Bước tiến lịch sử thay đổi vận mệnh dân tộc

Bác Hồ khẳng định sự tất yếu phải xây dựng Nhà nước pháp quyền qua câu nói “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” .
Bác Hồ khẳng định sự tất yếu phải xây dựng Nhà nước pháp quyền qua câu nói “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” .
(PLVN) - Hàng chục năm qua, trên măng-séc tờ báo Pháp luật Việt Nam là dòng chữ “Vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” bao hàm tôn chỉ mục đích của tờ báo. Nhân kỷ niệm 36 năm ngày Pháp luật Việt Nam ra số báo đầu tiên, Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về ý nghĩa, giá trị quan trọng của “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

• Xin ông cho biết cơ sở hình thành quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, đặc biệt từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994?

- Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới được chính thức xác nhận, nêu thành quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng là từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII diễn ra vào tháng 1/1994.

Sau đó, đến Hội nghị trung ương 8 khóa VII tháng 1/1995 đã trình bày một cách đầy đủ về quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Từ đó đến nay, trong sự nghiệp đẩy mạnh Đổi mới, chúng ta kiên trì và thực hiện quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Quan điểm đó được hình thành trên ba cơ sở quan trọng.

Một là hình thành từ truyền thống của dân tộc ta rất coi trọng pháp luật. Trong chế độ quân chủ phong kiến, quyền lực tập trung trong tay nhà vua. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhà Lý đã ban hành bộ Hình thư, đến nhà Trần có bộ Hình luật và đến thời nhà Hồ chủ trương xây dựng nhà nước quân chủ pháp trị. Đến nhà hậu Lê năm 1483 đã công bố Luật Hồng Đức là bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam…

Như vậy, có thể nói, trong quá trình lịch sử, dân tộc ta rất quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật và dùng pháp luật để quản lý đất nước, quản lý xã hội, thực thi những vấn đề về đối nội và đối ngoại.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Thứ hai là dựa trên tư tưởng của Bác Hồ về vấn đề Nhà nước pháp quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi đi tìm đường cứu nước đã có điều kiện tiếp xúc với các nền văn minh trên thế giới nên đã sớm tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Năm 1919, khi gửi bản Yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles, Bác Hồ đã thể hiện tư tưởng cải cách nền tư pháp ở Việt Nam. Bác cũng đã có bài để giải thích bản yêu sách đó, trong đó có câu là “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, tức là Bác đã khẳng định sự tất yếu phải xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Cơ sở thứ 3 để Đảng ta xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền là yêu cầu khách quan của sự nghiệp Đổi mới. Tại Đại hội VI tháng 12/1986 quyết định đường lối Đổi mới đã có quan điểm rất đặc biệt, đó là phải tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Xuất phát của việc này là đề cao vai trò của pháp luật, thượng tôn pháp luật.

Từ sau Đại hội VI, Đảng và Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống pháp luật, ban hành các luật cả trong đối nội, đối ngoại. Từ đầu những năm 1990, nước ta thực sự bước vào hội nhập quốc tế, tham gia quá trình toàn cầu hóa, càng đòi hỏi Đảng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Do đó, có thể nói, do yêu cầu khách quan của Đổi mới, phát triển đất nước, của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, để thúc đẩy sự phát triển đất nước nhanh, bền vững và có hiệu lực, hiệu quả tốt hơn, Đảng ta đã tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền. Quan điểm Nhà nước pháp quyền đã chi phối trong toàn bộ chỉ đạo công cuộc Đổi mới từ năm 1986 cho đến nay.

Sản phẩm chung của sự phát triển xã hội loài người

• Ông có thể khái quát những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đến nay?

