Tiên phong kết hợp Bolero với phim hành động
“Yêu một mình” với kịch bản và đạo diễn của Hoài Phương, Giám đốc sản xuất là Phạm Văn Đồng là bộ phim ca nhạc hành động dài tới 50 phút, xoay quanh tình yêu của một chàng trai nghèo, hiền lành. Anh dành cho bạn gái tình cảm mộc mạc, chân thành và vô cùng hạnh phúc khi đưa cô về quê giới thiệu với cha mẹ.
Tuy nhiên, cô gái lại là một “ẩn số” khi luôn né tránh nhắc về gia đình mình. Thì ra, cô là con của một trùm xã hội đen. Khi biết sự thật và bị gia đình người yêu đe dọa, chàng trai rơi vào sự giằng xé về việc có tiếp tục mối quan hệ hay không. Thậm chí trong mơ, anh còn thấy bị tay chân của ông trùm đánh nhừ tử. Nhưng cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng tất cả…
Trong phim, Mai Trần Lâm vào vai chàng trai nghèo tình cảm. Đảm nhận vai bố chàng trai là Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Quang (Quang Tèo), mẹ là Nghệ sĩ Ưu tú Thu Hà, còn vai trùm xã hội đen do Nghệ sĩ Ưu tú Trần Đức thể hiện. Bên cạnh những hình ảnh lãng mạn, những phân cảnh xúc động, ấm áp tình người, “Yêu một mình” còn có rất nhiều pha hành động hấp dẫn cũng như những tình tiết, đối thoại hài hước.
Trên nền câu chuyện đầy hấp dẫn và kịch tính, Mai Trần Lâm thể hiện 3 ca khúc Bolero quen thuộc: “Về quê ngoại”, “Yêu một mình”, “Nếu hai đứa mình”. Bằng giọng hát ngọt ngào và tình cảm, Mai Trần Lâm đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, khiến bộ phim ca nhạc dài gần 1 tiếng đồng hồ vẫn như là quá ngắn…
Với “Yêu một mình”, Mai Trần Lâm là ca sĩ tiên phong trong việc thực hiện một bộ phim ca nhạc Bolero gắn với hành động.
Mai Trần Lâm được biết tới là chàng trai người Tày yêu âm nhạc, giàu nghị lực vươn lên. Mai Trần Lâm là người dân tộc Tày, sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã vùng cao Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Mai Trần Lâm trong một cảnh quay phim “Yêu một mình”. |
Mới học lớp 7, anh đã ra ruộng đi bừa và đến lớp 9 thì biết mang trâu ra cày ruộng.Việc nhà vất vả không khiến anh chểnh mảng học hành, luôn là học sinh nổi bật của trường, đảm đương vai trò lớp trưởng, bí thư trong suốt những năm học phổ thông. Nhưng tốt nghiệp cấp 3, Mai Trần Lâm quyết định dừng học, vào miền Nam làm công nhân.
Làm công nhân, thi đỗ hai trường đại học, trở thành thạc sĩ
“Bố mẹ tôi nghèo lắm, lại đang gồng sức để nuôi anh trai tôi theo học ngành y, làm sao có tiền cho tôi học đại học. Ngày đó thanh niên làng tôi rủ nhau vào miền Nam làm công nhân nhiều, mỗi tháng gửi 3 trăm, 5 trăm về cho gia đình, tôi quyết định đi theo”, Mai Trần Lâm chia sẻ.
Thời gian đầu vào Sài Gòn, anh bê hồ sơ đi hết công ty này đến công ty khác mà không nơi nào nhận. Bởi tuyển lao động phổ thông, các nơi yêu cầu sức khỏe, trong khi Mai Trần Lâm vóc dáng nhỏ bé, lúc đó chỉ cao 1,6m, nặng 43kg, gầy gò, đen nhẻm. Trong lúc chờ xin việc, anh đi làm phụ hồ kiếm cơm. Sau 1 tháng “Nam tiến”, anh vào làm công nhân một công ty gạch men.
