Cách để chữa lành những nỗi đau “vô hình” từ bạo hành

Cách để chữa lành những nỗi đau “vô hình” từ bạo hành
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạo hành là câu chuyện không còn xa lạ ở xã hội hiện nay. Dù đã có nhiều bài học, nhiều hệ quả đau lòng vì vấn nạn này nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh, răn đe. Câu chuyện cũ nhưng nỗi đau luôn mới, nỗi đau từ bạo hành không chỉ gây ra những vết bầm tím, vết thương về thể chất mà còn gây ra những nỗi đau “vô hình” cho tinh thần.

Di chứng tâm lý ở người bị bạo hành

Trong thời gian qua, những vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, từ bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em, bạo hành học đường,… diễn ra ngày một nhiều và để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạo hành có ảnh hưởng lên mọi đối tượng, bao gồm cả nam và nữ, bất kể học thức, tôn giáo, điều kiện kinh tế và lứa tuổi. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng lên những người thuộc giới tính thứ ba. Xét trên bình diện giới tính, 85% nạn nhân của bạo hành là nữ giới nhưng cũng có đến 15% nam giới là nạn nhân của vấn nạn này. Do đó, những kẻ bạo hành có thể là bất kể ai trong xã hội, như chồng hoặc vợ, bố mẹ, người yêu, đồng nghiệp,…

Bạo hành thường diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. Các dấu hiệu của bạo hành thể chất khá rõ ràng, có thể quan sát được. Ngược lại dấu hiệu về bạo hành tinh thần tuy không thể nhìn thấy nhưng để lại hậu quả tương đương, vì vậy rất nguy hiểm.

Nhiều nạn nhân của bạo hành phải đối mặt với những ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần. Những người từng bị bạo hành cho biết, đối với vết thương về thể chất, sau một thời gian sẽ lành lại nhưng những nỗi đau về tinh thần vẫn sẽ còn mãi. Đó là lý do mà bạo hành có thể để lại những “vết sẹo” rất sâu trong tâm lý của nạn nhân.

Những tổn thương tâm lý gây ra bởi bạo hành không rõ ràng như các dấu hiệu tổn thương thể chất và mỗi người có thể xuất hiện những dấu hiệu khác nhau. Do đó, rất khó để có thể nhận biết và can thiệp kịp thời. Một số nạn nhân thường cố gắng che giấu triệu chứng và không tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh. Vì vậy, việc nhận biết những thay đổi tâm lý và hành vi của người bị bạo hành là rất cần thiết.

Theo các nhà tâm lý học, những người bị bạo hành thường có những thay đổi trong tâm lý và hành động với những biểu hiện tâm trạng bối rối, lo âu, e sợ dai dẳng, dễ bị xúc động, suy nghĩ không tập trung, khó khăn khi đưa ra các quyết định, làm việc chậm chạp. Tâm trí luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, vì vậy thường khó thư giãn và dễ rối loạn giấc ngủ. Cảm giác tuyệt vọng, bơ vơ, không nơi nương tựa do họ tin rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát của kẻ bạo hành.

Nhiều nạn nhân bị bạo hành còn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực trong thời gian rất lâu và có thể mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm hoặc rối loạn hậu chấn thương tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn cảm xúc. Những căn bệnh tâm lý này sẽ không biến mất mà sẽ tồn tại trong nhiều tháng, năm dưới các mức độ khác nhau.

Ngoài ra, khủng hoảng tâm lý kéo dài sẽ làm gia tăng các vấn đề về thể chất cho nạn nhân như mất ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể, cao huyết áp, thiếu máu, tim mạch, vấn đề tiêu hoá…Vì vậy, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, các tác động tiêu cực của những bệnh tâm thần kể trên có thể tiến triển và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ về sau.

Cách vượt qua nỗi đau “vô hình”

Để vượt qua được tổn thương về tâm lý sau bạo hành, việc quan trọng nhất đối với những nạn nhân là chính bản thân họ phải nhận biết được các dấu hiệu và tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc vượt qua nỗi đau cần phụ thuộc vào chính quyết tâm của người bệnh. Cần phải thực sự hiểu, thực sự nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó mới thực sự quyết tâm trong điều trị.

Giống như trường hợp của S.Mai (22 tuổi, Hà Nội), một người đã từng thoát khỏi căn bệnh trầm cảm nặng sau bạo hành chia sẻ: “Tôi đã từng trải qua cảm giác bị tổn thương tâm lý nặng nề, thật sự rất khó khăn. Chia sẻ bệnh thì sợ xã hội nói này, nói kia, sợ những người xung quanh chê cười, nên ngại lắm, cứ cố gắng tạo vỏ bọc luôn vui tươi ổn định bên ngoài. Rồi chỉ chực đến khi ở một mình là thu vào một góc. Bản thân mệt nhưng tôi biết rằng phải tự cứu mình thôi không thì không ai cứu được đâu.

Vậy nên mọi người hãy thử can đảm lên, ai đang bất lực, bất cần, ai đang cảm thấy không ổn, không còn động lực với cuộc sống, quá mệt mỏi, nghĩ quẩn và cứ đắm chìm trong nỗi đau quá khứ mà không dám đi khám, không dám nói ra thì giờ hãy can đảm thử xem, nhẹ nặng gì cũng đừng ngại, càng giấu càng mệt mỏi. Phải đi khám mới biết hướng giải quyết phù hợp cho bản thân”.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nếu như nạn nhân bị bạo hành cứ sống mãi trong nỗi đau quá khứ mà quên đi mất việc mình phải sống cho hiện tại sẽ khiến nạn nhân ngày càng rời xa thực tế. Chính vì thế mà đôi khi thật khó khăn để họ nhận thức rằng bản thân mình đang có vấn đề. Do đó, cần sự hỗ trợ rất lớn của người thân trong việc thức tỉnh và giúp nạn nhân nhận ra được những vấn đề bất thường của bản thân.

