Các nguyên thủ quốc gia chơi môn thể thao nào?

(PLO) - Là nguyên thủ quốc gia, “gánh” trên vai cả giang sơn xã tắc nên cũng dễ hiểu khi lãnh đạo các nước luôn chú ý rèn luyện thể chất. Tập luyện thể thao không chỉ là cách để họ có được ngoại hình khỏe khoắn, thể chất sung mãn, tự tin khi đại diện đất nước mà còn giúp họ thắt chặt quan hệ với các nhà lãnh đạo khác cùng nhân viên dưới quyền.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại giao sân golf

Trước khi là tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã là một doanh nhân giàu có nên cũng dễ hiểu khi golf trở thành môn thể thao yêu thích của ông. Hiện, ông đang nắm trong tay 19 sân golf. Những người có tư cách thành viên tại các sân golf của ông đều là những người giàu có vì mức phí tham gia ở đây lên đến hàng trăm ngàn đô la.

Trong các cuộc phỏng vấn, ông Trump không ngại ngùng nói rằng ông muốn golf trở thành động lực của thành công. “Tôi muốn golf trở thành một trò chơi đầy khát vọng. Hãy để người ta làm việc chăm chỉ và khao khát một ngày nào đó có thể chơi golf, có khả năng để chơi môn thể thao đó”, ông nói.

Bắt đầu chơi golf từ năm 18 tuổi, đến nay, ông Trump đã giành được nhiều giải thưởng lớn. Fred Funk – một tay golf chuyên nghiệp, từng giành 29 giải thưởng lớn, nhỏ - nhận xét ông Trump là tổng thống tại nhiệm chơi golf xuất sắc nhất của Mỹ. Tạp chí Golf Digest cũng cho rằng ông Trump là tổng thống chơi golf giỏi nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Trump hiện vẫn có thể thực hiện những cú đánh tuyệt đẹp, cho thấy mức độ kỹ năng của ông thuộc dạng tuyệt vời. Cũng nhờ tích cực chơi golf mà dù thích ăn đồ ăn nhanh, thường xuyên làm việc với mức độ căng thẳng cao mà trong đợt khám sức khỏe gần đây nhất, ông Trump vẫn có được sức khỏe tuyệt vời, đảm bảo thực hiện trọng trách người đứng đầu đất nước hùng mạnh nhất thế giới của mình.

Tổng thống Mỹ Trump rất giỏi chơi golf
Tổng thống Mỹ Trump rất giỏi chơi golf

Khi đã trở thành tổng thống Mỹ, sẵn thế mạnh và niềm đam mê, sân golf cũng đã trở thành nơi ông Trump tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc tế, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. “Có một thứ cần lưu ý về golf, đó là anh sẽ biết rõ về đối tác qua một trận golf hơn so với việc ngồi ăn trưa cùng nhau”, ông Trump tiết lộ trước khi tiếp ông Abe ở khu nghỉ dưỡng của ông tại Florida hồi năm ngoái.

Dù vướng phải một số chỉ trích vì việc chơi golf quá nhiều nhưng không thể phủ nhận hình thức “ngoại giao sân golf” mà ông đang áp dụng cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong những ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ lễ gần đây, ông Trump còn khiến nhiều người cảm kích vì sự khéo léo của ông khi đích thân mời hơn 60 thành viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tới chơi golf tại sân golf của ông như lời cảm ơn những nỗ lực phục vụ của họ. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặc biệt yêu thích judo

Nhắc đến những nguyên thủ mê thể thao, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Tổng thống Nga Vladimir Putin – người được đặt cho các biệt danh như “Ông hoàng của các môn thể thao”, hay “Người đàn ông giỏi thể thao như giỏi chính trị”. Nhờ chăm tập luyện thể dục thể thao mà dù không còn ở tuổi thanh niên nhưng ông Putin vẫn giữ được thân hình cường tráng và sức khỏe dẻo dai. 

Một trong những môn thể thao gắn liền với tên ông Putin chính là Judo. Khi còn nhỏ, Putin tìm đến Judo với mong muốn cải thiện thân hình ốm yếu của mình rồi đam mê môn thể thao này. Ban đầu, mẹ của ông không thích con học võ nên đã tìm cách ngăn cản.

Thầy giáo của Putin vì thấy được năng khiếu của học trò nên đã tìm đến tận nhà của ông để xin phép giúp, nhờ đó mà Putin mới tiếp tục được học Judo. Tích cực tập luyện, năm 18 tuổi, ông đã giành được đai đen và đến nay đã đạt đến đẳng cấp thượng thừa. Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Nga tiết lộ ông mê Judo vì triết lý đặc biệt ẩn bên trong môn thể thao này.

Tổng thống Nga Putin trong trang phục môn Judo
Tổng thống Nga Putin trong trang phục môn Judo

Theo đó, ông cho rằng môn Judo rất hữu hiệu trong việc rèn luyện khả năng tự kiểm soát, phán đoán điểm mạnh và yếu của đối phương, và nhất là khả năng phán đoán thời điểm. “Tôi chắc chắn rằng đây là những khả năng và kỹ năng cần thiết cho bất kỳ chính trị gia nào”, ông từng nói.

Ngoài Judo, ông Tổng thống Putin còn biết và giỏi rất nhiều môn thể thao khác như bơi lội, trượt tuyết, nhảy dù, lái xe đua, bowling, cầu lông, cưỡi ngựa, săn bắn… 

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama: Thể thao kết nối trái tim

Năm 2008, ông Barack Obama đã được tạp chí Men's Fitness bình chọn là 1 trong 25 người đàn ông khoẻ mạnh nhất nước sau khi chứng tỏ được thể lực ổn định trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống kéo dài và đầy căng thẳng.

