Cộng với sự tung hô và khai thác mạnh mẽ của các chương trình truyền hình thực tế, bolero lại càng có chỗ đứng trong thị trường âm nhạc. Có lẽ, chính vì thế, ê kíp của nghệ sĩ Gia Bảo, những người phục dựng vở cải lương kinh điển “Đời cô Lựu” đã quyết định đưa dòng nhạc bolero vào vở cải lương này.
Bên cạnh những nghệ sĩ cải lương tham gia vào vở diễn, người ta thấy cả những ca sĩ đang nổi của dòng nhạc bolero, dân ca như Cẩm Ly, Phi Nhung, Lệ Quyên, Quốc Đại... trong bảng phân vai hoặc thể hiện bài hát. Khi thông tin mới được đưa ra, nhiều nghệ sĩ tham gia vở diễn và công chúng khá hào hứng với một cách làm “khoác áo mới” cho cải lương. Điều này cũng khiến vở diễn trở nên tiệm cận với thị hiếu, thu hút số đông người xem hơn, kể cả những người chưa mấy quan tâm đến nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, không ít người cho rằng, đem bolero vào cải lương sẽ có nguy cơ phá vỡ hồn cốt vở diễn, thậm chí “bẻ cong” nghệ thuật cải lương.
Có lẽ, tiếng nói nặng kí nhất về vấn đề này phải kể đến đạo diễn, NSND Huỳnh Nga, người đã dàn dựng vở Đời cô Lựu rất thành công trước đó. Ngay cả khi nghệ sĩ Gia Bảo đã có lời, NSND Huỳnh Nga và gia đình vẫn nhất quyết không đứng tên trong vở diễn vì không đồng ý việc đưa bolero vào vở cải lương “Đời cô Lựu”.
Đạo diễn và gia đình lo rằng sẽ lại lặp lại một vở diễn tai tiếng, mất đi sự thuần khiết của cải lương như vụ việc vở Tô Ánh Nguyệt bị Trấn Thành phục dựng theo kiểu xuyên tạc, hay nhiều vở cải lương phục dựng theo thị hiếu thời gian gần đây. Nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội khác cũng tỏ sự lo lắng, sợ rằng sự kết hợp giữa bolero và cải lương, nếu làm không khéo, nuông chiều đám đông sẽ làm vở cải lương bị mất chất, khiến công chúng hiểu sai về nghệ thuật cải lương.
Sự lo lắng này không phải là không có lý, khi mà sự phát triển mạnh mẽ của bolero trở nên khá “quá lố”, với sức toả lan mạnh mẽ, chiếm lĩnh phần nhiều đời sống âm nhạc. Ở một khía cạnh nào đó, nó rất có thể là một sự “thụt lùi” của nền âm nhạc, như nhiều nghệ sĩ đã thẳng thắn lên tiếng và bị “ném đá”. Người người, nhà nhà ngập chìm trong những ca từ, điệu nhạc cũ xưa buồn bã, uỷ mị. Nghệ sĩ, dù mới nổi hay đã nổi tiếng đều tranh thủ “lận lưng” cho mình một vài album bolero cho hợp thị hiếu, thay vì tìm kiếm, khai thác và sáng tạo dòng nhạc phù hợp với mình.
Trong khi đó, cải lương là một thể loại nghệ thuật truyền thống đang được các nghệ sĩ tâm huyết gìn giữ và gắng sức đem đến gần với đời sống nghệ thuật của nhân dân. Đưa bolero vào cải lương là hợp với xu thế âm nhạc của thời điểm này, cũng là một cách kéo khán giả đến xem cải lương, nhưng nếu làm không đúng cách, rất có thể, cải lương lại trở thành “minh họa” cho những bài hát bolero.
Tranh cãi vẫn còn tiếp diễn và sáng tạo, thể nghiệm hay “phá hoại”, thời gian sẽ có câu trả lời cho tất cả.