Quy định khoảng giữa hai trạm thu phí phải tối thiểu 70km, nhưng chỉ với 100km đường, giới tài xế chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình phải qua “ải” 3 trạm thu phí. Bức xúc càng nóng bỏng hơn, bởi 2 trong 3 trạm này, là trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định) và BOT Tân Đệ do Cty CP Tasco chủ quản, chính thức điều chỉnh mức thu tăng lên…
Trạm thu phí Tân Đệ |
Cấp tập tăng giá vé
Đầu năm 2013, cụ thể là ngày 01/01/2013, phía Tasco chính thức triển khai áp dụng mức thu phí trạm thu phí BOT Tân Đệ tăng 1,5 lần so với mức thu hiện nay. Tài xế Phạm Văn Bền (huyện Hưng Hà, Thái Bình), cho biết, trước đây xe qua trạm chỉ mất 10.000 đồng, nhưng hiện nay mức vé bán ra tăng 1,5 lần, tức 15.000đồng/lượt.
Biểu giá mới từ Tasco cho thấy, loại xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn cũng áp dụng mức phí mới là 23.000đ/lượt. Đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40fit thì mức phí qua trạm là 120.000đồng/lượt.
Khi các tài xế chưa hết ngạc nhiên với sự điều chỉnh này, thì 5 tháng sau đó, ngày 1/6, Tasco tiếp tục điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định). Đặc biệt, lần điều chỉnh tại trạm này được nhà đầu tư “nâng” cao lên 2 lần.
Nếu trước đây phải chi trả 15.000đồng/lượt, thì với mức điều chỉnh mới đây, các tài xế của loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng thì vé lượt là 20.000 đồng/lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi là 30.000 đồng/lượt. Xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40feet phải “cõng” giá “chát” hơn là 160.000 đồng/lượt.
Để được quyền khai thác hai trạm thu phí này, Tasco là nhà đầu tư xây dựng dự án đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định từ QL10 đến thị trấn Mỹ Lộc (Nam Định) và dự án nâng cấp QL10 đoạn từ cầu La Uyên đi Cầu Tân Đệ (Thái Bình).
100km, qua 3 trạm thu phí
Với điểm xuất phát từ Hà Nội, qua cầu Tân Đệ (đến địa giới hành chính tỉnh Thái Bình), thì hành trình của những chiếc xe này phải qua đến 3 trạm thu phí.
Nếu trước đây xe lưu thông từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hướng vào Tp. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), thì điểm thu phí đầu tiên là trạm thu phí Nam Cầu Giẽ. Để vào đến đất Thái Bình, tài xế phải hai lần nữa móc hầu bao chi trả cho trạm Mỹ Lộc và Tân Đệ.
Mặc dù hiện nay trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đã dừng hoạt động, nhưng xe lưu thông về Thái Bình qua đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lại “buốt ruột” trả phí 30.000 đồng/lượt cho xe bốn chỗ ngồi.
Chủ xe Lương Văn Thanh bức xúc cho hay, chỉ với chưa đầy 100km, nhưng mỗi lần về quê thì bị chặn bởi 3 trạm thu phí. “Tính cả lượt đi lượt về, tôi phải thanh toán cho trạm thu phí 130.000đồng”, anh Thanh cho biết.
Bị trạm thu phí “bủa vây”, các doanh nghiệp vận tải và người qua đường trên hành trình này đã rất nhiều lần bức xúc. Thậm chí, có chủ phương tiện đã gọi điện đến chủ đầu tư “chất vấn” nhưng đổi lại, họ chỉ nhận được sự giải thích thiếu rõ ràng.
Theo quy định hiện hành, khoảng cách giữa hai trạm thu phí phải tối thiểu 70km. Nhưng với “tần suất” lập trạm dày đặc từ Hà Nội về Thái Bình, quy định của luật pháp đã bị “bẻ gãy”. Trong khi đó, những tuyến đường tránh do Tasco đầu tư, những người hàng ngày phải chi tiền qua trạm BOT, lại chưa hề sử dụng.
Tại một buổi họp báo mới đây, Bộ GTVT cho biết, tới đây sẽ chấn chỉnh việc nhà đầu tư làm đường một nơi, nhưng trạm thu phí lại cho lập một nẻo.
Việt Hưng