Đang xử lý các vấn đề được nêu trong Thông báo kết luận thanh tra
Ông Trần Tiến Dũng (Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Tư pháp) cho biết, trong số 22,19% vụ việc không có điều kiện thi hành án (THA) cũng có lý do từ bản án tuyên không rõ dù không nhiều vì nhiều năm gần đây, ngành Tư pháp và Tòa án đã phối hợp chặt chẽ để hạn chế tình trạng này, trong đó có việc yêu cầu các địa phương phải có xác nhận của cả Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan THADS trong báo cáo về các vụ việc không có điều kiện thi hành.
Đối với các vấn đề được nêu trong thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ ngày 14/10 về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong THADS, Tổng cục THADS đã có kế hoạch triển khai khắc phục. “Ba đơn vị đã kiểm điểm cá nhân và tới đây sẽ kiểm tra, tổ chức kiểm điểm các đơn vị, tổ chức để báo cáo lãnh đạo Bộ” - ông Nguyễn Thanh Thủy (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS) thông tin.
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề THA trong vụ Vinashin, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết hiện đã THA chủ động được 230 triệu đồng/hơn 2 tỷ đồng án phí và tiền phạt, số còn lại đang được tiếp tục xác minh tài sản để THA. Đối với số tiền trên 1.200 tỷ đồng bồi thường (phải thi hành theo yêu cầu của bên được THA trong thời hạn 5 năm), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vì các bên được THA đều là các doanh nghiệp lớn, chủ yếu lại là tài sản nhà nước. Đến nay, 2/6 đơn vị đã có đơn yêu cầu THA với số tiền là 31 tỷ đồng.
Một trong những khó khăn nữa làm chậm trễ THA là các giai đoạn tố tụng trước không có biện pháp bảo đảm tài sản (kê biên, phong tỏa tài sản) nên để khắc phục (đối với cả những vụ việc khác), Tổng cục đã kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng phải làm tốt hơn việc thực hiện biện pháp bảo đảm; đồng thời đề xuất những vụ việc THA liên quan đến tài sản nhà nước mà không có đơn yêu cầu THA thì cơ quan cấp trên, chủ quản của đơn vị phải chỉ đạo để bên được THA có đơn yêu cầu THA.
Đã chi trả cho công dân 15 tỷ đồng tiền bồi thường
Tính đến ngày 30/9, Cục BTNN có 82 đơn yêu cầu bồi thường và tiếp tục giải quyết 21 đơn đã thụ lý từ năm 2012. Trong số hơn 38,4 tỷ đồng được giải quyết bồi thường, có 21 tỷ đồng (theo bản án của TAND tỉnh Thái Bình) chưa có hồ sơ xin cấp kinh phí, còn người dân đã nhận được 15 tỷ đồng/17 tỷ đồng đủ hồ sơ cấp kinh phí bồi thường. Tính đến tháng 9/2013 đã thu được gần 234 triệu đồng hoàn trả từ trách nhiệm bồi thường của công chức.
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng (Phó Cục trưởng Cục BTNN) thừa nhận số vụ việc yêu cầu bồi thường được thụ lý và giải quyết chưa thể phản ánh hết tình hình khiếu kiện yêu cầu đòi bồi thường đúng và đúng một phần. Khó khăn chính là do vướng mắc trong qui định của Luật BTNN và tâm lý e dè, ngại va chạm với cơ quan nhà nước của người bị thiệt hại.
Liên quan đến việc cấp mã số định danh công dân (Bộ Công an đang thí điểm tại Hải Phòng và sẽ tiến hành ở một số địa phương), ông Ngô Hải Phan (Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính) cho biết, trách nhiệm xây dựng dự án khả thi về xây dựng và cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là của Bộ Công an. Trên cơ sở dữ liệu này, Bộ Tư pháp chỉ thực hiện hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân để người dân, cơ quan, tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Chiều nay (18/10), chúng tôi sẽ trao đổi với các nhà khoa học để đảm bảo khi cấp mã số không bị trùng, thiếu, chứ không có chuyện Bộ Công an một ý, Bộ Tư pháp một ý về vấn đề này” – ông Phan khẳng định.
Trước thực trạng nhiều vụ án “nằm chờ kết quả ủy thác tư pháp”, ông Trần Tiến Dũng cho biết, số lượng ủy thác tư pháp chuyển lại không cao dù đã dùng nhiều kênh nên sắp tới phải xác định những nước là “điểm nóng” cần ủy thác tư pháp nhưng chưa có Hiệp định Tương trợ tư pháp thì phải tiến tới đàm phán, ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp, rà soát, lấp các khoảng trống về pháp luật trong việc xử lý các trường hợp không nhận được ủy thác tư pháp…
Cũng theo Chánh Văn phòng, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị nội dung, kế hoạch để tổ chức Lễ công bố Ngày Pháp luật ngày 9/11/2013; xây dựng các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 6 về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản qui định chi tiết, hướng dẫn thi hành, công tác THADS, BTNN, tương trợ tư pháp năm 2013 và tiếp tục hoàn thiện các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính.