Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 888 Tổ Hòa giải với 5.996 Hòa giải viên. Trong đó, có 353 Hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, 1.548 Hòa giải viên nữ, 339 Hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật.
Nhìn chung, các huyện, thị xã, thành phố đều có sự vào cuộc quyết liệt, quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho các Hòa giải viên; đôn đốc các xã, phường, thị trấn bảo đảm chế độ, kinh phí cho các Tổ Hòa giải và Hòa giải viên theo đúng quy định.
Đặt biệt, các Tổ Hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 2.230 vụ việc, hòa giải thành 2.053 vụ việc, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên số vụ việc tiếp nhận giải quyết tương đối cao (92%) . So với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ hòa giải thành trên số vụ việc tiếp nhận cao hơn 2% (cùng kỳ năm 2018 đạt tỷ lệ hòa giải thành 90%).
Ông Cao Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, cho biết: Nhờ có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, tỷ lệ hòa giải thành của tỉnh An Giang những năm qua luôn ở mức trên 90%. Các vụ, việc hòa giải chủ yếu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và đất đai, các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật một cách thường xuyên. Một số khác nguồn kinh phí được cân đối, bảo đảm hàng năm, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ để triển khai thực hiện có hiệu quả rất nhiều nhiệm vụ.
Việc chi thù lao cho vụ, việc hòa giải từ 3 lần trở lên nhưng không thành và chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải ở một số nơi chưa được quan tâm đảm bảo kinh phí thực hiện. Do đó, rất cần các địa phương quan tâm đảm bảo kinh phí cho Hòa giải viên và Tổ Hòa giải theo đúng quy định để khích lệ, động viên công tác hòa giải ở cơ sở.
Thành viên của các Tổ Hòa giải thường không ổn định, qua kỳ bầu cử hòa giải viên ở cơ sở sẽ có nhiều thành viên mới. Trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của nhiều thành viên Tổ Hòa giải còn hạn chế nên việc vận dụng quy định của pháp luật và kinh nghiệm sống trong quá trình hòa giải. Vì vậy cần phải quan tâm, khích lệ, đảm bảo đầy đủ chế độ của Hòa giải viên để Hòa giải viên có thêm động lực, nhiệt huyết trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở; đảm bảo đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn kiến thức, kỹ năng hòa giải mỗi năm ít nhất 01 lần.
Các Tổ Hòa giải còn lúng túng trong việc ghi biên bản hòa giải, ghi chép vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở trong quá trình giải quyết vụ việc hòa giải. Vì vậy, rất cần UBND cấp xã thường xuyên quan tâm kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn kịp thời việc ghi biên bản, sổ sách của các Hòa giải viên. Đặc biệt, đảm bảo các Hòa giải viên lập biên bản theo đúng hướng dẫn của Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh.
Hiện nay nhiều nơi vẫn chưa phân tách rõ nguồn kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động của các Tổ Hòa giải ở cơ sở dẫn đến khó khăn trong việc chấm điểm công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thời gian tới, cần gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tích cực thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong quá trình hòa giải
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm kinh phí để thực hiện mô hình gửi tin nhắn pháp luật qua điện thoại; nghiên cứu xây dựng công cụ điện tử thông qua mạng xã hội để khảo sát, đánh giá nhu cầu tìm hiểu và mức độ hiểu biết chính sách, pháp luật của người dân.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở; Bố trí đủ kinh phí cho các tổ hòa giải theo quy định pháp luật.
Các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật phải không ngừng tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức pháp luật, phải trực tiếp tuyên truyền pháp luật đối với lĩnh vực thuộc chuyên môn phụ trách.