Cam go cuộc chiến chống ma túy ở Na Ư

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn BPCK quốc tế Tây Trang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân bản Na Ư.
Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn BPCK quốc tế Tây Trang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân bản Na Ư.
(PLO) -  Nguyên nhân khiến tội phạm ma túy ở xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chưa thuyên giảm là do đời sống nhân dân trên địa bàn còn hết sức khó khăn. Công tác phòng chống tội phạm ma túy sẽ không thật sự hiệu quả, nếu không giảm được tỷ lệ hộ nghèo trong xã hiện còn trên 35%.

Đổi thay ở “thung lũng tử thần”

Dẫn ra những con số lạc quan về tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp trên cả 3 tiêu chí (diện tích, năng suất, sản lượng) của quý I năm 2017, Bí thư Đảng ủy xã Na Ư Và Vả Tông tin tưởng địa phương mình không chỉ đạt được chỉ tiêu giảm nghèo 5%/năm mà còn đẩy lùi được “bóng ma” ma túy. Hiện nay, sản lượng cây lương thực của xã đạt 1.329 tấn, tăng 5,45 tấn so với cùng kỳ năm trước; lương thực bình quân đạt 802kg/người/năm; tổng đàn gia súc, gia cầm có gần 8.000 con.

Kinh tế trang trại đang được người dân áp dụng tại tất cả 6 bản trong xã. Trong xã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình làm giàu chính đáng như hộ ông Ly Hụa Chá, ở bản Na Láy, ứng dụng thành công mô hình trang trại kinh tế tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) với tổng thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng. Cựu chiến binh Vừ Giả Lầu, ở bản Ca Hâu thành công với mô hình trồng dứa cao sản trên đất nương, mỗi năm thu nhập từ bán dứa khoảng 40 triệu đồng... Những tấm gương đó đang trở thành động lực khuyến khích người dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo ra phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo sâu rộng trong từng bản.

Có nguồn thu nhập ổn định, nhiều người dân Na Ư đã tránh xa được cám dỗ kiếm tiền từ ma túy. Bí thư Và Vả Tông chia sẻ: “Muốn loại bỏ hiểm họa ma túy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, cấp ủy, chính quyền xã xác định phải nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành nghiêm pháp luật của mỗi người dân để phát huy sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị trong phòng chống tội phạm ma túy là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài”. 

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang được Bộ đội Biên phòng và các cấp, các ngành đưa vào đời sống 304 hộ dân trong xã, đặc biệt chú trọng vào các nhóm đối tượng có nguy cơ nghiện ma túy cao tại 6 bản, để nhân dân nhận thức rõ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm về ma túy cũng như hậu quả, tác hại của các chất gây nghiện, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và người có uy tín tích cực đấu tranh phòng, chống ma túy.

Y sĩ Lò Thị Trang - nhân viên Trung tâm Y tế huyện Điện Biên đang tiến hành chiến dịch truyền thông tiêm chủng tại các bản trong xã Na Ư phấn khởi cho biết: “Mấy năm trước, mỗi lần lên Na Ư làm nhiệm vụ, chúng em sởn gai ốc khi phải tiếp xúc với những ánh mắt ngờ vực, thiếu thiện cảm của các gia đình có người “dính” vào ma túy. Thậm chí, nhiều người từ chối không cho vào nhà. Bây giờ mọi sự đã khác, bà con vui vẻ mời các y, bác sĩ về tận nhà, trao đổi cởi mở về tình hình phòng chống dịch bệnh”.

Cuộc chiến chống ma túy ở Na Ư vẫn cam go, quyết liệt 

Sau nhiều năm đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, các lực lượng chức năng đã từng bước lập lại an ninh trật tự địa bàn, hàng loạt đường dây, ổ nhóm ma túy bị triệt phá, từng ông trùm ma túy lần lượt sa lưới pháp luật và phải trả giá cho những tội lỗi do mình gây ra. Biệt danh “thung lũng tử thần” dưới chân núi Ca Hâu đã được loại bỏ nhưng theo Thượng tá Bùi Duy Hưng - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) quốc tế Tây Trang, người dân xã Na Ư hiện chịu áp lực rất lớn của ma túy. 

