Đã không ít cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề an ninh bệnh viện nhằm đánh giá thực trạng tình hình và đưa ra các biện pháp ngăn chặn vấn nạn bạo hành CBNVYT. Tuy nhiên đến thời điểm hiển tại, nạn bạo hành trong bệnh viện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp về những khía cạnh pháp lý của vấn đề này.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Về phía pháp luật cũng đã có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi những người hành nghề khám, chữa bệnh. Theo Điều 35 Luật Khám chữa bệnh 2009 quy định về quyền được đảm bảo an toàn khi hành nghề như sau:
“1. Được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tai nạn liên quan đến nghề nghiệp.
2. Được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.
3. Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.”
Việc đảm bảo cho CBNVYT yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu qảu cao nhất trong việc điều trị. Chính vì vậy, pháp luật bảo vệ người hành nghề khám chữa bệnh trong trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng. Khi có dấu hiệu nguy hiểm đến bản thân, bác sĩ có quyền tự bảo vệ mình bằng cách tạm lánh khỏi nơi làm việc, nhưng phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất. Các cơ sở y tế cần xây dựng đội ngũ bảo vệ an ninh bệnh viện chuyên nghiệp, có sự phối hợp với cơ quan chính quyền trên địa bàn để có sự phối hợp can thiệp kịp thời, có hiệu quả ngăn chặn đối tượng quá khích, đe dọa, hành hung CBNVYT.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái |
Mặt khác, Điều 26 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định về việc giúp đỡ bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế:
“1- Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ.
2- Trong trường hợp khẩn cấp để đưa người bệnh hay người bị tai nạn đến cơ sở cấp cứu, thầy thuốc, nhân viên y tế được quyền sử dụng các phương tiện vận chuyển có mặt tại chỗ. Người điều khiển phương tiện phải thực hiện yêu cầu của người thầy thuốc và nhân viên y tế.
3- Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ.”
Chính vì vậy, hành vi đe dọa, bạo hành với CBNVYT bị xem là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ.
Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: “4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh.”
Hành vi bạo hành phổ biến đối với người hành nghề thường là các vi phạm hành chính như có lời nói, hành động đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề. Tuy nhiên, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa đề cập đến vấn đề này. Chỉ có thể xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP áp dụng chung cho bất kỳ vi phạm hành chính xâm phạm trật tự an toàn xã hội nào. Theo đó, mức phạt vi phạm từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ. Có thể thấy mức xử phạt trên quá thấp, mang tính răn đe không cao, nên các hành vi xâm phạm nhân viên y tế diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Hơn nữa, người hành nghề khi bị xam phạm đến sức khỏe, danh dự tính mạng có quyền yêu cầu khởi kiện để đòi bồi thường, xin lỗi công khai theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, kiện tụng là phức tạp, tốn nhiều thời gian, phải tự chứng minh trong tố tụng dân sự và điều này rất khó khăn đối với CBNVYT.
Về xử lý hình sự, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, đã bổ sung tình tiết tăng nặng đối với “người chữa bệnh cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với “người chữa bệnh cho mình” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Có thể thấy, pháp luật về xử lý hành vi bạo hành trong lĩnh vực y tế chưa mang tính răn đe cao. Để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này, cần có những giải pháp giải quyết triệt để, mang tính răn đe mạnh. Về phía người hành nghề cần đề cao y đức và kỷ luật chuyên môn. Về phía các cơ sở khám chữa bệnh cần có các biện pháp duy trì an ninh trật tự và bảo vệ an toàn cho CBNVYT. Về phía cơ quan Nhà nước cần nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi bạo hành trong lĩnh vực y tế.
Có thể thấy, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của CBNVYT ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa thực sự đầy đủ.
Mặc dù thực tế một số vụ việc hành hung CBNVYT đã được đưa ra xét xử, một số đối tượng đã bị kết án nhưng con số đó rất nhỏ. Nhiều vụ việc bạo hành CBNVYT từ lời nói, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa đến việc hành hung, gây tổn hại sức khỏe của họ vẫn diễn ra hằng ngày nhưng đều bị xem nhẹ, hoặc xử lý mang tính răn đe không cao, khiến cho nạn bạo hành y tế vẫn còn phổ biến.
Do đó, song song với việc các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người bệnh, cải thiện tích cực mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân thì rất cần có những chế tài xử lý hành vi bạo hành trong lĩnh vực y tế đủ mạnh, nghiêm minh để ngăn cản những đối tượng quá kích, xử lý thích đáng các trường hợp bạo hành trong lĩnh vực y tế, đặc biệt có chế tài phạt vi phạm mang tính răn đe cao đối với những người có lời nói, hành động đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm CBNVYT, đảm bảo việc khám, chữa bệnh đạt hiệu quả.
Năm 2017, Bộ Luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác bổ sung thêm tình tiết tăng nặng đối với “người chữa bệnh cho mình” với mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù. Có thể thấy, Nhà nước đã có những nhìn nhận khách quan hơn trước sự gia tăng vấn nạn bạo hành y tế./.