[links()]Sau khi chuyên trang Tâm điểm Dư luận với tiêu đề “Năm triệu có “dưỡng” được liêm” ra ngày 9/4, Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi và đề nghị tiếp tục mổ xẻ vấn đề này. Đáp ứng nhu cầu độc giả, PLVN ghi nhận ý kiến của người đại diện cho nhiều giới, nhiều ngành nghề trong xã hội… xoay quanh chủ trương hỗ trợ Cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng 5 triệu đồng/tháng để dưỡng liêm, đang thu hút sự quan tâm của dư luận gần tháng nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Tướng Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội. |
Lực lượng CSGT có những tiêu cực cần lên án, nhưng ở khía cạnh khác, cũng cần thấy các chiến sỹ giao thông đứng dọc đường chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ phía Nhà nước. Trong hoàn cảnh như thế khiến những cán bộ không có bản lĩnh dễ sa ngã vào tiêu cực.
Tôi nghe nói có những bộ phận anh em CSGT đứng đường quy định một ngày phải trích nộp khoản tiền thu được để lập "quỹ đen" nhằm xử lý sự cố khi có chuyện, hoặc dùng nó để đi biếu xén cấp trên. Nếu vậy, tiêu cực giờ đã thành bè nhóm, thành “băng đảng” với nhau, gắn với nhau bằng lợi ích nhóm. Dù ai đó không muốn mình tiêu cực cũng khó vì không theo thì không thể tồn tại. Một ông thủ trưởng mà có vấn đề, anh phó, anh trưởng phòng có dám chống không nếu chưa đủ trí lực?. Vậy nên đa số lựa chọn giữ miệng, giữ mồm không thì sẽ bị “về vườn” sớm. Để đả phá, tuyên chiến với nhóm lợi ích gắn kết như vậy dứt khoát phải giải quyết từ trên xuống.
Một anh ngồi văn phòng một ngày 8 giờ đồng hồ, sau đó về nghỉ ngơi, lương bổng cũng được trả bằng anh giao thông đứng ngoài đường với thời gian làm việc nhiều hơn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn là vô lý. Chế độ lương bổng theo kiểu cào bằng như hiện nay là “điều kiện cần” để nảy sinh tiêu cực. Phải nghiên cứu sửa đổi, tính theo giá trị lao động từng nghành nghề, từng chức danh mà xác định.
Muốn có Liêm thì phải từ giáo dục, không giáo dục được cái tâm trong sáng, không giữ được cái đức của người cán bộ thì Liêm chỉ là hình thức. Nếu đức Liêm trong con người không có thì lòng tham vô đáy, lúc đó thì dù có bỏ ra 5 triệu, 10 triệu, thậm chí tiền tỷ đi nữa cũng không mua được.
Ý tưởng này nhìn cục bộ thì thấy hay, nhìn tổng thể thì phải cẩn trọng, không khéo lại sinh ra mâu thuẫn. Hỗ trợ xong cho “ông” CSGT lại đến “ông” Hải quan, Thuế, Kiểm lâm…cũng đòi hỏi như thế thì sinh ra chuyện lớn đấy, “ông” Đà Nẵng lấy nguồn ở đâu, đủ sức để hỗ trợ không?.
Lấy ngân sách nhà nước mà chi cho mục đích này là không ổn, không phù hợp vì chúng ta còn có rất nhiều thứ đáng hỗ trợ hơn như hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam, cho thương bệnh binh, gia đình chính sách, cho người nghèo, thiên tai, địch họa…
“Lập Quỹ dưỡng Liêm từ nguồn nào là do địa phương bàn bạc và quyết định nhưng theo tôi có chăng chúng ta nên xã hội hóa Quỹ này. Tôi nhấn mạnh Quỹ này nên xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện.
Chủ trương của Đà Nẵng cũng bình thường, không có gì là “sốc”. Một mặt, nó động viên, khuyến khích cán bộ làm việc, như là một đòn bẩy về lợi ích (tôi nhấn mạnh về quan điểm “đòn bẩy”, không nên coi đó là “động lực”- sẽ rất nguy hiểm); mặt khác, để bù đắp những khó khăn, nguy hiểm.
