Tháng 11/2016, Bộ Tài chính ra Thông tư quy định mức thư, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, trong đó, có nội dung: “Mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là 3.000 đồng/chữ ký số/tháng”.
Quy định áp dụng đối với từng chữ ký số được ký trong một tháng, kể từ ngày 1/1/2017, khiến nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (doanh nghiệp CA) băn khoăn về tính khả thi và lo ngại sẽ phát sinh một khoản chi phí lớn.
Về quy định trên, ông Phạm Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, theo tên gọi, đây là “phí duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số” chứ không phải chữ ký số. Mặt khác, các doanh nghiệp CA cũng cung cấp (bản chất là bán) cho các thuê bao “chứng thư số” để các thuê bao “tạo ra” chữ ký số, phục vụ hoạt động giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số.
Ngoài ra, đối với mỗi chứng thư số, thuê bao có thể “tạo ra” nhiều chữ ký số, theo đó, rất khó để xác định được số lượng chữ ký số do thuê bao ký hàng tháng. Vì vậy, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc quy định về mức thu phí hàng tháng trên “chữ ký số” là không có cơ sở, không đảm bảo tính khả thi của văn bản.
Hơn thế nữa, các quy định hiện hành được hiểu là doanh nghiệp CA phải nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số đối với chứng thư số của mình và chứng thư số của tất cả các thuê bao đang hoạt động.
Như vậy, việc Thông tư này quy định tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (một trong các bên sử dụng hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số) là đối tượng nộp phí đối với chứng thư số của mình và chứng thư số của tất cả các thuê bao đang hoạt động là chưa thống nhất, chưa phù hợp với quy định của Luật giao dịch điện tử và Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và khoản 1 Điều 3 Luật phí và lệ phí.
Qua nghiên cứu phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp CA và thực tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ chứng thực chữ ký số, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy, trên thực tế, trước ngày 1/1/2017, việc “bán” dịch vụ chứng thực chữ ký số là giao dịch dân sự giữa các doanh nghiệp CA và khách hàng, theo đó, các bên có thể thỏa thuận các hình thức thanh toán (trả trước một lần hoặc hàng tháng).
Ngoài ra, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Điều 152), văn bản quy phạm pháp luật không được quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn. Do đó, quy định tại Khoản 2, Điều 7 Thông tư này quy định các doanh nghiệp CA phải nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống trạng thái chứng thư số đối với các chứng thư số được cấp trước ngày 1/1/2017 tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Tài chính tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay những nội dung trái pháp luật tại Thông tư này, thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục trong thời gian 30 ngày.