Dấu ấn năm 2018
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phác họa bức tranh tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, sau thành quả phát triển kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu quốc hội đề ra, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm và đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nếu năm 2017 Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018 Việt Nam xuất siêu hàng hóa trên 7 tỷ USD, tức gấp hơn ba lần kỷ lục đã xác lập từ năm trước. Công nghiệp, nông nghiệp là điểm sáng lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 với mức tăng trưởng 3,76%, cao nhất của ngành trong bảy năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD; hàng xuất khẩu đã đến tay người tiêu dùng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động tăng dần và hệ số ICOR giảm dần so với các năm trước. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi đôi với ổn định vĩ mô, lạm phát dưới 4%; tăng trưởng tín dụng dưới 14% thấp hơn nhiều so với mức 17 - 18% của các năm trước. Dự trữ ngoại hối năm 2018 đạt mức kỷ lục gần 60 tỷ USD.
“Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0….”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước các tổ chức và bè bạn quốc tế, người đứng đầu Chính phủ tự tin khẳng định Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Theo Thủ tướng, nông nghiệp chính là một trong những nền tảng ổn định vĩ mô quan trọng của Việt Nam với rất nhiều tiềm năng và lợi thế ở phía trước. Thủ tướng lấy ví dụ ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam hiện vẫn còn tiềm năng rất lớn mặc dù năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu gần 10 tỷ USD đồ gỗ và lâm sản, nằm trong số năm nước xuất khẩu nội thất toàn cầu.
Cơ hội nào cho năm 2019?
Cùng có đánh giá tươi sáng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội nghị ngành KH&ĐT: “Chúng ta đã thành công với năm “bản lề” và chúng ta cần hướng tới những năm tiếp theo, nhất là năm 2019, năm “bứt phá” để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020…”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bước sang năm 2019, mặc dù nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ có những tác động nhất định đến các nền kinh tế khác có liên quan, trong đó có Việt Nam, nhưng “triển vọng không phải là không có”.
“Tôi cho rằng, chúng ta cần hết sức linh hoạt trong bối cảnh có nhiều thay đổi nhanh chóng để tận dụng mọi cơ hội có được từ sự thay đổi đó”, ông Dũng nói và cho rằng, thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa có thể mang lại sự bứt phá cho nền kinh tế.
Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, theo ông Dũng, đây là một yếu tố cần tận dụng ngay từ đầu năm để mở rộng và phát triển thị trường bởi một khi thị trường xuất khẩu được mở rộng, thì đó sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng với cơ hội từ CPTPP, dòng vốn FDI dự kiến tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019, trong đó, khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn. “Vấn đề ở chỗ, chúng ta cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận dòng vốn, gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường...”, ông Dũng lưu ý.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với CPTPP vừa chính thức có hiệu lực, tính đến nay, Việt Nam đã có 16 FTA đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, giúp mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. “Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn FDI khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới”, ông Bình nói.
Cùng với đó, Việt Nam cũng có cơ hội lớn từ kinh tế số, xã hội số bởi trong lĩnh vực này, tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát. Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà nền kinh tế số đem lại, để không bỏ lỡ chuyến tàu CMCN 4.0, để đưa nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới?”, ông Bình cho hay.
Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, để hơn năm cũ, để bứt phá, phải sáng tạo, phải có tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. “Khởi nghiệp quốc gia phải là dòng chảy chính trong phát triển kinh tế nếu chúng ta muốn vượt lên và cạnh tranh thắng lợi”, ông Lộc nói.