Hơn nữa, chính sách này còn tạo cơ chế tác động xã hội rất lớn đối với người tham gia giao thông, sẽ giảm bớt vi phạm thông thường, bởi vì họ biết rằng cán bộ, chiến sỹ đó đã có chế độ của Nhà nước nên có thể không tiếp tục có hành vi tiêu cực.
Tuy nhiên, có mấy điểm rất đáng lưu ý khi đề ra và áp dụng chế độ này: Tuyệt đối không được dùng tiền thuế để chi hỗ trợ cho cán bộ. Bởi vì, nếu đã có các khoản thu từ phí, tiền phạt thì phải trích để sử dụng vào mục đích chung cho lĩnh vực đó. Việc dùng tiền thuế để dưỡng liêm chỉ nên áp dụng đối với các cán bộ trong các cơ quan, ngành không có khoản thu nào.
Không nên chỉ hạn chế ở việc áp dụng đối với CSGT mà có thể áp dụng đối với cán bộ, nhân viên các ngành khác như: Hải quan, Kiểm lâm, Thuế, Kiểm toán, Thi hành án, Tòa án…Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ và không áp dụng tràn lan, vô nguyên tắc, thiếu công bằng…
Quy định sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính 1. Phần kinh phí đối với lực lượng Công an; Thanh tra giao thông vận tải sau khi hỗ trợ cho Thanh tra giao thông vận tải Trung ương cùng hoạt động trên địa bàn (nếu có), trích cho Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa (nếu có) được coi là 100% và sử dụng như sau: Dành từ 60% đến 80% để chi cho các nội dung: a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế, tiến tới giảm dần tốc độ gia tăng tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; b) Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT: - Đối với lực lượng Công an giao thông trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT: Mức chi từ 700.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người/tháng; cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng Công an chống đua xe trái phép ban đêm) được bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/người/ca… (Trích Thông tư số 89/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ) |
Ông Hoàng Xuân Trinh - Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Cục Kiểm lâm):
Kiểm lâm hoạt động trong rừng, ai cảm thông?
Hãy bình tĩnh chờ xem họ thực hiện như thế nào. Tuy nhiên theo tôi, nếu bàn đến tận cùng thì 5 triệu đồng là khoản thu nhập tăng thêm, và tôi không chắc là 100% những người sau khi có thêm khoản thu nhập này lại nói không với tiêu cực, mãi lộ.
Đó là chưa nói nếu thực hiện đối với CSGT, thì các ”anh” khác, ngành khác... cũng lên tiếng, đòi được hỗ trợ vì họ cũng sẽ cho rằng ngành mình, lĩnh vực mình làm việc cũng gian khổ, nhạy cảm cần được hỗ trợ, thì lúc đó lấy đâu ra kinh phí mà chi?
Thực tế, CSGT đa phần hoạt động ở đồng bằng, dễ nhìn thấy chứ như ngành tôi, anh em nhiều khi phải vào tận trong rừng làm nhiệm vụ và luôn đối mặt với nguy hiểm, trách nhiệm bảo vệ rừng, chống lâm tặc đòi hỏi rất cao, trong khi lương thì thấp, mức độ quan tâm lại chưa tương xứng.
Ông Bùi Văn Tựu - TGĐ Cty Sức kéo Quản lý công nhân lái tàu:
Không công bằng
Nếu so sánh CSGT với lái tàu thì không bao giờ hy vọng lái tàu sẽ được hỗ trợ bởi vì họ là lao động của doanh nghiệp, không phải là công chức nhà nước. Lái tàu được hỗ trợ tùy theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, dù nghề của họ cũng hết sức vất vả.
