Ngày 1/6, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã cùng bàn thảo để vạch ra những trọng tâm ưu tiên của năm thứ hai, trong đó nhấn mạnh mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Những kết quả không dễ “nhìn thấy”
Đánh giá 1 năm triển khai chương trình Aus4Reform, sáng kiến xây dựng mối liên kết giữa Australia và Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong phát triển kinh tế, chuyên gia quốc tế về tư vấn chính sách, ông Ray Mallon cho rằng không dễ để “nhìn thấy” kết quả của Chương trình.
“Những hoạt động hỗ trợ của Chương trình chỉ đóng góp một phần khiêm tốn trong chương trình cải cách của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên có thể theo dõi bối cảnh và sự phù hợp của Chương trình; Cung cấp bằng chứng về mối quan hệ giữa những hoạt động hỗ trợ cuả Chương trình đối với những kết quả cải cách theo mục tiêu của Chương trình và cung cấp các ví dụ về phương thức mà chương trình đã thực hiện để đóng góp và các chính sách cải cách cụ thể”- ông Ray Mallon nhận định.
Tuy nhiên, dẫn chứng một số chỉ tiêu cụ thể, cho thấy kết quả rất đáng khích lệ, theo lời ông Ray Mallon. Ví dụ mục tiêu thành lập 100 nghìn DN năm 2017- 2018 nhưng kết quả đã có khoảng 127 nghìn DN được thành lập; Tỷ lệ tăng năng suất lao động hàng năm, mục tiêu là 5% nhưng kết quả thực hiện là 6%; Mục tiêu trong năm 2017- 2018 trình Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) phù hợp với những cam kết quốc tế lên Quốc hội thông qua thì tiến độ thực hiện dự kiến Luật này sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 7/2019…
Được biết, Chương trình hỗ trợ này của Australia dự kiến sẽ giúp Việt Nam có thêm 1 triệu DN tư nhân (chính thức) đăng ký mới vào năm 2020, tăng tỷ lệ các DN do phụ nữ lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân.
Điểm nhấn trong cải thiện môi trường kinh doanh
Mặc dù còn băn khoăn về mục tiêu cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) song Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung khẳng định Aus4Reform đã góp phần quan trọng trong việc cắt bỏ, đơn giản hóa ĐKKD, góp phần quan trọng trong việc cải thiện MTKD.
Đặc biệt, về cải cách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đã có những kết quả được ghi nhận: Số hàng hóa kiểm tra trước thông quan giảm được hơn 15 điểm %; gần đạt mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm %: Giảm khoảng 90% số lượng hồ sơ phải thực hiện thủ tục công bố, kiểm tra an toàn thực phẩm; Giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan; DN tiết kiệm được đáng kể chi phí và thời gian: tương ứng khoảng 90% về chi phí và hàng triệu ngày công/năm...
Đồng tình với nhận định này, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh mục tiêu thành lập DN khi đưa ra con số 127 nghìn DN đăng ký mới, cộng thêm số DN quay trở lại hoạt động, đạt 153 nghìn DN trong năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2018. Đặc biệt, có đến 25% giám đốc DN tư nhân là phụ nữ, tập trung chủ yếu vào khu vực DN nhỏ và vừa. Trong nông nghiệp đã có chuyển biến rất tích cực, số trang trại tăng nhanh, nông dân tích cực dồn điền dồn thửa, nhiều DN tư nhân đã đầu tư vào các trang trại nông nghiệp hiện đại.
Mục tiêu ưu tiên
Theo chuyên gia Ray Mallon, các hoạt động của Chương trình Aus4Reform đang được thực hiện theo kế hoạch, tuy nhiên vị chuyên gia này lưu ý, thành công của chương trình phụ thuộc vào những ưu tiên chính sách của Chính phủ và sự tham gia ủng hộ của các bên liên quan. Theo gợi ý của chuyên gia, trong năm thứ hai của chương trình, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Mặc dù có những tiến bộ đáng ghi nhận, song MTKD của Việt Nam vẫn còn được xếp hạng thấp, các mục tiêu của các Nghị quyết 19 của Chính phủ chưa đạt được và cần được tiếp tục cải thiện, nhất là về thể chế, giảm các ĐKKD, các giấy phép con, tăng tính công khai, minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số…”- TS Lê Đăng Doanh đề xuất.
Viện trưởng CIEM cũng cho rằng cần phải tạo sức ép thực hiện tốt các mục tiêu mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đề ra; Đồng thời nghiên cứu, chuẩn bị nội dung Nghị quyết 19 năm 2019. Có thể là cải thiện MTKD tận dụng cơ hội 4.0 hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế số, rà soát, đánh giá các quy định hiện hành, các nút thắt, rào cản đổi với kinh tế số… Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh, đây là cơ hội thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cạnh tranh giữa các DN với nhau…
Theo TS Nguyễn Đình Cung, cần phải nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để đạt các mục tiêu đề ra. Ông dẫn chứng: Hiện xếp hạng MTKD của Việt Nam là 68 và mục tiêu năm 2018 là vị trí 50- 60, có nghĩa là phải phấn đấu tăng thêm 8- 10 bậc nữa.
Tương tự, chỉ số khởi sự kinh doanh cũng phải tăng ít nhất 40 bậc (từ thứ hạng 123 hiện nay lên 80 theo mục tiêu đặt ra cho năm 2018); Cấp phép xây dựng giảm 47 ngày (từ 166 ngày xuống còn 117 ngày); Tiếp cận điện năng giảm 11 ngày (từ 46 ngày xuống 35 ngày); Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản giảm 37,5 ngày (từ 57,5 ngày xuống còn 20 ngày); Tiếp cận tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư (Duy trì thứ hạng, tương ứng thứ hạng là 29 và 81); Nộp thuế và BHXH giảm từ 498 giờ/năm xuống còn 168 giờ/năm (tăng lên 50 bậc từ mức hiện tại là 86; Giao dịch thương mại qua biên giới (tăng thêm 15 bậc, hiện ở thứ hạng 94); Giải quyết tranh chấp hợp đồng (tăng 10 bậc từ 66 lên 56); Giải quyết phá sản DN (tăng 10 bậc từ 129 lên 119).