Đối diện bên kia biên giới là bản Pa Hốc, thuộc khu 2, huyện Mường Mày, một trong những điểm sản xuất, chế biến, trung chuyển ma túy nhức nhối nhất của tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào). Lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc khăng khít lâu đời với người Mông ở Na Ư, các băng nhóm sản xuất ma túy ở Pa Hốc tìm mọi cách mở rộng thị trường tiêu thụ, móc nối với nhau tạo thành nhiều tuyến, nhiều đường dây lớn, nhỏ để vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam, sau đó chuyển sâu vào địa bàn nội địa với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Dọc 24km đường biên giới thuộc địa bàn xã Na Ư, ngoài cửa khẩu quốc tế Tây Trang, có hàng chục đường mòn, lối tắt qua biên giới. Dù các lực lượng chức năng căng hết quân số cũng không kiểm soát xuể các đối tượng vượt biên trái phép qua biên giới.

Nguy cơ bùng phát trở lại những điểm nóng ma túy ở Na Ư là rất cao, khi trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cùng với “siêu lợi nhuận” từ việc buôn bán ma túy luôn có sức hấp dẫn đối với những kẻ lười lao động nhưng lại muốn nhanh chóng làm giàu. Đơn cử như bà Và Thị Tung (sinh năm 1962), một nông dân nghèo, mù chữ, trú tại bản Na Ư, xã Na Ư trên đường vào rừng tìm cây máu chó về bán, gặp kẻ xấu lôi kéo, thuê vận chuyển ma túy với tiền công 2 “phân” heroin. Với suy nghĩ đơn giản số heroin trên quy ra tiền còn hơn phải vất vả lên rừng, bà Tung đã vượt biên sang biên giới vận chuyển 250g heroin và bị Đồn BPCK quốc tế Tây Trang phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Điện Biên bắt quả tang vào ngày 22/3/2017. Nhận thức pháp luật hạn chế và ma lực đồng tiền siêu lợi nhuận từ buôn bán, vận chuyển ma túy đã khiến nhiều nông dân chất phác “đổi trắng thay đen”. Các trùm ma túy triệt để lợi dụng những người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt “ưu tiên”  người già, trẻ em và phụ nữ sung vào đội quân vận chuyển “hàng”,  để tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.

Mặt khác, chúng còn sử dụng những đối tượng nghiện ma túy liều lĩnh vận chuyển và tiêu thụ ma túy ngay trong các đợt cao điểm tấn công tội phạm của lực lượng chức năng. Vụ Đồn BPCK quốc tế Tây Trang phối hợp với Chi cục Hải quan Tây Trang bắt quả tang  Sình A Thái (SN 1984), trú tại bản Na Ư, xã Na Ư đang vận chuyển 2 bánh heroin có trọng lượng khoảng 500g và 200 viên ma túy tổng hợp vào ngày 13/4/2017 là một ví dụ điển hình.

Tại Na Ư, cuộc chiến phòng chống tội phạm ma túy vẫn đang hết sức cam go, quyết liệt. Từng ngày, từng giờ ma túy vẫn theo mọi con đường, ngóc ngách chờ cơ hội đe dọa cuộc sống bình yên của từng gia đình. Cộng đồng dân cư hàng ngày phải đối mặt với 115 người nghiện, 113 đối tượng đang chấp hành án tù vì liên quan đến buôn bán, vận chuyển ma túy... Ông Và Phái Tà - Trưởng Công an xã Na Ư cho biết: “Từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lại có dấu hiệu “nóng” trở lại khi các lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá 11 vụ án ma túy, bắt giữ 19 đối tượng trên địa bàn xã. Chỉ tính riêng đường dây ma túy xuyên quốc gia gồm 8 đối tượng cộm cán trú tại bản Ca Hâu (xã Na Ư) do Vừ A Dơ (SN 1973) cầm đầu đến khi bị triệt phá đã vận chuyển vào Việt Nam hàng trăm bánh heroin. 

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.