Sau khi đã hiểu về tình trạng của bản thân, việc áp dụng liệu pháp tâm lý luôn được ưu tiên hàng đầu và đánh giá cao trong việc cải thiện hội chứng này. Với việc điều trị tâm lý, bác sĩ sẽ có các buổi trò chuyện để người bệnh hiểu hơn về bản thân và nỗi sợ mà mình đang trải qua. Cũng từ đây bác sĩ tâm lý sẽ biết cách giúp cho họ vượt qua được chấn thương và đối diện với hiện thực tốt hơn, dễ cởi mở và chia sẻ về những gì mà mình đang gặp phải.

Khi đã có khả năng đối diện với sự kiện gây tổn thương tâm lý, người bệnh sẽ dần dần vượt qua được nỗi lo sợ để quay lại với thực tại cuộc sống. Việc hiểu về tình trạng của bản thân còn giúp họ kiên trì, chấp nhận và hợp tác với bác sĩ hơn trong điều trị. Là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ điều trị hơn. Kết thúc quá trình điều trị tâm lý, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn, biết cách đối mặt và xử lý trước những vướng mắc, khó khăn,... và có kỹ năng cần thiết để hòa nhập dần dần với cuộc sống.

Đồng thời việc tự chăm sóc bản thân cũng vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị. Các biện pháp tự chăm sóc tốt bản thân giúp hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng về thể chất, tâm lý và cảm xúc do sang chấn tâm lý có thể kể đến như tập thể dục, thể thao. Các nghiên cứu đã chứng minh, tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày thực sự có ích trong việc gia tăng các hormone hạnh phúc và loại bỏ căng thẳng, buồn bã. Khi tập thể dục, các năng lượng tiêu cực được giải thoát, người bệnh sẽ cảm thấy tâm trí ổn định, đầu óc minh mẫn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến khích cách vượt qua sang chấn tâm lý và các căng thẳng, giúp loại bỏ tiêu cực chính là tập yoga hay thiền. Khi ngồi thiền tĩnh tâm, các yếu tố đất trời, âm dương được cân bằng sẽ giúp thanh lọc tâm trí, loại bỏ những nỗi buồn và giúp người bệnh cảm thấy ổn hơn rất nhiều.

Tập thể dục và những bài tập về tinh thần còn đem đến một giấc ngủ tuyệt vời, tăng cường hệ miễn dịch, giải quyết một số vấn đề của cơ thể do chấn thương tâm lý kéo dài gây ra. Đặc biệt, việc ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn cảm thấy tinh thần sảng khoái, minh mẫn và vui vẻ hơn. Việc nghỉ ngơi và thư giãn cũng có vai trò quan trọng, bởi sau thời gian vô cùng mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần nếu có điều kiện nghỉ ngơi để đầu óc được thư giãn là cần thiết.

Song song với việc chăm sóc đời sống tinh thần cũng đừng nên bỏ qua sức khỏe thể chất. Thời gian tổn thương tâm lý trước đó có thể khiến người bệnh không muốn ăn uống gì và trở nên suy nhược trầm trọng. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng là cách giải tỏa căng thẳng, lo lắng hiệu quả. Người bệnh nên tăng cường bổ sung đầy đủ 2,5 lít nước, tăng cường thêm các loại trái cây, rau củ… Tất cả đều chứa các vitamin giúp tăng cường phản ứng tích cực, giúp người bệnh thêm khỏe mạnh và vui vẻ hơn.

Trên đây là một số cách giúp những nạn nhân bị bạo hành có thể vượt qua nỗi đau tâm lý. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là ở bản thân có quyết tâm, có cố gắng vượt qua những nỗi đau “vô hình” đó hay không. Mọi việc tưởng chừng như rất khó nhưng mỗi ngày cố gắng một bước sẽ giúp ta vượt qua ngàn nỗi sợ đang hành hạ tâm hồn.

Đọc thêm

Trẻ ngộ độc thuốc giảm cân, thuốc diệt chuột

Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp trẻ nhập viện điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Cuối tháng 2 vừa qua, bé gái H.T (3 tuổi ở Hà Nam) phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái. Cùng thời gian này, một bệnh nhi 13 tuổi cũng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc diệt chuột. Đây là hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc thuốc, hoá chất, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan trên mạng.

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại

Tăng cường tiêm phòng cho chó mèo để phòng ngừa bệnh Dại
(PLVN) - Trước tình hình số người tử vong do bệnh Dại và số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại tăng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.

Cứu sống ca bệnh hiếm, 100 năm mới có 150 người mắc

ThS.BS Trần Vũ Đức - khoa Ngoại Tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân.
(PLVN) - Ngày 14/3, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức buổi chia sẻ thông tin về việc điều trị thành công cho 1 thai phụ bị thoát vị hoành nghẹt hiếm gặp. Theo thống kê của y văn, hơn 100 năm qua, thế giới ghi nhận chỉ có hơn 150 ca bệnh nhân có tình trạng tương tự.

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó hiện chưa đạt hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)
(PLVN) - Là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn.