Nỗ lực cho khuôn khổ pháp lý
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các Bộ trưởng đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu trợ người và tàu thuyền bị nạn trên biển; Quy tắc trình các tranh chấp không giải quyết được lên Cấp cao ASEAN và Quy tắc Ủy quyền ký kết các giao dịch theo nội luật – 2 văn kiện pháp lý nhằm cụ thể hóa và phục vụ việc triển khai Hiến chương ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng đã thông qua Thủ tục tiếp nhận Đại sứ và thành lập Phái đoàn ngoại giao tại ASEAN từ các nước ngoài ASEAN và các tổ chức liên chính phủ. Các Bộ trưởng đã xem xét báo cáo của Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và cho ý kiến chỉ đạo đối với các hoạt động của AICHR trong thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục triển khai lịch công tác hai năm 2010-2011, hoàn tất chương trình công tác 5 năm (2010-2015), tiến hành tham vấn về việc soạn thảo Tuyên bố về nhân quyền ASEAN.
Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 7, các Bộ trưởng đã kiểm tra và hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho HNCC ASEAN lần thứ 17 và các Cấp cao liên quan. Các Bộ trưởng đã trao đổi và nhất trí khuyến nghị lên Lãnh đạo cấp cao xem xét quyết định về một số nội dung quan trọng tại HNCC lần này.
Theo đó, các Bộ trưởng đã nhất trí trình Lãnh đạo ASEAN thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề vì phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; và Tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN. Các Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến và thống nhất nhiều tuyên bố, chương trình hợp tác giữa ASEAN và các đối tác hiện nay, với tổng cộng hơn 30 văn kiện; cùng với dự thảo 7 tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị lần này.
Các Bộ trưởng đã nghe Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Ủy ban các Đại diện thường trực (CPR) cũng như Chủ tịch Nhóm đặc trách về sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) và cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề này; đồng thời thông qua Ngân sách của Ban Thư ký ASEAN cho năm tài khóa 2010.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng trao đổi về kết quả Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF-6) và thống nhất sẽ trình bản Tuyên bố cuối cùng của APF-6 lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN. Sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội đồng Điều phối ASEAN, các Bộ trưởng đã ký Văn kiện hợp nhất Quy tắc trình các tranh chấp không giải quyết được lên Cấp cao ASEAN vào Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp, và tham dự Lễ phát hành bộ tem “Việt Nam trong cộng đồng ASEAN”.
Các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao về các quy tắc thương mại quốc gia và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN.
Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và xác lập mức giá cả hợp lý. Người tiêu dùng ASEAN và Đông Á sẽ có những lựa chọn hiệu quả hơn về giá cả, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Điều mong đợi hơn cả là quá trình này sẽ tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN và Đông Á, thúc đẩy phân công lao động khu vực, làm tăng năng lực cạnh tranh của khu vực với thế giới, tạo thêm công ăn việc làm, từ đó góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm khoảng cách phát triển và thúc đẩy ổn định xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh tới sự năng động của Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những thuận lợi từ các chương trình chính sách mà Chính phủ các quốc gia ASEAN đã tạo ra để tăng cường liên kết, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và đầu tư, kẻ cả cơ chế hợp tác công tư (PPP). Ông kêu gọi và khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trước hết là các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các nước ASEAN đến đầu tư, phát triển thương mại cùng có lợi, cùng phát triển với Việt Nam.
Thủy Thu