Ngày 22/5, tại trụ sở Cục Công tác phía Nam (CTPN) Bộ Tư pháp đã diễn ra buổi tọa đàm “Trao đổi, tổng hợp và đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khởi nghiệp” do Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phối hợp với Cục CTPN tổ chức. Tọa đàm có sự tham dự của bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục CTPN; ông Trịnh Xuân Tùng, Phó Bí thư đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, đại diện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia, các cán bộ, đoàn viên thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp.
Các đại biểu tham gia tọa đàm đã lắng nghe những nội dung cơ bản của Đề tài khoa học cấp Bộ “Nhận diện rào cản pháp lý đối với các hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục” để làm căn cứ để cùng chia sẻ và trao đổi. Khá nhiều rào cản mà các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải trong thực tế khởi nghiệp đã được đưa ra mổ xẻ.
Anh Nguyễn Hữu Tú, một cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, từng là du học sinh nước ngoài và đoạt nhiều giải thưởng sáng chế trong nước chia sẻ, hiện người trẻ có khá nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp. Đó là sự phản ứng từ phía gia đình, từ sự thiếu cảm thông của nhiều người thân khi người trẻ bước chân trên một con đường hoàn toàn mới lạ. Rào cản còn đến từ chính bản thân những người trẻ khi quá ảo tưởng vào sức mạnh bản thân, khởi nghiệp theo phong trào nhưng lại thiếu định hướng, thiếu hiểu biết về lĩnh vực mình tham gia, thiếu kiến thức về pháp luật.
Theo đại diện Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI), hiện nay có rất nhiều khó khăn mà người trẻ gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, trong đó, ngoài nguồn vốn và hướng đi thì khó khăn về mặt pháp lý khá lớn. Hầu hết họ đang loay hoay, gặp khó khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, và đa phần rất thiếu hụt kiến thức trong lĩnh vực này nên phải nhờ đến dịch vụ, mà như thế lại khiến các bạn khởi nghiệp càng eo hẹp vốn kinh doanh hơn.
Cạnh đó, vị đại diện Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cũng đề xuất Luật Sở hữu trí tuệ nên có thêm khía cạnh bảo hộ ở giai đoạn ý tưởng, giúp doanh nghiệp trẻ có những bước chuẩn bị sớm trong quá trình bảo vệ ý tưởng, sáng chế của mình.
Ths. Lưu Minh Sang, Giảng viên Đại học Kinh tế Luật TP HCM thì nhấn mạnh, hiện cơ chế để hỗ trợ cho người khởi nghiệp hầu như rất ít. Các quy định trong pháp luật cũng còn nhiều lỗ hổng, khiến người trẻ đôi khi không bảo vệ được quyền lợi, sáng kiến của mình. Đặc biệt, quy định về cắt giảm điều kiện kinh doanh được áp dụng còn “gây khó” cho doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều. Cạnh đó, còn là sự thiếu đồng bộ của chủ trương từ trung ương và hỗ trợ từ địa phương cho phong trào khởi nghiệp.
Ông Sang chia sẻ, có rất nhiều trường hợp người trẻ Việt có ý tưởng hay đã đến các nước lân cận có cơ chế rõ ràng hơn như Singapore, Thái Lan… để khởi nghiệp. Ông Sang cũng đề xuất mong muốn người trẻ khởi nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ hơn để có thể phát huy năng lực, góp phần cống hiến cho đất nước.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, LS Nguyễn Tiến Hòa, Cty Luật TNHH SB Law phân tích, thực ra, pháp luật, mà cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ đã có khá đầy đủ quy định nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN khởi nghiệp. Bởi Luật được xây dựng trên nền tảng đáp ứng những yêu cầu của WTO và các công ước quốc tế, tuân thủ lộ trình quốc tế, nên khó mà nói là có thiếu sót hay nhiều lỗ hổng. Quan trọng là những người trẻ khởi nghiệp chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của pháp luật, của Luật Sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp của mình.
LS Hòa đưa ra lời khuyên các bạn trẻ cần chấp nhận bỏ chi phí pháp lý như một chi phí không thể thiếu trong vốn khởi nghiệp để có được những lời khuyên đúng của các chuyên gia tư vấn pháp luật.
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục CTPN nhấn mạnh, những đóng góp của các đại biểu tham gia là hết sức thực tế, thiết thực và đáng ghi nhận. Thời gian tới, Bộ Tư pháp và Cục CTPN sẽ tiếp tục tổ chức những tọa đàm hữu ích về khởi nghiệp, ngoài doanh nghiệp và chuyên gia tham gia còn có sự có mặt của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước nhằm có sự trao đổi đa chiều, cũng như đưa ra những trả lời cho các vấn đề bạn trẻ khởi nghiệp đang băn khoăn.
Bà Thủy cũng mong muốn Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp thời gian tới sẽ là cầu nối, là một “kênh” để người trẻ có thể nương tựa về mặt pháp lý trong quá trình khởi nghiệp.