- Thưa ông, gần đây, ở một số địa phương đã phát hiện tình trạng "cả họ làm quan", ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- Ông Lê Thanh Vân (ĐBQH tỉnh Cà Mau): Nói về hiện tượng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm dòng họ mà báo chí gần đây đưa ra rất rầm rộ, trong lịch sử hình thành nhà nước từ năm 1945 tới bây giờ chưa từng có hiện tượng này. Tôi đồ rằng hiện tượng này mới chỉ phát hiện ở một số địa phương. Nếu Chính phủ bắt tay vào rà soát, sẽ xuất hiện ở nhiều địa phương nữa, và hiện tượng này có thể trở thành phổ biến.
Điều này cho thấy chủ nghĩa thân hữu, tính gia đình trị trong việc ‘truyền ngôi’ chiếm đoạt quyền lực. Nếu đúng như vậy thì xã hội bức xúc là đúng.
- Phần lớn các trường hợp đều được kết luận 'bổ nhiệm đúng quy trình'. Vậy theo ông do đâu mà xã hội lại bức xúc?
- Ông Lê Thanh Vân: Do chưa có xác minh rạch ròi, thẩm định chất lượng của những người thân trong gia đình, những người trong ekip nên tính định lượng về chất đối với người được bổ nhiệm không xác định được.
Nếu làm được công tác thẩm định quy trình rõ ràng, minh bạch những người là con ông cháu cha, xuất sắc, xuất chúng thì hoàn toàn xứng đáng, xã hội thừa nhận. Nhưng ai kiểm đếm được cái đấy, ai đo lường được cái đấy.
Người ta chỉ biết là Đảng đang cảnh báo về suy thái, tự diễn biến, trong lúc tình trạng tham nhũng rất phức tạp, tham nhũng vật chất chất, tham nhũng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực thành của riêng để ban phát cho người nhà, cho người thân, vây cánh cho đệ tử. Người dân đang có câu nhất trực hệ, hai tiền tệ, ba quan hệ, 4 đồ đệ, giờ tính trí tuệ cũng không đưa vào nữa. Rất đáng báo động, đáng cảnh báo.
- Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
- Ông Lê Thanh Vân: Tôi cho rằng cần chỉnh đốn bằng luật pháp. Lấy luật pháp để khống chế quyền lực, lấy đạo đức để khống chế quyền lực, lấy dư luận để khống chế quyền lực, có như vậy, mới chỉnh đốn được theo chiều hướng tích cực. Khi đó, ngay cả khi bổ nhiệm người nhà xứng đáng thì xã hội cũng không phản ứng nữa.
Tôi nói ví dụ ở Mỹ, trước kia đã có hiện tượng hai cha con làm hai tổng thống. Sắp tới, có khả năng là hai vợ chồng sẽ làm tổng thống. Nhưng cơ chế rất minh bạch, nó có 3 vòng để các ứng cử viên tự đấu tranh, thể hiện mình, để trực tiếp tranh luận, công khai để công chúng tự lựa chọn. Những người thân trong gia đình mà được bầu tổng thống, được chứng minh tài năng của họ có ai nói chủ nghĩa thân hữu đâu.
Việc nghi vấn của xã hội đối với bổ nhiệm người nhà là điều hết sức lo ngại. Thủ tướng từng nói: Chúng ta chọn người tài, chứ không chọn người nhà. Đây là sự cảnh báo, là nỗi lo của Đảng và Nhà nước.
Cần kế thừa tư tưởng Luật Hồi tị mà cha ông ta đã từng sử dụng để quản lý tốt xã hội phong kiến. Luật Hồi tị ngăn cấm những ai trên cùng một địa hạt, trong cùng một tổ chức được bổ nhiệm người nhà, người thân. Thậm chí bạn học cũng không được bổ nhiệm.
Tại sao chúng ta không sử dụng tư tưởng tiến bộ đó. Trước ĐH Đảng các cấp năm 2015, Bộ Chính trị có chỉ thị 36 , trong đó nói rằng 9 chức danh chủ chốt ở địa phương là người đứng đầu thì thực hiện luân chuyển. Giả sử như mỗi 1 tỉnh luân chuyển chức danh đó, và cấm những người có quan hệ bà con, thân hữu không được bổ nhiệm thì tôi nghĩ ngăn chặn được, buộc các vị lãnh đạo đó phải nhìn nhận nhân tài ở ngoài cánh hữu. Tôi nghĩ nếu làm nghiêm chính sách luân chuyển sẽ là một cuộc cách mạng, khiến cho công tác nhân sự khách quan hơn.
- Ông có nghĩ rằng cần rà soát lại quy trình bổ nhiệm?
- Ông Lê Thanh Vân: Phải có những quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, sử dụng tập thể để chi phối, hợp thức hóa cái gọi là đúng quy trình.
Ví dụ một người làm lãnh đạo địa phương, khi đưa con mình lên, họ sẽ vận động cấp dưới bằng nhắn tin, bằng gặp riêng… bỏ phiếu. Là cấp dưới, không ủng hộ cho con thủ trưởng thì thật khó nghĩ. Nhiều người thấy đó là cơ hội để đổi chác với thủ trưởng, để trả ơn thủ trưởng, hay để chờ thủ trưởng chiếu cố, ưu tiên cho mình về sau. Đây là thủ đoạn rất tinh vi.
- Theo ông, còn nguyên nhân sâu xa nào của tình trạng này ?
- Ông Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa chính là thể chế pháp luật về vấn đề này chưa thực sự chặt chẽ.
Chính sách pháp luật, hệ thống quy phạm pháp luật, quy định chặt chẽ làm cái lưới ngăn chặn tình trạng đó. Cái thứ hai nữa là thừa nhận một điều, trong bộ máy vẫn có những người bản chất không tốt. Cái trí không minh, cái tâm không sáng trong lúc lựa người, và mục đích của họ là kéo bè, kéo cánh vào để truyền ngôi, thế tướng, chứ không phải mục đích để phục vụ cho mục tiêu xây dựng đất nước, xây dựng địa phương.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ. Và hôm qua Bộ Nội vụ nói là đang chờ báo cáo của địa phương, tôi thấy chưa được. Lẽ ra Bộ Nội vụ bằng công cụ của mình, bằng thẩm quyền của mình phải sục ngay vào các địa phương ấy kiểm tra xem thế nào, và chủ động.
Bộ Nội vụ đang bị động, đang chờ báo cáo địa phương gửi về, và không ngoại trừ báo cáo ấy lại là đúng báo cáo đúng quy trình. Quy trình là quy trình nào? Phải xắn tay vào để kiểm tra, xử lý.
Trong thẩm quyền tham mưu về nhân sự cấp Chính phủ, Bộ Nội vụ có quyền đề xuất nhân sự, thẩm định nhân sự, rà soát lại xem vai trò của mình đến đâu.
Khi kiểm tra cả hệ thống hành chính, thấy chỗ nào ban hành văn bản trái với trung ương, vận dụng không trong sáng để mà đưa người nhà, đưa người thân, đưa con ông cháu cha vào thì phải đề xuất chính phủ xử lý. Và phải xử lý cả tập thể, cá nhân, người đứng đầu.
Có như vậy, mới chấn hưng đươc nền tảng, truyền thống của dân tộc ta đó là trọng dụng người tài, chiêu hiền đãi sỹ, có như vậy mơi tạo ra trụ cột cán bộ có năng lực, có tâm huyết, giúp cho mục tiêu mà chính phủ đưa ra đó là xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển./.
- Xin cám ơn ông!