Đây là một trong những quy định mới của Luật Thi hành án dân sự ( Luật THADS). Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng trong các thủ tục tố tụng, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của đương sự.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đương sự có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên trong trường hợp: Một là: Thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật THADS (thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của chấp hành viên; cháu ruột mà chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì).
Hai là: Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó. Ba là: chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án. Bốn là: Có căn cứ khác cho rằng chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên phải được lập thành văn bản và gửi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên.
Trường hợp Chấp hành viên đang thi hành vụ việc là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên phải xem xét, quyết định thay đổi Chấp hành viên; trường hợp không có căn cứ thay đổi Chấp hành viên thì trả lời bằng văn bản cho người đã có yêu cầu thay đổi Chấp hành viên và nêu rõ lý do.
Theo đó, khi nhận được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên của đương sự, cơ quan THADS yêu cầu đương sự đưa ra các căn cứ để chứng minh về hành vi “không vô tư” của Chấp hành viên. Trên cơ sở đó, cơ quan THADS xem xét, xác định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự.
Có thể thấy về căn bản, những hành vi pháp luật quy định Chấp hành viên không được làm tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Điều 21 Luật THADS có liên quan trực tiếp đến vụ việc thi hành án mà Chấp hành viên đang phụ trách giải quyết đều coi là “không vô tư khi làm nhiệm vụ”.
Theo hướng dẫn của Vụ 11 Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, có thể cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi có một trong các hành vi sau đây: Có chứng cứ chứng minh Chấp hành viên cố tình không thực hiện thủ tục thi hành án theo quy định pháp luật (ví dụ như không thông báo cho đương sự để thực hiện các quyền của mình, kéo dài việc xác minh, không kê biên tài sản mặc dù đủ điều kiện để kê biên…); Có chứng cứ cho thấy Chấp hành viên gặp gỡ không đúng quy định, trao đổi với một bên đương sự nhằm mục đích vụ lợi; Từ chối nhận văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ án do đương sự cung cấp nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án; Chấp hành viên và người thân (vợ, chồng, con) có mối quan hệ họ hàng, lệ thuộc trực tiếp về quyền lợi chính trị, vật chất đối với đương sự dẫn đến không khách quan khi tổ chức thi hành án…
Tuy nhiên, trong thực tiễn, Luật THADS vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể thế nào là có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ, dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất.
Đối với căn cứ “ chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án” cần quy định rõ ràng hành vi “chậm trễ giải quyết việc thi hành án” phải bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan do chính Chấp hành viên, như: Chấp hành viên không tiến hành các tác nghiệp cần thiết theo đúng các quy định của pháp luật dẫn đến chậm trễ thi hành án chứ không phải do các nguyên nhân khách quan, tránh việc đương sự lợi dụng quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên để gây cảm trở, kéo dài việc thi hành án.
Mặt khác, để có căn cứ pháp lý thống nhất, cụ thể, rõ ràng bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và báo cáo, đề xuất từ các cơ quan THADS địa phương, cần xem xét hướng dẫn và quy định bổ sung một số tài liệu, chứng cứ để cho rằng chấp hành viên không vô tư trong thi hành nhiệm vụ như: cung cấp giấy tờ chứng minh chấp hành viên cố tình không thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật; cung cấp hình ảnh, giấy tờ, tài liệu… cho rằng chấp hành viên có gặp gỡ, trao đổi với đương sự nhằm mục đích vụ lợi; cung cấp chứng cứ chứng minh việc chấp hành viên từ chối nhận văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ án do đương sự cung cấp nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án, gây thiệt hại cho một trong các bên đương sự...