Ngày đầu tiên đi làm anh đã phải khóc vì quá sức. Ngày đó việc chăm lo cho người lao động còn nhiều bất cập. Suốt 12 tiếng đồng hồ, từ 6h sáng đến 6h tối anh đứng đóng gói gạch, gạch tuôn trong lò ra liên tục không được nghỉ. Đi vệ sinh cũng có người giám sát, chỉ được nghỉ 5-10 phút, đến giờ cơm có người bê ra tận xưởng để ăn nhanh còn làm tiếp. “Tôi tự nhủ, cố làm 1 tháng đủ tiền xe rồi chuồn. Nhưng sau một tháng thấy cũng quen tay, lại cố”, anh cho biết.
Sau công ty gạch men, Mai Trần Lâm tiếp tục làm công nhân ở công ty giày da, gỗ, may mặc… Anh còn nhớ, tháng lương đầu tiên anh nhận được là 490 nghìn. Sau đó anh tăng ca, làm thêm, tổng cộng được hơn 1 triệu đồng. Anh gửi về nhà 700 nghìn, chỉ cho phép mình chi tiêu trong khoảng 300 nghìn.
“Chúng tôi 3 đứa ở chung phòng trọ 200 ngàn mỗi tháng. Buổi sáng chỉ dám ăn 500 đồng bánh mỳ hoặc xôi, trưa ăn ở công ty, chiều xin tăng cả để vừa có tiền làm thêm vừa được ăn cơm. Hôm nào không tăng ca thì ăn gói mỳ tôm qua bữa”, anh kể.
Sài Gòn là nơi quá nhiều áp lực với anh công nhân nghèo, nhưng cũng là một vùng đất lung linh với một chàng trai miền núi nói tiếng phổ thông còn chưa chuẩn như Mai Trần Lâm, khi nơi đó có rất nhiều âm thanh, vũ điệu. Mai Trần Lâm thích nghe nhạc từ nhỏ, thích hát nữa, nhưng chỉ dám hát một mình. Phòng trọ của anh dán đầy ảnh của ca sĩ thần tượng.
Mỗi khi có đêm nhạc ở gần, anh lại bỏ tiền mua vé đi xem, giá vé thường là 10-15 nghìn đồng, nếu có ngôi sao thì 25 nghìn đồng. Một lần, trong đêm nhạc có Đan Trường, đang hát thì “anh Bo” hỏi khán giả ai thuộc bài này mời lên hát cùng. Mai Trần Lâm lấy hết dũng khí lên sân khấu song ca cùng thần tượng. Tiếng vỗ tay vang dội của khán giả sau đó đã mang đến cho chàng công nhân một cảm xúc anh chưa từng có trong đời, nhen nhóm trong anh mơ ước, khát khao…
Ban ngày Mai Trần Lâm đi làm công nhân, tối về anh làm bồi bàn, rồi đi hát ở các quán cà phê với cát-xê mỗi đêm 10 nghìn đồng. Dần dần tăng lên 15 nghìn, 20 nghìn, 25 nghìn… Hơn 4 năm sau, anh mới thôi không làm công nhân nữa, vừa đi hát vừa làm phòng thu, cho thuê loa đài, mở ảnh viện áo cưới…
Sau 7 năm ở Sài Gòn, Mai Trần Lâm quyết định thi lại đại học. Dù nhiều năm trời không động đến sách vở, nhưng những kiến thức ngày học phổ thông anh vẫn còn nhớ như in. Chỉ hơn 1 tuần tập trung ôn luyện, anh thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học.
Mai Trần Lâm tặng quà cho bà con dân bản vùng sâu, vùng xa. |
Ngày nhận giấy báo nhập học Đại học Văn hóa Hà Nội, anh phải đấu tranh rất nhiều với chính mình. Những năm tháng lăn lộn, bôn ba ở miền Nam đã cho anh công việc mang lại thu nhập tốt, mỗi tháng 20-30 triệu, một con số không nhỏ vào năm 2010. Chọn ra Hà Nội học đại học, nghĩa là anh phải bắt đầu từ con số 0…
“Đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy lựa chọn của mình là sáng suốt. Đi học, tư duy của mình được mở ra rất nhiều. Cả một thế giới mênh mông bao la mở ra trước mắt tôi, khiến tôi như sống thêm một cuộc đời mới”, Mai Trần Lâm bày tỏ. Cũng vì thế, sau khi lấy bằng cử nhân, anh lại tiếp tục học lên Thạc sĩ.