- Nếu nói về thành tựu, trước hết phải nói thành tựu về nhận thức. Đảng và Nhà nước ta đã ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí và tính tất yếu của xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Phải khẳng định rằng Nhà nước pháp quyền không phải chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, mà là sản phẩm chung của sự phát triển xã hội loài người. Vì thế, Đảng ta đưa ra khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Đó là bước phát triển rất lớn, rất quan trọng về lý luận, vì trước đó có người quan niệm Nhà nước pháp quyền là nhà nước của giai cấp tư sản. Nhà nước pháp quyền XHCN nêu lên tính chất XHCN của Nhà nước pháp quyền, gắn với “của dân, do dân, vì dân”. Đây là hai vế rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển về nhận thức về CNXH, về vai trò, vị trí của Nhà nước pháp quyền.

Vì thế đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung, phát triển năm 2011, chúng ta đưa ra 8 đặc trưng của CNXH, trong đó có đặc trưng thứ 7 là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhận thức này hoàn toàn mới, Cương lĩnh năm 1991 chưa có.

Vừa qua, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định lại thành quả trong nhận thức về CNXH, trong đó có nhận thức về Nhà nước pháp quyền.

Thành tựu thứ hai là chúng ta đã định hình ra được những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam. Đến nay, chúng ta đã cơ bản xác định 6 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam.

Thành tựu thứ ba là từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống pháp luật và đến nay chúng ta có thể tự hào là Nhà nước của chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại… Tất nhiên sau này vẫn cần hoàn thiện thêm.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vừa qua xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó, đột phá đầu tiên phải hoàn thiện thể chế, tức là phải hoàn thiện pháp luật, trước hết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thành tựu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam đã được thế giới thừa nhận, quan hệ của Việt Nam với thế giới rất tốt có đóng góp của Nhà nước pháp quyền.

Tư tưởng của Bác Hồ “tất cả phải thượng tôn pháp luật”

• Từ những cơ sở và thành tựu đã đạt được, theo ông, tới đây, để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta cần làm gì?

- Theo tôi, trước hết, chúng ta cần tập trung thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước pháp quyền.

Đại hội XIII có nêu quan điểm rất cơ bản là luôn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gắn liền với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị.

Đây là quan điểm rất cơ bản. Trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, phải hết sức chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần đề cao vai trò quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng luật, tiến tới phải làm thế nào để cho luật đi thẳng vào cuộc sống, xây dựng hệ thống pháp luật làm sao để luật hoàn chỉnh, dễ hiểu, dễ thực thi để người dân và các tổ chức chính trị - xã hội cứ theo luật mà thực thi chứ không cần nhiều nghị định, thông tư.

Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế bởi thể chế càng tốt thì quản lý xã hội, đất nước càng tốt, bớt đi kẽ hở của pháp luật để các cá nhân có thể lợi dụng, lợi ích nhóm, dẫn tới tham nhũng… Tinh thần là phải hết sức chú ý tư tưởng của Bác Hồ là tất cả phải thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật.

Thứ hai là phải thực hiện tốt hơn chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu. Tất cả những hoạt động của Ban này phải được xác định đường đi nước bước sao cho Nhà nước pháp quyền của chúng ta ngày càng hoàn thiện về hệ thống pháp luật, thể chế và cơ chế vận hành của Nhà nước, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa 3 lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, Bộ Tư pháp có vai trò rất quan trọng, giúp Chính phủ, Nhà nước chỉ đạo xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật.

Cùng với đó, phải giáo dục tri thức pháp luật cho toàn dân, toàn xã hội. Tôi thấy rằng việc này của ta còn hơi yếu, tới đây phải hết sức đề cao vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật bởi nhiều khi người ta không hiểu pháp luật nên hành động sai, họ vi phạm pháp luật không phải vì chống đối mà vì không hiểu nên hành động sai. Tôi nghĩ rằng Ban Chỉ đạo phải chú trọng trong vấn đề này.

Cuối cùng, chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế ngày càng tốt hơn. Trên thế giới, mọi việc đều phải theo luật nên chúng ta đi vào “sân chơi” đó thì phải hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Chúng ta kế thừa thành tựu của các nước, trên cơ sở tổng kết thực tiễn của nước ta để hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng được đòi hỏi của chính trị, kinh tế, văn hóa, con người… Điều quan trọng nhất vẫn là hướng tới dân. Xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển, hạnh phúc thì trung tâm vẫn là người dân nên hệ thống pháp luật này phải hướng tới người dân, bảo vệ người dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân như bài viết của Tổng Bí thư.

• Trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Sáu đặc trưng Nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam

“Đặc trưng thứ nhất là tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Đây vừa là quan điểm vừa là đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua cũng đã nói, Nhà nước của chúng ta là tất cả hướng về dân, mang lại lợi ích cho dân và quyền lực cũng là ở nơi dân. Điều này cũng xuất phát từ quan điểm bao nhiêu quyền bính, lợi ích đều thuộc về dân của Bác Hồ. Đây là đặc trưng rất quan trọng, phải được đưa vào thực chất.

Đặc trưng thứ hai là quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan đảm nhiệm các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không tam quyền phân lập như ở các nước tư bản. Đây là quan điểm và cũng là điều mà chúng ta phải phấn đấu để thực hiện tốt nhất.

Đặc trưng thứ ba là mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội phải tuân thủ theo pháp luật và pháp luật chi phối mọi quan hệ trong đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đặc trưng này đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đặc trưng thứ tư là mọi hoạt động của đời sống xã hội đều phải tuân theo Hiến pháp. Đảng cũng phải tuân theo Hiến pháp. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ đảng viên, tổ chức đảng đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Như vậy là toàn xã hội hướng theo pháp luật, thượng tôn pháp luật.

Đặc trưng thứ năm là Nhà nước CHXHCN Việt Nam tôn trọng và thực hiện tốt những quy định của luật pháp quốc tế. Chúng ta có trách nhiệm tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên Hợp quốc, các công ước của Liên Hợp quốc mà Việt Nam tham gia, đồng thời đòi hỏi các quốc gia khác cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế.

Trong nhiệm kỳ 2 năm làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Việt Nam có đóng góp rất tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong xây dựng luật pháp.

Đặc trưng thứ sáu là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là đặc trưng. Sự lãnh đạo của Đảng đảm bảo cho Nhà nước này mang bản chất cách mạng, pháp quyền của dân, do dân và vì dân”.

(PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc)

Tin cùng chuyên mục

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Đọc thêm

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Giám sát các dự án trọng điểm quốc gia: Có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nội dung thảo luận.
(PLVN) - Sáng 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét kết quả giám sát Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Giám sát cán bộ, đảng viên: Khắc phục bằng được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm

Hội thảo về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Quang Vinh)
(PLVN) - Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định nhằm đẩy mạnh công tác giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Ký kết Hiệp định Geneve: Mốc son lịch sử của dân tộc, mang ý nghĩa thời đại

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
(PLVN) - Trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc ký kết Hiệp định không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Phát huy vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong hợp tác khu vực

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.
(PLVN) - Vào ngày 23/4 tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, sáng kiến tổ chức Diễn đàn một lần nữa thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam, mong muốn đóng góp tích cực hơn cho hợp tác khu vực và mong muốn phát huy vai trò dẫn dắt, nòng cốt của Việt Nam trong hợp tác khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Tháo gỡ 'điểm nghẽn' bậc học mầm non

Cô và trò Trường Mầm non Tuổi hoa Cầu Giấy - Hà Nội. (Ảnh minh họa - Nguồn: Web trường)
(PLVN) - Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tham mưu và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
(PLVN) - Công tác tham mưu có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mỗi cơ quan và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tham mưu là công việc khó, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ làm công tác tham mưu phải chủ động, nắm tình hình từ “sớm”, từ xa, có đầu óc “sắc” sảo, nhạy bén, vững “chắc” ngay trong bản lĩnh chính trị và nhiệm vụ được giao, và phải đi “sâu”, đi sát vào đời sống cán bộ và quần chúng nhân dân. Đó chính là “Sớm – Sắc – Chắc – Sâu”.