Cải cách hành chính chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát do ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH làm Trưởng đoàn với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, đây là lần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay.
Việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả hơn; việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn ở địa phương để thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực bước đầu đã đi vào ổn định. TP đã giải quyết tinh giản biên chế 5 đợt với 297 trường hợp, trong đó có 47 công chức, 184 viên chức và 66 công chức cấp xã.
Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nói riêng và cải cách hành chính (CCHC) nói chung. Ông Sáng cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
Trước những khó khăn, vướng mắc được phản ánh rất nhiều từ các quận, huyện, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH, Trưởng đoàn công tác đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, vướng ở đâu, do cơ chế chính sách hay do văn bản hoặc chỉ đạo điều hành? Trách nhiệm thuộc về ai?…
Nếu trách nhiệm thuộc về T.Ư hay Chính phủ thì cũng sẽ thẳng thắn rút kinh nghiệm. Đáng chú ý về tinh giản biên chế, kể cả Nghị quyết 39 cũng nêu rõ là không có chuyện cào bằng, chỉ xác định đến năm 2021 giảm 10% so với hiện nay, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ.
“Như thế không có nghĩa cơ quan nào cũng giảm 10%, có thể TP Hà Nội giảm 10% nhưng không phải quận, huyện, sở nào cũng giảm 10%. Chỗ nào thừa nhiều thì giảm nhiều và chỉ giảm những người không làm được việc” – ông Sáng cho biết.
Đặc biệt trong vấn đề phân cấp, Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Hà Nội làm mạnh mẽ hơn, quan trọng là cơ sở phải được tạo điều kiện về tài chính, ngân sách, nhân sự, cơ sở pháp lý và cũng không thể áp dụng giống nhau ở mọi nơi.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, khi thực hiện cải cách bộ máy thì Hà Nội cần lưu ý cả đến những trường hợp “một trường học có cần Phòng y tế không khi ngay bên cạnh có Trạm y tế xã. Hay nếu trạm xá xã nằm ngay cạnh bệnh viện huyện thì có cần đầu tư thiết bị hộ sinh cạnh đó không? Tức là, tùy thực tế mà tinh giản hay có thể xem xét đầu tư”.
Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực xã hội
Làm việc với UBND quận Bình Thủy, Ninh Kiều và huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) về việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Đoàn giám sát QH do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã ghi nhận nhiều đề xuất từ cơ sở gửi đến QH.
Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết, việc sát nhập Phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của các quận, huyện vào Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường của TP quản lý chưa phù hợp với địa bàn và phân cấp trên thực tế, gây khó khăn cho người dân ở xa. Đồng thời ông Niệm kiến nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện thủ tục xử lý kỷ luật đối với chức danh cán bộ và hướng dẫn độ tuổi bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng các phòng cấp huyện.
Liên quan đến vấn đề đề án vị trí việc làm, ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, như mỗi vị trí việc làm sẽ cơ cấu chức danh nghề nghiệp tương ứng và hạng chức danh phù hợp. Đồng thời đề nghị, sửa đổi quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện theo hướng chỉ một Phó Chủ tịch HĐND là đáp ứng đủ theo yêu cầu.
Ngoài ra, ông Hiển đề xuất “Sắp tới đây QH cần xem xét bổ sung thêm một công chức Phó Chủ tịch UBND phường loại II để làm tốt công tác hoạt động”. Còn ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đề nghị QH cần xem xét lại vấn đề chia cắt địa giới hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị cấp xã.
Đánh giá cao những nỗ lực của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Phong Điền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Cần Thơ có những kiến nghị, đề xuất cụ thể trong công tác quản lý biên chế hiện nay với đánh giá sâu sắc và khách quan về những vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy, đưa ra các đề xuất, kiến nghị về biện pháp khắc phục; kiên quyết xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời, Phó Chủ tịch QH cũng yêu cầu Cần Thơ cần có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công ở một số lĩnh vực để thu hút thêm nhiều hơn nguồn lực từ xã hội.