Cách Vũ Hán phân phối thực phẩm khi người dân ở nhà

0:00 / 0:00
0:00
Trong 76 ngày phong tỏa, Vũ Hán đưa thực phẩm tới 11 triệu dân nhờ lực lượng shipper, ưu tiên giao hàng theo combo, phối hợp nguồn lực giữa khu vực công - tư.

Trong 76 ngày phong tỏa, Vũ Hán đưa thực phẩm tới 11 triệu dân nhờ lực lượng shipper, ưu tiên giao hàng theo combo, phối hợp nguồn lực giữa khu vực công - tư.

Các cấp độ siết chặt phong tỏa của Vũ Hán được nâng dần lên trong tháng 2/2020. Trong thời gian phong tỏa, người dân phải sống trong các cộng đồng cư dân tách biệt, với nhân viên canh gác ở các lối ra. Sự tiếp xúc chỉ giới hạn trên Internet. Vào khoảng tuần gần cuối của tháng 2, chính quyền Vũ Hán ra lệnh cho thành lập các điểm "giao hàng không tiếp xúc".

Tuy nhiên, mức độ hạn chế áp với các cộng đồng cư dân là khác nhau. Vì vậy, một số địa bàn ở Vũ Hán thực hiện các quy tắc riêng của họ, chẳng hạn: cấm siêu thị bán cho cá nhân, buộc các khu phố phải mua số lượng lớn, nếu không sẽ không thể tiếp cận được hàng hoá.

Ở khâu đặt hàng , người dân vẫn được đặt trực tuyến với tiểu thương hoặc siêu thị để mua nhu yếu phẩm hàng ngày nhưng phần lớn phải theo mô hình "combo" hay trong các cộng đồng dân cư, nổi lên mô hình đặt mua theo nhóm.

Hầu hết dịch vụ mua theo nhóm cũng đều hoạt động thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat. Nền tảng này có các nhóm trò chuyện đặc biệt về thịt, rau, sữa hay thậm chí là "mì khô nóng", một món ăn nổi tiếng của Vũ Hán.

Cách Vũ Hán phân phối thực phẩm khi người dân ở nhà ảnh 1

Một người dân sử dụng điện thoại thanh toán các loại rau được mua thông qua đơn đặt hàng theo nhóm ở Vũ Hán ngày 21/2/2020. Ảnh: Reuters

Một số hệ thống bán lẻ có ứng dụng nhỏ của riêng họ bên trong WeChat, nơi người dân có thể chọn các gói combo phân sẵn. Chia sẻ trên AFP vào tháng 2/2020, Guo Jing, một cư dân 29 tuổi cho biết khu vực của cô có cửa hàng bán combo 5 loại rau, bao gồm khoai tây và bắp cải non cùng các loại khác, nặng 6,5 kg, có giá 50 nhân dân tệ (7,11 USD). "Bạn không có cách nào để chọn những gì bạn thích ăn. Bạn không thể có sở thích cá nhân nữa", Guo nói.

Mô hình bán theo nhóm và bán combo là nhằm tiết kiệm nhân lực vận chuyển đến các cộng đồng dân cư. Đơn cử, siêu thị Lao Cun Zhang, cho biết họ yêu cầu tối thiểu 30 đơn hàng từ một cộng đồng vì chỉ có 4 xe vận chuyển, không thể xử lý các đơn nhỏ lẻ. "Thành thật mà nói, chúng tôi không thể làm gì được", Yang Nan, quản lý của siêu thị Lao Cun Zhang, nói.

Ở khâu vận chuyển , tài xế giao hàng của các hệ thống bán lẻ, nền tảng công nghệ vẫn được phép hoạt động. Ví dụ Hema, một chuỗi siêu thị thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Alibaba, có đội tài xế đi khắp thành phố với khẩu trang và nước rửa tay mà công ty cung cấp mỗi sáng. Đồng phục của họ, với màu xanh lam sáng và biểu tượng con hà mã, nói với chính quyền địa phương rằng họ được phép lưu thông trên đường.

New York Times đánh giá, "khi Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc phong tỏa, shipper đã trở thành huyết mạch quan trọng của đất nước, giữ cho thịt tươi, rau quả và các nguồn cung cấp khác đến tay những người cần chúng".

Nhiệm vụ của các shipper này là vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến cổng ra vào các cộng đồng dân cư được tách biệt, như khu chung cư, khu phố. Tại các cổng gác của khu dân cư, nhân viên cộng đồng của nội khu sẽ nhận hàng hóa và chuyển đến từng nhà dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cộng đồng này, mỗi sáng, ông Liu sẽ chuyển một tờ giấy có tên, số điện thoại và số thứ tự của mình cho một nhân viên cộng đồng, người sẽ nhận hàng của ông do shipper chuyển đến ở cổng khu dân cư.

Ngoài ra, nhằm giúp hoạt động vận chuyển diễn ra trơn tru và tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm, các nền tảng giao hàng sẽ cải tiến công nghệ. Khi Vũ Hán phong toả, Meituan đã điều chỉnh ứng dụng giao đồ ăn để người dùng ghi chú cho shipper địa điểm giao hàng. Khách hàng cũng có thể gọi điện hoặc nhắn tin trực tiếp với tài xế.

