Sau một năm rưỡi thực hiện cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân vẫn “đường hoàng” hút thuốc bởi họ vẫn “đỏ mắt” tìm người xử phạt...mình.
Mong bị phạt!
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, 56% nam giới thường xuyên hút thuốc lá, 60% trẻ em tuổi từ 13-15 luôn tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá từ người thân trong gia đình. Tính từ năm 2000, Thủ tướng đã ký hàng loạt văn bản để kiểm soát vấn đề thuốc lá.
Tỉnh Lào Cai xử phạt được 10 người vi phạm, mức phạt tổng cộng 1,5 triệu đồng. |
Đến tháng 8/2009, Thủ tướng ban hành Quyết định 1315/QĐ-TTg nghiêm cấm hút thuốc lá từ ngày 1/1/2010 ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn thản nhiên diễn ra.
Ngoài bến tàu và bến xe, nơi công sở, cơ quan hành chính việc hút thuốc lá bừa bãi của những người tại môi trường làm việc này cũng không hề kém. Tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), nơi có lượng người ra vào rất đông, nhưng tình trạng người hút thuốc lá bừa bãi diễn ra rất phổ biến. Nhân viên bến xe cho biết: “Nhiều khách vừa hút thuốc vừa vào giao dịch, khi được nhắc họ mới vứt bỏ”.
Tại Ga Hà Nội vào chiều 21/6/2011, một hành khác đợi mua vé trong vòng 45 phút đốt hết 2 điếu thuốc, khói thuốc khiến nhiều người khó chịu. Tuy nhiên, suốt thời gian đó tuyệt nhiên không thấy lực lượng chức năng nào tới nhắc nhở, còn nhân viên nhà ga thì coi đây không phải việc của mình. Trả lời về việc có thể bị phạt từ 50-100 nghìn đồng, người này cười: “Tôi đang đợi bị xử phạt đây. Nhưng tìm “đỏ mắt” nào có thấy ai”. Nói rồi, anh ta “điềm nhiên” giở thuốc đốt tiếp.
Năm rưỡi, chỉ có…10 người bị phạt!
Theo Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), trong vòng gần một năm rưỡi (từ 1/1/2010, khi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có hiệu lực), mới chỉ có tỉnh Lào Cai xử phạt được 10 người vi phạm, mức phạt tổng cộng 1,5 triệu đồng. Sau hơn 18 tháng có hiệu lực, xem ra những quy định vẫn nằm yên trên giấy, các nhà chức trách và người dân “ngó lơ”.
Hiện các cơ quan hữu quan đang bế tắc trong việc quy định cơ quan nào đứng ra xử phạt. Bởi lực lượng thanh tra y tế được giao nhiệm vụ lại quá mỏng và ôm nhiều việc. Bảo vệ các cơ quan, nơi bến xe, bến tàu…lại không đủ quyền hạn, công an cũng chưa được giao việc này. Do đó, quy định có, chế tài có nhưng lệnh cấm vẫn chỉ là hình thức. Ngay cả quy định đưa ra cũng còn nhiều điều bất cập; không nêu rõ các tiệm ăn, quán cà phê trong nhà có nằm trong diện cấm hút thuốc lá hay không?
Chính phủ nói sẽ tăng thuế thuốc lá (hiện ở mức 45%), nhưng không nêu rõ là tăng bao nhiêu. Và Nghị định số 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: “Cảnh báo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc tại nơi công cộng”… nhiều người cho rằng quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Dự thảo… “cứu cánh”?
Để “chặt chẽ hóa” vấn đề xử phạt, một dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đang được lấy ý kiến các ban bộ, ngành để trình Chính phủ và kỳ họp Quốc hội đầu năm 2012. Theo đó, sẽ nghiêm cấm sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi, hoặc thuê hay sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá cũng sẽ bị nghiêm cấm.
Cùng đó, các địa điểm công cộng sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: khu vực làm việc trong nhà, khu vực sản xuất, dịch vụ trong nhà; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; trong khuôn viên của cơ sở y tế; cơ sở giáo dục mầm non…
Điểm nổi bật của dự thảo là người đứng đầu các địa điểm công cộng có quy định cấm hút thuốc lá chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm do mình quản lý, điều hành. Ông Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hiện người có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế và chủ tịch UBND các cấp.Tuy nhiên, thực tế lực lượng có thẩm quyền xử phạt quá “mỏng”, trong khi những người ở xung quanh người hút thuốc lá dù không thích nhưng cũng chẳng ai nhắc nhở vì ngại phiền phức.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ trao quyền xử phạt cho giám đốc bệnh viện, hiệu trưởng trường học, giám đốc rạp chiếu phim, rạp hát, giám đốc nhà văn hoá… Lãnh đạo các đơn vị này có thể uỷ quyền để cấp dưới xử phạt những người vi phạm. Trường hợp người đứng đầu các điểm công cộng không làm đúng quy định, nếu thanh tra phát hiện tại điểm cấm hút thuốc vẫn còn hiện tượng hút thuốc thì sẽ phạt chủ cơ sở đó. Lúc này mức phạt có thể lên tới cả chục triệu đồng. Tăng mức phạt người hút thuốc lá nơi công cộng là 200 nghìn đồng/lần.
Dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá còn đang bàn bạc. Quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng hầu như vẫn nằm trên giấy. Hàng ngày, hàng giờ, những người hút thuốc vẫn vô tư “phun độc” nơi công cộng. Đến bao giờ, người dân mới thoát khỏi cảnh hít khói thuốc bất đắc dĩ? Câu hỏi còn đang bỏ ngỏ?
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện Việt Nam là nước có tỉ lệ dân số sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới với 23,8% (15 triệu người). Đối với người hút thuốc lá thụ động, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49%. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Ước tính chi phí bởi 3 căn bệnh lao phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, khí phế thủng do thuốc lá gây ra hơn 1.160 tỉ đồng. Trong khi đó, các hộ nghèo tiêu tốn 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền mà gia đình dành cho y tế hay giáo dục… |
Thùy Dương