Làm điện áp mái lãi hơn gửi tiền ngân hàng!
Bà Ngụy Thị Khanh, sáng lập Tổ chức GreenID cho biết, cơ chế giá điện mặt trời rất khuyến khích, đã giúp Việt Nam có được 1.075MW điện áp mái - một con số đáng ngạc nhiên, trong 2 năm qua; Đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn qua nhỏ bé so với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn, ước tính lên tới tổng công suất 48.000 MW.
Để có thể tận dụng nguồn tài nguyên này, GreenID đã có chiến dịch 1 triệu mái nhà xanh trên toàn quốc. Ông Phạm Nam Phong, Tổng Giám đốc Vũ Phong Solar thông tin cho biết, ông đang cùng một số quỹ đầu tư hỗ trợ tìm kiếm mô hình để tạo ra triệu mái nhà xanh, giúp cho những người có thu nhập thấp có thể tìm được lợi ích trên mái nhà của mình; Đồng thời giảm áp lực nguồn điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Câu chuyện phát triển điện áp mái đang trở nên dễ dàng hơn khi ông Thái Minh Bảo, đại diện Khối văn phòng của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) miền Trung chia sẻ, cơ quan này đã đầu tư 154 triệu đồng làm điện áp mái vào cuối năm 2017. Số tiền mà cơ quan WWF miền Trung nhận được từ bán điện áp mái trong 2 năm qua vào khoảng hơn 12 triệu/năm, cộng thêm việc không phải trả tiền điện hàng tháng, WWF tính toán chỉ mất khoảng 6,5 năm sẽ thu hồi lại toàn bộ vốn, trong khi đó, điện áp mái có thể sử dụng trong khoảng 25 năm.
PGS, TS Lương Kính, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, lại đưa ra một so sánh rất đơn giản, cho thấy nếu dùng tiền để đầu tư vào điện áp mái và gửi ngân hàng (tiền lãi dành để trả tiền điện) thì dòng tiền nào sẽ sinh lời nhiều hơn? Ông Kính khẳng định, hầu hết tiền lãi ngân hàng đều chưa tính đến yếu tố lạm phát nên lãi hàng năm không còn bao nhiêu trong khi dùng tiền ấy để lắp điện áp mãi, mỗi tháng tiết kiệm được 1,2 triệu đồng tiền điện, cao hơn tiền lãi ngân hàng. Do đó, đầu tư vào điện áp mái lợi hơn rất nhiều so với lãi suất gửi ngân hàng. Điều quan trọng nhất là những phần lãi về môi trường mà không thể đo đếm được.
Gỡ nút thắt chính sách
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, nút thắt chính để phát triển điện áp mái vẫn nằm ở chính sách. Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà khẳng định, điện áp mái đã như một sản phẩm được bày bán ở siêu thị, chỉ cần có chính sách kích cầu là có thể đưa vào sử dụng số lượng lớn.
Ông Tân cho rằng, để phát triển nguồn tài nguyên này không chỉ là việc riêng của Bộ Công Thương hay EVN mà các Bộ, ngành khác cũng cần vào cuộc. Ví dụ, Bộ Xây dựng có thể có chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng các chung cư có tích hợp điện áp mái trên mái từng tòa nhà. Điều này sẽ khuyến khích rất lớn cho phát triển điện tại chỗ và tiêu thụ tại nơi sản xuất, đỡ một phần nguồn lực cho EVN trong đầu tư hạ tầng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, các ngân hàng thương mại đã rất sẵn sàng cho người dân vay tiền làm điện áp mái. “11.000 tỷ đồng đã có sẵn rồi. Mái nhà cũng có sẵn rồi, mỗi hộ dân một mái, chỉ cần huy động 20% hộ dân dùng điện áp mái thì Việt Nam đã có được nguồn điện khá lớn. Vấn đề còn là giá để mua điện và giá được mua trong bao lâu. Điều này cũng đúng với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khi sẵn sàng khởi động chính sách giá, thuế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo” - ông Hòe chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin, hiện đã có 42.000 hộ lắp đặt điện áp mái đã được EVN thanh toán tiền điện, giúp phần nào cân bằng cung cầu năng lượng cho ngành này. Sau 31/12/2020 sẽ không còn giá 8,38 cent/kWh điện áp mái nên đại diện của EVN kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những cơ chế, gói hỗ trợ nhằm vừa giảm thiểu chi phí đầu tư phát triển vận hành điện áp mái vừa khuyến khích người dân lắp đặt nhiều hơn.