Chiều qua - 28/9, đến thăm và làm việc với Ủy ban Dân tộc (UBDT), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, UBDT là một cơ quan quan trọng trong bộ máy Chính phủ nhưng chủ yếu làm chính sách. Do đó, “tiếng nói” của UBDT cần phải có trọng lượng, thuyết phục được những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân tộc, làm tiền đề quan trọng để UBDT làm tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho công tác dân tộc trong thời đại mới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho biết, trong điều kiện đất nước còn khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình lớn với nhiều mục tiêu cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là Chương trình 135, được đánh giá là có hiệu quả về kinh tế xã hội cao nhất, thất thoát ít nhất. Dù Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) mới đạt được 5/10 chỉ tiêu, nhưng sau 12 năm thực hiện (1999-2010), cũng đã đã góp phần thay đổi từng bước diện mạo nông thôn miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao từng bước, tỷ lệ giảm nghèo nhanh, nhất là các xã đặc biệt khó khăn đã giảm tỷ lệ nghèo từ trên 47% (2006) xuống còn 28,8% (2010). Sự nghiệp giáo dục y tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và ngày càng phát triển. Sản xuất đã có bước phát triển theeo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thay đổi rõ rệt. Hệ thống chính trị thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình chính trị, xã hội được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Tuy nhiên, do một số Bộ, ngành, địa phương có nhận thức về chính sách dân tộc chưa cao, chưa đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; hệ thống chính sách chưa đồng bộ, chủ yếu mang tính hỗ trợ là chính, chưa đủ điều kiện, thời gian để đồng bào vượt khó khăn, ổn định đời sống và tạo điều kiện để cùng phát triển bền vững; chưa có chiến lược phát triển KT-XH để làm mục tiêu phát triển cho vùng, định mức đầu tư, nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh để làm thay đổi tình hình vùng dân tộc miền núi. Các chương trình, chính sách chưa phân định minh bạch nhiệm vụ nào phải dùng vốn ngân sách TƯ đầu tư, còn nhiệm vụ nào là ngân sách hỗ trợ…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao truyền thống đoàn kết các dân tộc luôn được phát huy, là nền tảng cho sự thành công của Cách mạng, đặc biệt nhờ đến hiệu quả của bộ máy làm công tác dân tộc. Nhờ đó, đời sống và đoàn kết nội bộ của đồng bào dân tộc miền núi tốt hơn, có một số chương trình phát huy kết quả tốt. Tuy nhiên, tình hình dân tộc miền núi vẫn còn một số hạn chế, chưa phát huy được nhiều lợi thế vùng miền.
Công tác dân tộc cần có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ mới, cần cơ chế riêng, cũng như sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành để có hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của công tác dân tộc. UBDT cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, các chính sách về công tác dân tộc và “cần phải tính cách nào, làm gì để đồng bào dân tộc có cuộc sống tốt hơn”; tăng cường hoạt động chỉ đạo kiểm tra, giám sát các chương trình giai đoạn 2011-2015; phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành liên quan hoàn thiện thể chế, qui định tạo điều kiện phát triển công tác dân tộc, góp phần để vùng dân tộc miền núi ngày càng phát triển, tiến kịp miền xuôi.
Huy Anh