, nhập khẩu vũ khí nhưng do xuất phát đặc thù của ngành Công an nên Chính phủ quy định cho sát với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và linh hoạt hơn với thực tiễn. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, chọn phương án 1 lại có cơ sở vững chắc là Điều 68 Hiến pháp 2013 về xây dựng công nghiệp quốc phòng an ninh, nếu chọn phương án 1 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp. Bộ Công an có thể nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Cả hai phương án đều phù hợp với Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi trình Bộ Chính trị, nên thể hiện thống nhất với phương án 1 theo ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhằm bảo đảm cơ sở thuận lợi, không để trong một nền công nghiệp, nơi Luật quy định, nơi Chính phủ quy định. 

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng cho ý kiến về quy định nổ súng (Điều 21 dự thảo Luật Chính phủ trình). Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giữ lại nội dung này như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, để quy định cụ thể, rõ ràng hơn. 

Thường trực Ủy ban này thống nhất với cơ quan soạn thảo, tách Điều 21 thành 2 điều (Điều 21a về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; Điều 21b về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự) như dự thảo Luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ về các trường hợp được nổ súng như trường hợp đang bị truy nã, người đang chấp hành hình phạt tù có hành vi chạy trốn, đánh tháo, trốn chạy khi bị giam giữ.../. 

Đọc thêm

Tiếp vụ dấu hiệu vi phạm trong xây dựng NTM tại Thanh Hóa: Cơ quan chức năng kết luận về nội dung tố cáo

Hạng mục công trình rãnh thoát nước đã được thanh tra, xác minh. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
(PLVN) - Liên quan sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; UBND huyện Đông Sơn (nay là TP Thanh Hóa) đã ban hành kết luận nội dung tố cáo; theo đó, nội dung công dân tố cáo sai phạm trong xây dựng các hạng mục công trình xây dựng NTM kiểu mẫu tại thôn Kim Bôi, là tố cáo đúng.

Mức xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm khi kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các lễ hội

Luật sư Hoàng Thị Hương Giang.
(PLVN) - Bạn Khánh Linh (Quảng Ninh) hỏi: Hiện đang là thời điểm diễn ra mùa lễ hội tại nhiều địa phương trên cả nước. Đi kèm theo các lễ hội là dịch vụ ăn uống rất phong phú, đa dạng cung cấp cho khách du xuân. Tuy nhiên, dịch vụ ăn này thường mang tính chất thời vụ nên có nhiều hộ kinh doanh còn thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Vậy, khi các cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định ATTP sẽ bị mức phạt như thế nào?

Người bán không đưa sổ đỏ, người mua có làm thủ tục sang tên được không?

Luật sư Hoàng Tuấn Vũ.
(PLVN) - Bạn Nhật Nam (Hà Nội) hỏi: Trong giao dịch mua bán đất, xảy ra trường hợp người mua đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho người bán, tuy nhiên, sau khi hoàn tất giao dịch, người chuyển nhượng lại không trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người mua. Xin hỏi, trong trường hợp này, người mua có thực hiện được thủ tục đăng ký sang tên không?

Có thể hạ tuổi nghỉ hưu với cán bộ nữ?

Có thể hạ tuổi nghỉ hưu với cán bộ nữ?
(PLVN) -  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời cử tri về đề nghị xem xét điều chỉnh hạ độ tuổi được nghỉ hưu là 55 tuổi cho đối tượng nữ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Từ 1/7/2025, trợ cấp nghỉ hưu tăng mạnh

Hình minh họa
(PLVN) - Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo Hiểm Xã Hội năm 2024 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi quan trọng. Đặc biệt, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu có thể tăng gấp 4 lần so với hiện nay, mang lại lợi ích lớn cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài.

Vụ khiếu nại quyết định bồi thường khi thu hồi đất tại Hà Nội: UBND quận Long Biên thông tin

Vụ khiếu nại quyết định bồi thường khi thu hồi đất tại Hà Nội: UBND quận Long Biên thông tin
(PLVN) - Thông tin đến Báo PLVN về vụ việc khiếu nại liên quan đến bố trí tái định cư (TĐC) cho hộ bà Lại Thị Nghĩa, UBND quận Long Biên cho biết, đề nghị được mua căn hộ tái định cư có diện tích tối thiểu là không đủ điều kiện xem xét và không đúng theo quy định tại thời điểm thu hồi đất thực hiện dự án.

Diễn biến sự việc dấu hiệu vi phạm trong cấp sổ đỏ tại Thanh Hóa: Văn phòng Đăng ký đất đai bị yêu cầu rút kinh nghiệm

Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đông Sơn (cũ) bị đề nghị rút kinh nghiệm. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
(PLVN) - Báo PLVN vừa nhận được Thông báo 53/TB-STNMT ngày 7/2/2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa về kết luận nội dung tố cáo của ông Nguyễn Bá Khương. Theo đó, Giám đốc Sở đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) rút kinh nghiệm trong việc ghi chép đầy đủ các thành phần hồ sơ trong đo đạc, cấp sổ đỏ theo đúng biểu mẫu; thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, lưu giữ, quản lý hồ sơ và cung cấp hồ sơ, tài liệu.

Xe máy chỉ lắp một gương chiếu hậu có bị xử phạt?

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Nam Phong (Hà Nam) hỏi: Tôi mới mua xe máy và muốn thay đổi gương chiếu hậu của xe cho hợp thời trang. Tôi dự định chỉ lắp một gương chiếu hậu thì liệu có bị xử phạt không? Quy định gương chiếu hậu xe máy phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật như thế nào?