Chương trình phối hợp xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước có kết quả bước đầu khá khả quan. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm hơn cả là sự cam kết của cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công trong việc quy chuẩn hóa phong cách làm việc và nâng cao chất lượng phục vụ.
Đó là một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (Chương trình) do Bộ Nội vụ, Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức chiều qua (22/3).
Chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp của công chức
Chương trình khảo sát xác định chỉ số hài lòng của người dân được tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tây Ninh và Cà Mau) đối với 6 thủ tục hành chính: cấp Giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và chứng thực. Đây là những thủ tục có liên quan mật thiết tới đời sống người dân, được người dân và xã hội đặc biệt quan tâm, bao gồm cả các thủ tục phức tạp, khó khăn cũng như các thủ tục đơn giản và bao gồm cả các thủ tục được giải quyết ở cấp huyện và cấp xã.
Chương trình nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để đề xuất biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức. Thông qua đó, Chương trình giúp cán bộ, công chức, người giải quyết thủ tục hành chính nhìn nhận lại kết quả công việc mà mình đã thực hiện, xác định hướng hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo báo cáo khảo sát điều tra xã hội học cho thấy, người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng năng lực chuyên môn của công chức nhưng “chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo của công chức”.
Phải gắn với trách nhiệm của chính quyền
Cho rằng Chương trình khảo sát đã thể hiện rõ nét việc chuyển từ Nhà nước quản lý (bắt buộc dân phải làm theo) sang Nhà nước phục vụ, ông Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng mong muốn kết quả của Chương trình không phải để lãnh đạo tham khảo hoặc chỉ để cảnh báo mà phải coi đây là một nội dung quản lý nhà nước trong công tác cải cách hành chính, đồng thời phải tiến hành quản lý từ Trung ương tới địa phương nhằm tháo gỡ những vấn đề mà người dân chưa hài lòng.
Đánh giá cao kết quả của Chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong muốn trong thời gian tới, Chương trình sẽ tổ chức khảo sát không chỉ đối với 6 thủ tục hành chính mà đối với nhiều thủ tục khác và sẽ nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ông Nhân cũng chỉ ra Chương trình mới đơn thuần khảo sát sự hài lòng của người dân mà chưa gắn trách nhiệm của chính quyền đối với những việc chưa làm được (dân chưa hài lòng).
Vì vậy, theo ông Nhân, trong thời gian tới nếu địa phương nào tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân thì đồng thời chính quyền địa phương đó phải cam kết quy chuẩn phong cách làm việc, khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng phục vụ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, “khảo sát sự hài lòng của người dân ngay sau khi họ vừa làm xong tục hành chính chứ không phải đợi đến hàng tuần, hàng tháng sau mới khảo sát”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị.