Kêu gọi bằng được tàu thuyền trên biển vào nơi tránh trú an toàn
Lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, đây là cơn bão muộn, trái mùa, nên dễ gây tâm lý chủ quan cho lãnh đạo và người dân. Theo Phó Thủ tướng, bão RAI khi vào Biển Đông được dự báo rất mạnh, đổ bộ vào thời điểm mùa Đông nên hướng di chuyển khó dự báo, do đó, các địa phương ven biển phải chuẩn bị tinh thần có thể bão sẽ đổ bộ vào tỉnh mình.
Nhắc lại công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó với thiên tai vừa qua, Phó Thủ tướng lưu ý, các đơn vị, địa phương còn tâm lý chủ quan nên vẫn để xảy tình trạng người chết. “Người chết trong đợt mưa lũ vừa qua phần lớn là do chết đuối. Điều này cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành của các đơn vị, lãnh đạo địa phương còn chủ quan; nếu rà soát kỹ thì sẽ không để xảy ra thiệt hại về người như vậy”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Từ thực trạng đó, Phó Thủ tướng mong muốn, các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần quyết tâm để giữ cho được thành quả về công tác phòng chống thiên tai năm 2021. Bởi năm 2021, số người chết do thiên tai đến thời điểm này giảm hơn 200 người so với năm 2020, thiệt hại về kinh tế cũng giảm hơn 40.000 tỷ đồng so với năm 2020.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận cuộc họp. |
Trở lại công tác ứng phó với cơn bão RAI, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kêu gọi bằng được tàu thuyền trên biển vào nơi tránh trú an toàn. Đối với tuyến đất liền, các đơn vị và địa phương cần có phương án di dời dân đến nơi an toàn đề phòng bão đổ bộ; có kế hoạch đảm bảo an toàn hồ đập, kể cả hồ chứa thủy lợi và thủy điện...
Nhiều địa phương ra lệnh cấm biển
Tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm và lại có hướng di chuyển lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp.
Cơn bão này còn chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc, nên diễn biến càng phức tạp, khó lường, không loại trừ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ động triển khai xây dựng 3 phương án ứng phó với các kịch bản diến biến của cơn bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Pa-la-oan (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, như vậy chiều tối 17/12, bão đi vào Biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Đến 13 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Khánh Hòa.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): cấp 4.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, khi đi vào Biển Đông cường độ của cơn bão này sẽ giảm 2 cấp so với hiện tại, tức là khoảng cấp 14. Mặc dù bão có giảm cấp khi đi qua miền Trung Philippines do ma sát với địa hình, nhưng khi vào Biển Đông thì đây vẫn là cơn bão rất mạnh và cũng hiếm gặp trong một vài năm trở lại đây.
Cũng theo báo cáo, tính đến 6h ngày 17/12, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm cho 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Đến hết ngày 16/12, 4 địa phương có lệnh cấm biển: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam; Quảng Ngãi. Các tỉnh còn lại dự kiến cấm vào ngày hôm nay (17/12), riêng Thừa Thiên Huế vào ngày 18/12 (vụ đánh cá Bắc trong khu vực dự kiến ra khơi từ ngày 19-21/12/2021).
Được biết, cơn bão này cũng gây nhiều thiệt hại cho Philippines. Theo báo cáo tình hình cập nhật đến sáng 17/12 của Hội đồng quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Philippines, bão làm 1 người thiệt mạng và 2 bị thương. Tổng cộng có 83.026 hộ gia đình với 332.855 người phải sơ tán. Số người bị ảnh hưởng trực tiếp là 44.264 người trên 262 quận, huyện; 63 thành phố bị mất điện chưa được khôi phục tại thời điểm báo cáo; 1 thành phố mất thông tin liên lạc.