Và thành danh trên con đường ca hát
Ra Hà Nội, với một ít tiền còn lại từ Sài Gòn, anh mua 1 chiếc xe máy, 1 chiếc laptop, làm đủ việc để kiếm tiền ăn học, từ cài máy tính, cho thuê loa đài, bán nhạc beat, mở phòng thu, làm MC, hát tiệc… Thù lao đi hát của anh ở Thủ đô từ 120 nghìn đồng, rồi lên 200 nghìn, 500 nghìn đồng… Anh bắt đầu nổi tiếng từ clip “Chàng nam sinh hát hay” tự quay ở sân trường, có tới 17 triệu lượt xem trên YouTube.
Sân chơi “Solo cùng Bolero” là động lực mạnh mẽ để chàng Thạc sĩ Văn hóa học quyết tâm bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp và nhanh chóng “phủ sóng” sân khấu cả hai miền Nam – Bắc. Không chỉ khán giả, nhiều ngôi sao ca nhạc như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường cũng đánh giá cao và yêu quý Mai Trần Lâm.
Năm 2016, khi Mai Trần Lâm ra album đầu tay “Lá thư đô thị”, chính Mr Đàm là người hỗ trợ anh hết lòng. Album này cũng là một sự kiện đáng nhớ trong thị trường âm nhạc khi bán hết 3.000 đĩa trong một thời gian ngắn. Mai Trần Lâm tiết lộ, anh đã mua được một căn chung cư nhỏ ở Hà Nội từ tiền bán album đầu tay.
Anh đã phát hành các album âm nhạc: “Lá thư triệu đô”, “Đường tình đôi ngả”, “Mưa tình bolero”, “Bài ca Tết cho em” và nhiều video ca nhạc (MV).
Cho đến khi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, Mai Trần Lâm đã trải qua không dưới 15 nghề mưu sinh. Chính cuộc đời nhiều vất vả, lăn lộn đã khiến cho tiếng hát của anh thêm trải nghiệm, cảm xúc – điều vô cùng cần thiết với dòng nhạc gần gũi với cuộc sống như Bolero. Không những vậy, Mai Trần Lâm còn có một kiến thức đáng nể về lịch sử âm nhạc.
Là một người ham tìm tòi, học hỏi, khi hát ca khúc nào anh luôn tìm đọc kỹ càng về nhạc sĩ, hoàn cảnh ra đời, những giai thoại bên lề… để có thể hiểu, ngấm sâu hơn về bài hát. Anh mong muốn “nâng tầm” Bolero, thể hiện bằng cả trí tuệ, chiều sâu văn hóa chứ không chỉ riêng cảm xúc.
Một điều đáng quý nữa ở Mai Trần Lâm là anh rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Từng trải qua cuộc sống khó khăn nên anh rất hiểu, thông cảm với những mảnh đời thiếu may mắn. Từ nhiều năm nay, anh thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, quyên góp ủng hộ tiền mặt và tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Anh liên hệ với Đoàn thanh niên địa phương để tổ chức một liveshow trên quê hương Tuyên Quang của mình và toàn bộ số tiền thu được trong đêm diễn đã được trao tặng tới người dân nghèo nơi đây.
Hành trình chinh phục giấc mơ của chàng trai người dân tộc Tày Mai Trần Lâm là một hành trình đầy thử thách của lòng kiên nhẫn cùng sự quyết tâm và khát khao cháy bỏng. Câu chuyện của anh cũng là nguồn cảm hứng bất tận truyền tới cộng đồng, khích lệ các bạn trẻ dám sống, dám ước mơ để vươn tới thành công.