Thể lực đó có thể nói một phần là nhờ việc tích cực chơi bóng rổ - môn thể thao mà ông Obama rất giỏi. Bóng rổ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của ông Obama kể từ khi ông còn là một đứa trẻ qua những năm tháng sinh viên tại trường Luật Harvard và cả sau này. 

Theo các nguồn tin, khi còn là học sinh, ông Obama đã chơi bóng rổ rất giỏi và giành được một suất trong đội bóng của trường vốn là một trong những đội bóng trường trung học xuất sắc nhất cả nước Mỹ. Obama khi đó được đặt cho biệt danh “O'Bomber” vì kỹ năng chơi bóng rổ cực kỳ xuất sắc, nhất là những cú úp rổ bằng tay trái không thể cản phá cũng như những đường đi và nảy bóng lạng lách, uyển chuyển giữa các đối thủ. 

Trong chiến dịch tranh cử kéo dài suốt 21 tháng, cùng với việc bắt đầu ngày mới bằng bài tập thể dục kéo dài 45 phút với các môn thể dục với máy hoặc chạy bộ, ông Obama cũng vẫn thường chơi bóng rổ để rèn luyện thể chất và giải tỏa tâm lý.

Cựu Tổng thống Mỹ chết danh “O'Bomber”
Cựu Tổng thống Mỹ chết danh “O'Bomber”

Đắc cử tổng thống, ông chọn cho mình nội các gồm toàn những nhân vật có chung sở thích, tạo thành “nội các chơi bóng rổ cừ nhất trong lịch sử nước Mỹ”, như Tướng James Jones, từng chơi bóng cho đội trường Georgetown; Bộ trưởng tư pháp Eric Holder, cựu đội trưởng của trường trung học New York; hay nữ đại sứ Susan Rice dù không có chiều cao vượt trội nhưng cũng từng là một cầu thủ bóng rổ cừ khôi…

Một sân bóng rổ cũng đã được cải tạo tại Nhà Trắng để ông Obama và các cộng sự giải khuây sau những giờ họp căng thẳng.

Phát biểu tháng 1/2017, ít ngày trước khi mãn nhiệm, ông Obama nói rằng thể thao không chỉ là cách để mọi người có thể trốn thoát khỏi thực tại, tìm được sự thư thái trước những khó khăn trong cuộc sống mà đôi khi còn là cách thức để mọi người có thể nói lên những suy nghĩ của mình, cùng tìm ra những điểm chung, từ đó kết nối những trái tim và đưa đến sự thay đổi trong thái độ.

“Trong đội bóng này bao gồm thành viên có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, đến từ những khu vực khác nhau trên khắp đất nước. Mọi người chơi trong một đội, vui mừng chiến thắng cùng nhau. Điều đó cho thấy nước Mỹ là gì và nước Mỹ có thể làm gì”, ông Obama nói khi tiếp đội bóng chày Chicago Cubs.

Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy và khẩu hiệu thức giấc sớm

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngay trong những ngày đầu nhậm chức đã xây dựng hình ảnh một tổng thống năng động và tích cực. Trong khi những người tiền nhiệm thường chọn những môn thể thao nhẹ nhàng thì ông Sarkozy lại có sở thích đặc biệt với môn chạy.

Gương mẫu thực hiện đúng khẩu hiệu “nước Pháp thức giấc sớm” do chính ông đặt ra, ông Sarkozy mỗi ngày đều khởi động ngày mới bằng bài thể dục chạy bộ 45 phút. 

Cảnh tượng ông mướt mải mồ hôi trong bộ trang phục thể thao là điều mà người dân Pháp sống gần dinh tổng thống có thể dễ dàng được chứng kiến. Tuy nhiều người Pháp vốn thanh lịch tỏ ra không thích trước việc nguyên thủ của họ sáng ngày ra đã vội vã chạy bộ trước người dân thay vì ở nơi kín đáo nào đó nên đã đặt cho ông biệt danh “Nike-olas” nhưng ông Sarkozy đã bỏ ngoài tai những gièm pha như vậy.

Thói quen chạy bộ được ông duy trì thường xuyên ngay cả những khi đi công cán ở nước ngoài. Theo ông Denis Muzet – một chuyên gia về chiến lược truyền thông của các chính trị gia, việc duy trì thói quen chạy bộ là cách để ông Sarkozy thể hiện rằng ông là người của công chúng, một chính khách bình dị, làm những việc mà dân hay làm, rèn luyện những môn thể thao mà người dân vẫn thường chơi.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mê chạy bộ
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mê chạy bộ

Bên cạnh đó, hình ảnh một nguyên thủ trẻ, khỏe và đầy sung mãn cũng được xem là cách thức mà ông Sarkozy thông qua đó gián tiếp phát đi hình ảnh một nước Pháp đầy sinh lực và năng động. Cùng với chạy bộ, ông ông Nicolas Sarkozy cũng rất thích môn đạp xe và là một người hâm mộ cuồng nhiệt giải đua “Tour de France”. 

Ngoài những nhà lãnh đạo trên, các nguyên thủ các nước khác trên thế giới cũng rất ham mê thể thao. Ví dụ, cựu Thủ tướng Australia John Howard thích đi bộ nên khi sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 cũng vẫn “làm” vài vòng quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tổng thống Bolivia Evo Morales mê bóng đá nên thường tổ chức các giải đấu nội bộ, đôi khi mời lãnh đạo các nước khác chơi cùng còn đương kim Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev lại đam mê yoga… Các môn thể thao khác nhau, với cường độ và tính chất khác nhau nhưng tựu chung lại đều là cách thức giúp các nguyên thủ, chính trị gia tăng cường thể chất và sức khỏe tinh thần để làm việc được hiệu quả hơn.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.