Về nguồn tiền, theo tôi sử dụng tiền phạt vi phạm giao thông để hỗ trợ thì được, vì theo chế độ thu, chi, đơn vị được phép giữ lại cho người làm nhiệm vụ một phần tiền trong đó. Nhưng nếu sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho lực lượng CSGT là không công bằng vì ngân sách nhà nước phải được sử dụng cho mọi đối tượng, mọi công dân.
Việc quản lý con người là nhiệm vụ của các cấp, nếu không quản lý được mà mang tiền ra, lấy tiền của người khác để chi là không được. Tiền ngân sách là quyền lợi chung của mọi người, thì tiền đó phải đầu tư cho lợi ích xã hội, nếu chỉ tập trung cho một nhóm người là không được.
Thượng úy Nguyễn Văn Vinh (Trung đoàn CSCĐ Hà Nội): 5 triệu bằng cả tháng lương của tôi
Nếu lực lượng Cảnh sát Cơ động mà cũng được khoản tiền 5 triệu đồng gọi là để dưỡng liêm như CSGT ở Đà Nẵng thì tốt quá. Thực tế, ngoài tiền lương, phụ cấp cấp bậc, chức vụ và hưởng thêm tiền đặc thù của ngành như hiện nay đối với một Thượng úy, công tác trong ngành 15 năm, mức thu nhập cũng chỉ 5 triệu đồng như vậy quả là rất khó khăn. Buổi tối, tôi còn tranh thủ thời gian nghỉ để phụ vợ kiếm thêm thu nhập cho gia đình…
Nếu được thêm khoản hỗ trợ như ở Đà Nẵng, tức là bằng cả tháng lương của một Thượng úy như tôi, chắc chắn sẽ giúp anh em yên tâm công tác, hạn chế tiêu cực. Nhất là đối với anh em Cảnh sát Cơ động thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng vi phạm, thậm chí có những đối tượng sẵn sàng bỏ ra vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng để mua chuộc, để không bị xử lý, và nếu không có bản lĩnh thì dễ sa ngã.
Ông Đỗ Việt Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính): Chi không được phép vượt khung - Tiền phạt vi phạm an toàn giao thông nộp vào kho bạc là ngân sách, trong khi Luật Ngân sách không có khoản chi để dưỡng liêm?. - Về lý thuyết thì số tiền phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông có thể coi là ngân sách Nhà nước. Nhưng theo quy định của Chính phủ, số tiền này được dùng để chi lại cho công tác đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, theo Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính thì toàn bộ tiền thu phạt vi phạm hành chính được để lại 100% để sử dụng cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông như mua sắm trang thiết bị và đầu tư cho những chủ thể làm công tác này, trong đó có lực lượng Công an. Tôi cho rằng, chủ trưởng của Đà Nẵng không có gì sai. - Dự kiến, về lâu dài TP.Đà Nẵng sẽ dùng khoản tiền phạt để hỗ trợ CSGT, những trước mắt sẽ tạm ứng từ ngân sách địa phương. Điều này có gì trái quy định, thưa ông? - Theo Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, thì ngân sách địa phương được dùng để chi trong 2 trường hợp sau: Thứ nhất là trong trường hợp có thiên tai hoặc đảm bảo kịp thời cho công tác an ninh trật tự; thứ hai, cấp trên và cấp dưới kết hợp thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp nếu TP.Đà Nẵng quyết định ứng tiền từ ngân sách địa phương để chi hỗ trợ cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, tôi thấy cũng không có gì sai, nhưng cái chính là phải phụ thuộc và chủ động nguồn để sau đó bù lại khoản đã chi. - Có ý kiến nói hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng là lớn và không công bằng so với những ngành nghề khác như Hải quan, Thuế…? - Số chi hỗ trợ phải phụ thuộc vào số thu. Tuy nhiên, mức chi không được vượt quá khung theo quy định sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Cá nhân tôi thấy ý tưởng hỗ trợ cho lực lượng CSGT để họ yên tâm làm nhiệm vụ là tốt. Riêng đối với lực lượng Hải quản, Thuế thì có thể xem xét sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để hỗ trợ. Cảm ơn ông. |
Nhóm phóng viên