Nhắc chuyện năm cũ, đầu năm 2010, Bộ Công Thương chủ trương hạn chế nhập siêu được bằng các biện pháp như hạn chế cấp ngoại tệ để nhập khẩu hàng xa xỉ, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sử dụng hàng rào kỹ thuật... Riêng chuyện có nhập khẩu hàng xa xỉ hay không đã khiến nhiều cuộc tranh luận nổ ra. Thế nhưng, đến cuối năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền nhập khẩu vẫn lên tới 10 tỉ USD. 9 tỉ USD trong số đó dành để nhập rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại.
So sánh với mức nhập siêu 12,6 tỉ USD, các chuyên gia kinh tế cho rằng con số 10 tỉ USD người dân bỏ ra tiêu xài hàng ngoại vô cùng đáng lo ngại. “Hàng xa xỉ đang khiến nhập siêu tăng cao và không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như làm hao tổn nguồn lực ngoại tệ của đất nước”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định. Điều này chứng tỏ tâm lý "sính ngoại", thích dùng hàng ngoại của người dân đang ngày càng gia tăng.
Chuyện hàng xa xỉ làm tăng nhập siêu không phải là chuyện mới, nhưng vẫn là vấn đề thời sự, bởi bao năm qua, vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết được tình trạng "sính hàng ngoại" của người dân. “Nhà nước không cấm nhưng cần có biện pháp để ngăn chặn, hạn chế trong điều kiện nền kinh tế luôn khan hiếm ngoại tệ, và nhập siêu thâm niên diễn ra trong suốt những năm qua”, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Theo ông, để giảm nhu cầu dùng hàng ngoại, cần phải có biện pháp nào đó “đánh vào kinh tế”, như áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao, hoặc có thể sử dụng các biện pháp khác mà không vi phạm quy định của WTO như tạo thủ tục hành chính thuế, hải quan ngặt nghèo hơn đối với các mặt hàng xa xỉ này.
TS Nguyễn Minh Phong cũng tán thành việc các bộ ngành chức năng nên coi con số nhập khẩu trên là vấn đề báo động thực sự để nhanh chóng đưa ra giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn. “Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có chủ trương mạnh mẽ hơn, có cơ chế phối hợp với Bộ Công thương để đưa ra hàng rào về tài chính, kỹ thuật để giảm bớt lượng hàng nhập khẩu xa xỉ”, ông Phong theo đuổi một quan điểm mạnh mẽ.
Hàng rào kỹ thuật có thể là biện pháp hữu hiệu, nhưng sâu xa hơn, gốc rễ hơn là phải thay đổi cơ bản tư duy "sính ngoại" của người dân Việt Nam vốn chưa phải là những người giàu so với thế giới. Nếu cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động sâu sắc đến cuộc sống và tiêu dùng của nhiều người thu nhập bình dân, thì cuộc vận động người giàu có vẻ ít thuận tiện hơn nhiều…
Tuấn An