Với đội ngũ nhân viên y tế tại Vũ Hán, Meituan phát 1.000 bữa ăn miễn phí mỗi ngày và giao cho họ những nguyên liệu tươi để tự nấu ăn. Các tủ khóa không tiếp xúc được lắp đặt tại các bệnh viện trong thành phố để shipper có thể để thực phẩm một cách an toàn và nhân viên y tế mở khóa bằng mã QR. Thậm chí, ở Bắc Kinh, Meituan còn dùng xe tự lái để đưa bữa ăn đến các trạm nhận hàng không tiếp xúc.

Ở khâu tổ chức nhân sự , ngoài việc duy trì khả năng hoạt động của đội ngũ shipper, Vũ Hán huy động một lực lượng các tình nguyện viên để hỗ trợ tham gia chống dịch. Theo Global Times, trong thời gian Vũ Hán phong tỏa, cứ bảy người dân thì có một người làm tình nguyện viên, với tổng số 1,81 triệu người đã đăng ký trên hệ thống dịch vụ tình nguyện.

Trong số đó, ít nhất 23.000 người trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) đã tham gia vào hơn 500 chương trình trên toàn thành phố. Họ tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến, nơi cách ly, cung cấp viện trợ y tế và đảm bảo nguồn cung cấp nhu yếu phẩm. Các tình nguyện viên đã giúp 105 siêu thị trên toàn thành phố đóng gói sản phẩm và chuyển đến các hộ gia đình mỗi ngày.

Tình nguyện viên hỗ trợ phân loại và đóng gói hàng tạp hóa ở một siêu thị tại Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Tất nhiên, việc hệ thống cung ứng thực phẩm của Vũ Hán trong giai đoạn phong tỏa không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Ông David Dai, 49 tuổi, sống ở ngoại ô Vũ Hán, cho biết dù khu chung cư đã tổ chức mua theo nhóm nhưng ông không hài lòng về giá cả và chất lượng. "Rất nhiều cà chua, rất nhiều hành tây bị thối rữa", ông nói với AFP, ước tính hơn một phần ba số thực phẩm phải được vứt bỏ.

Hay như ông Liu có lúc cũng phải mua rau với giá gấp ba lần so với dịp Tết Nguyên đán 2019. "Có rất ít lựa chọn, ngoài khoai tây, bắp cải và cà rốt nhưng tôi không phàn nàn. Thật tốt khi chúng ta vẫn có thể kiếm được rau tươi vào thời điểm khó khăn", ông nói.

Nhưng nhìn chung, cách làm của Vũ Hán vẫn đảm bảo hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu. Sofya Bakhta, nhà phân tích chiến lược tiếp thị tại Công ty tư vấn Daxue có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết lĩnh vực giao hàng thực phẩm đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm tiếp xúc khi bùng phát dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, hoạt động giao thực phẩm của Vũ Hán diễn ra tương đối thuận lợi nhờ hạ tầng tốt từ trước. Nhờ mật độ dân số cao ở các khu vực thành thị, lực lượng lao động dồi dào và sự cởi mở của người dân với cuộc sống kỹ thuật số, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giao hàng tận nhà phát triển. Đầu tư mạnh mẽ của các công ty công nghệ cả về phần cứng, phần mềm đã cải thiện việc giao nhận và dự đoán hành vi của người tiêu dùng.

Harvard Business Review đánh giá, Trung Quốc có thể duy trì sự ổn định chuỗi cung ứng trong các đô thị thời kỳ dịch bệnh là nhờ vào "sự kết hợp giữa sự trưởng thành kỹ thuật số của người tiêu dùng và chuỗi cung ứng được hỗ trợ kỹ thuật số", cho phép họ tổ chức giao hàng tận nhà các nguồn cung cấp thiết yếu cho những người tự cách ly.

"Cho dù đó là giao sản phẩm, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống hay thậm chí là thuốc hoặc vật liệu dùng trong y tế, Trung Quốc có một hệ thống cung ứng phát triển hơn nhiều so với nhiều nơi khác trên thế giới", Mark Greeven, Giáo sư về đổi mới và chiến lược tại Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sĩ, nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Li Chen, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Hong Kong cho biết, hệ thống phân phối của Trung Quốc đại lục được cải thiện nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa đổi mới khu vực tư nhân và điều phối khu vực công. Ông nói, các đơn vị chính phủ "duy trì khả năng huy động khá mạnh mẽ để đối phó với các tình huống khẩn cấp, hoạt động hiệu quả trong cuộc khủng hoảng".

Hai giáo sư Yue Qian và Amy Hanser của Đại học British Columbia (Canada) một đơn vị đóng vai trò lớn trong quá trình chống dịch là lực lượng "Ủy ban Cộng đồng" (Shequ). Đây là mô hình có từ thời Mao Trạch Đông, các Shequ là cơ quan giám sát cấp khu phố, giải quyết các tranh chấp và duy trì trật tự xã hội cơ bản. Vào giai đoạn phong tỏa, các Shequ đảm nhận các nhiệm vụ hành chính, cung cấp các dịch vụ cộng đồng (như điều phối mua hàng tạp hóa, giao hàng và phân phối) và hỗ trợ y tế các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Theo Global Times, việc huy động từ trên xuống, do chính quyền lãnh đạo và có sự tham gia của các tổ chức xã hội và người dân, là chìa khóa giúp quản lý khu dân cư khép kín, vốn là phương thức chống dịch phổ biến trong giai đoạn đầu của đại dịch ở Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.