Trăn trở với câu hỏi phong cách thiết kế của Việt Nam là gì?
- Cơ duyên nào đưa bạn đến và đắm đuối với dòng tranh này? Làm sao để khôi phục được những mất mát của dòng tranh từng không thể thay thế này, trong khi ở Việt Nam chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn gắn bó với nghệ thuật tranh Hàng Trống và những nét tinh hoa của dòng tranh?
- Năm 2013, thông qua những dự án thiết kế, khi được nhìn thấy những bức tranh bản gốc tại nhà nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên, ngay lập tức mình bị chinh phục bởi màu sắc, họa tiết và cách tạo hình vô cùng sống động của dòng tranh này. Tranh Hàng Trống gắn liền với đời sống người dân Việt Nam, mang hơi thở và tinh thần văn hóa Việt, nhưng đáng buồn là dòng tranh này chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và trong những bộ sưu tập hiếm hoi. Trong khi đó, một lý do dẫn đến khó khăn trong việc hình thành bản sắc riêng của nền thiết kế Việt là ngành mỹ thuật nước ta đang rất thiếu những nguyên liệu mang màu sắc truyền thống.
Xuất phát từ câu hỏi tại sao không sử dụng kho nguyên liệu cực kỳ phong phú về màu sắc, họa tiết chưa được khai thác và đang có nguy cơ bị mai một của tranh dân gian Việt Nam nói chung, tranh Hàng Trống nói riêng vào thiết kế đã đưa đến sự ra đời của “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”. Trăn trở với câu hỏi “Phong cách thiết kế của Việt Nam là gì?”, những bạn trẻ của nhóm S River của tụi mình đã lội ngược dòng trở về với những giá trị văn hóa truyền thống để tìm câu trả lời. Qua thời gian 4-5 năm tìm hiểu miệt mài, nhóm nhận thấy tranh Hàng Trống gắn liền với đời sống người dân Việt Nam xưa kia, sẵn mang hơi thở, tinh thần của con người Việt nên nếu có thể thì hãy đưa nó quay trở lại với đời sống người Việt. Thêm vào đó, nguy cơ mai một, thất truyền một dòng tranh quý của dân gian cũng là động lực thúc đẩy nhóm S River nghiên cứu, thực hiện dự án “Họa Sắc Việt”.
Điều gì từ tranh Hàng Trống đã thực sự cuốn hút bạn?
- Tranh Hàng Trống có nguy cơ thất truyền rất cao do nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống tâm linh đã thay đổi quá nhiều. Nhưng mình như bị mê hoặc khi lần đầu tiên được nhìn thấy những bức tranh thờ, tranh tết Hàng Trống thật ở khổ lớn, có bức lên tới 1,5m với màu sắc nổi bật. Đứng trước tranh, mình như đứng trước một thế giới của màu sắc, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ ấy. Nghệ nhân xưa tạo hình rất táo bạo, sử dụng tất cả các màu tương phản rất mạnh, xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau tạo nên tính thẩm mỹ, màu sắc hấp dẫn.
Thế rồi sau đó là những buổi gặp gỡ, trò chuyện, học hỏi của mình với nghệ nhân tranh Lê Đình Nghiên. Càng đi sâu tìm hiểu, Trang càng nhận ra, màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù so với các dòng tranh dân gian khác. Do được vẽ tay nên màu sắc trong tranh Hàng Trống cũng rực rỡ, phóng khoáng hơn dù chỉ có sáu màu cơ bản. Ngoài những màu làm từ tự nhiên, nghệ nhân còn sáng tạo màu mới bằng phẩm màu. Hai màu đặc trưng của tranh Hàng Trống chính là xanh da trời và hồng điều. Màu phẩm đó đã làm nên một thần thái riêng. Các màu tươi khác như đỏ, cam, vàng thư, xanh lá cây… cũng được vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen của màu tự nhiên lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ cuốn hút nhưng cũng không kém phần tao nhã, tinh tế.
Lúc đầu, Trang rất ấn tượng với bộ tranh “Tố nữ”. Đó là bộ tranh chúc Tết mà theo như mô tả rất giản dị của nghệ nhân Lê Đình Nghiên thì đó không chỉ là “những âm thanh của tiếng đàn, tiếng phách, âm thanh vui vẻ trong mỗi gia đình: tiếng cười con trẻ, tiếng lanh canh dọn mâm cơm, tiếng vợ chồng trò chuyện…
Họa sỹ, NTK Trịnh Thu Trang và những sáng tạo bất tận với tranh Hàng Trống trong dòng chảy đương đại… |
Là hiện hữu chứ không phải luyến tiếc
Dưới góc nhìn của người thiết kế, từ khi nào bạn nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn vào thiết kế đồ họa của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú dành cho giới thiết kế và mỹ thuật?
- Trong khi tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... việc số hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được làm từ nhiều năm. Trong khi các quốc gia khác coi việc mã hóa, vecter hóa màu sắc truyền thống như một chiến lược quốc gia về thẩm mỹ, thực hiện đồng bộ trên nhiều ban, ngành khác nhau, trong trường học, trong thiết kế, ngay cả những người không học thiết kế cũng biết về tông màu truyền thống thì... Việt Nam chưa có.
Đó cũng chính là khởi nguồn của dự án “Họa sắc Việt”, là dự án đầu tiên ở Việt Nam với mục đích số hóa tranh Hàng Trống để cung cấp những nguyên liệu truyền thống có tiềm năng ứng dụng cao trong các thiết kế đương đại. Với mục đích tạo một kho nguyên liệu cung cấp mẫu hoạ tiết ứng dụng cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại, với hy vọng lan tỏa đến người đọc nhất là các bạn trẻ.
Trang tiếp cận tranh Hàng Trống dựa trên khía cạnh thẩm mỹ, hoàn toàn mang tính chất trang trí. Khi tách khỏi tranh thì họa tiết không còn bối cảnh, ý nghĩa của nó nữa mà sẽ trở thành hoa văn trang trí thẩm mỹ. Việc sử dụng hoa văn để làm tăng tính thẩm mỹ, trang trí cho các sản phẩm thiết kế sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề. Mình nghĩ nếu giữ nguyên tranh Hàng Trống ở bản gốc thì sẽ không còn phù hợp với thời đại công nghệ số, thời đại in ấn, công nghiệp. Từ đó, mình có ý tưởng kết nối những giá trị truyền thống với thiết bị số, cùng hướng dẫn màu sắc và các ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ. Tranh dân gian được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với thời đại của công nghiệp và công nghệ số để những giá trị dân gian sống lại ở bất cứ đâu trong đời sống.
Và bước đầu bọn mình đã thử nghiệm với những chiếc phong bao lì xì, những quyển sổ tay có họa tiết dân gian. Mình và nhóm rất hy vọng có thể tiếp tục dự án trong những năm tiếp theo. Trong năm 2018 mình sẽ hiện thực hóa các hoạt tiết tranh Hàng Trống vào các sản phẩm với nhiều thử nghiệm hơn nữa. Các họa tiết truyền thống từ tranh Hàng Trống sẽ xuất hiện trên khăn, áo, giày hay bao bì các loại mứt, bánh kẹo,... các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng đậm chất Việt Nam thay cho những họa tiết vay mượn các mô-típ trang trí của nghệ thuật truyền thống các nước vùng Ðông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thường những người sưu tầm tranh là người có tiền, để đầu cơ buôn bán, biếu tặng, trưng bày... Còn Trịnh Thu Trang thì sao, có lúc nào bạn thấy nản trên hành trình của mình?
- Mình chỉ cất tranh cẩn thận, coi như một tài liệu quý, mong một lúc nào đó viết được một dự án khả thi để bảo tồn, phát huy dòng tranh này. Hàng tháng, mình đi làm, đi dạy để tiết kiệm tiền mua tranh, túc tắc mấy chục ngày sẽ dành mua được 1, 2 bức. Việc tiếp cận tư liệu về tranh quá khó khăn, năm 2013, mình chưa mua được cuốn sách nào viết riêng về dòng này, một số cuốn sách mà tranh Hàng Trống được nhắc đã xuất bản từ cách đây rất lâu, mình không tìm mua nổi.
Mình nghĩ, mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Nếu như chúng ta cảm thấy lĩnh vực nào của Việt Nam chưa sánh được với quốc tế, ta hãy đi tìm xem mình có bỏ sót điều gì không? Nếu thực sự không có gì như ta mong đợi thì chúng ta hãy bắt đầu khơi dòng và khởi tạo. Cũng giống như với Họa sắc Việt, tranh Hàng Trống là hiện hữu và tiếp nối trong dòng chảy đương đại, chứ không phải là sự luyến tiếc…
Theo nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống mang nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa và thẩm mỹ. Đây là dòng tranh ít ỏi dành cho bậc sĩ phu, trí thức và chỉ họ mới có thể tường tận, thấu hiểu hết các tầng nghĩa trong tranh Hàng Trống. Về cách in ấn, kỹ thuật vẽ thì tranh Hàng Trống cũng ở hàng đỉnh cao. Màu sắc dùng trong tranh Hàng Trống là màu phẩm trong suốt, có thể nhìn thấy xuống tận dưới chứ không phải “màu chết”, không thấu quang như trong tranh Đông Hồ.
Tranh Hàng Trống là văn hóa phục vụ cho tín ngưỡng. Hình tượng thánh mẫu, Phật, bồ tát... là tiền đề cho dòng tranh này với ước mong quốc gia thịnh trị, nhân dân no ấm. Bắt nguồn từ chính đất Thăng Long kinh kỳ, nơi hội tụ văn hóa của cả nước, tranh Hàng Trống có ba chủ đề chính là tranh thờ, tranh tết, tranh thế sự. Với không gian rộng, thoáng, đa dạng, nét vẽ sinh động trên giấy được lựa chọn kĩ càng, nghiêm chỉnh đã làm nên nét đẹp đặc trưng của dòng tranh này. Tranh Hàng Trống chính là dòng tranh đầu tiên trong lịch sử vẽ về các đề tài của đời sống xã hội. Qua đó để thấy được sự phát triển nghệ thuật của Việt Nam. Bởi vậy, tranh Hàng Trống đòi hỏi người xem phải là người có kiến thức, am hiểu rộng.