Bao nhiêu nợ xấu ở VAMC?
Đến tháng 1/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).
Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
“Trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý). Hay nói cách khác, việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu…”- PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN nói.
Theo vị này, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nợ xấu bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được vẫn còn nhiều, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Nghị quyết – thí điểm để sửa luật
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO nói, bấy lâu nay pháp luật chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC, cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu có TSBĐ và quyền sử dụng đất (SDĐ), tài sản gắn liền với đất.
Thực tế, trong quá trình mua bán nợ, VAMC xử lý nợ đã mua, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định tại các Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai 2013, VAMC, tổ chức mua nợ không được nhận thế chấp quyền SDĐ. Tương tự, khi VAMC, TCTD bán lại khoản nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, tổ chức không phải là TCTD.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, thời gian qua Vietcombank có 790 vụ liên quan đến nợ xấu chuyển qua tòa án; hiện còn 98 vụ đã gửi qua, tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Theo Chủ tịch ngân hàng này, thủ tục tố tụng tại tòa rất phức tạp, 2 năm tòa mới giải quyết xong tranh chấp, chứ chưa nói gì đến thi hành án.
Vị này dẫn chứng: “Vietcombank có một khách hàng vay hơn 1.000 tỷ đồng ở Nha Trang chây ỳ không trả nợ đã hơn 3 năm (trong khi tài sản bị thế chấp ngân hàng đã tìm được khách hàng mua để thu nợ nhưng khách vay vẫn ngang nhiên cho thuê thu lời 70-1.000 tỷ/năm chây ỳ không trả nợ. Ngân hàng ngóng mãi, chờ 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên, trong khi vốn cho vay còn đọng lớn…”.
Theo quy định, thời gian giải quyết tại tòa án khoảng 400 ngày nhưng thực tế mỗi vụ tòa xử phải kéo dài đến 2 năm, chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này. Dự thảo Nghị quyết đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, Dự thảo Nghị quyết có 18 điểm, trong đó có 5 điểm hoàn toàn mới, không có trong các quy định của pháp luật. Đại diện NHNN cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết, phù hợp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
“Có thể nói một cách nôm na, việc ban hành Nghị quyết là nhằm thực hiện thí điểm một số điều sửa đổi luật để đưa nhanh luật vào cuộc sống, xử lý các vấn đề cấp bách xảy ra và xem xét có phù hợp với quy luật của nền kinh tế hay không, trong lúc chúng ta chưa có điều kiện sửa toàn bộ những luật liên quan...”- TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu.
Theo ông, “Là Nghị quyết hay là Luật thì chưa thống nhất được. Đây là một trong những điểm mà các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội làm lâu nhất và khó khăn nhất”, song ông lưu ý, xử lý nợ xấu cần nhất quán quan điểm là không sử dụng ngân sách nhà nước, không trái Hiến pháp, không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân…