Một vụ cưỡng chế thi hành án dân sự |
Hôm qua 9/9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên, Bộ Tư pháp pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trả lời kiến nghị của địa phương, pháp chế bộ , ngành.
Nhiều kiến nghị còn mang tính sự vụ
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết: theo kết quả khảo sát tạo 109 tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp, Cục THADS năm 2010, các đơn vị trên đã gửi về Bộ Tư pháp tổng số 341 kiến nghị, trong đó Bộ Tư pháp đã trả lời 214 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 62,8%. Trong đó, tỷ lệ giải đáp kiến nghị trong lĩnh vực thi hành án dân sự chiếm tỷ lệ cao nhất 89,5%, tỷ lệ giải đáp kiến nghị của pháp chế Bộ, ngành chỉ đạt tỷ lệ 32,1%.
Còn 6 tháng đầu năm 2011, theo bản tập hợp kiến nghị của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, các kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực: văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Lý lịch tư pháp, trách nhiệm bồi thường của nhà nước; công chứng, giám định tư pháp, đấu giá, cán bộ.
Đánh giá chung công tác kiến nghị và trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp giai đoạn 2007-2011, theo Chánh Văn phòng “ đã có nhiều tiến bộ, góp phần giúp toàn ngành tư pháp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết một khối lượng lớn công việc được giao, đặc biệt là nhiều nhiệm vụ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, bảo đảm sự kịp thời, minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương”
Về những hạn chế, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: nhiều kiến nghị chưa thực sự là vướng mắc, mang tính sự vụ. Việc trả lời vẫn còn chung chung, một số nội dung trả lời chưa đúng với nội dung kiến nghị, còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ cho việc triển khai công tác tư pháp địa phương.
Gốc rễ là vấn đề cán bộ
Tp. Hồ Chí Minh là một địa phương luôn phát sinh nhiều vướng mắc trong công tác nghiệp vụ đúng như thừa nhận của bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Sở Tư pháp TP này: “Luật chưa ra cũng kiến nghị, ra rồi kiến nghị nhiều hơn”. Bà Hương cũng thừa nhận tình trạng “nhiều kiến nghị manh mún, nhỏ lẻ” và đề xuất “Bộ Tư pháp sâu sát hơn nữa với việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương”.
Dẫn một vụ việc của hai cụ ông ngoài 80 tuổi đi xin bản sao giấy khai sinh trong khi chứng minh thư và hộ khẩu của họ lại khác năm sinh, đại diện đến từ Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định: nếu cứ theo đúng pháp luật không biết hai cụ sẽ còn phải đi lại đến bao giờ và cho rằng “nhiều trường hợp không nên quá cứng nhắc”. Đại diện này cũng đề nghị “Bộ quan tâm, tổ chức thường xuyên và coi đây là một nhiệm vụ phải có trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ”
Là một đơn vị thuộc Bộ đảm trách một lĩnh vực khó và được coi là nhạy cảm, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn lại quan tâm đặc biệt đến văn hóa kiến nghị và trả lời kiến nghị “có những vấn đề không đáng kiến nghị cũng kiến nghị, có trường hợp hỏi để tránh trách nhiệm, có những việc chỉ cần trao đổi, cộng với chút bản lĩnh nghề nghiệp là giải quyết được nhưng cũng vẫn kiến nghị”. Đối với cơ quan trả lời, theo ông Sơn, “nhiều trường hợp “trả lời để mà trả lời”. Nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị và trả lời kiến nghị, ông Sơn cho rằng phải bắt đầu từ chính “văn hóa kiến nghị”.
Phụ trách lĩnh vực quản lý được coi là gần dân, sát dân nhất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất nhấn mạnh vấn đề tổ chức, con người. “Nhiều địa phương thiếu cả nhân lực lẫn kinh nghiệm công tác, cấp xã, huyện hỏi là cứ chuyển thẳng lên Bộ để Bộ trả lời cho “chắc ăn”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thất, “ Bộ không thể hướng dẫn từng vụ việc, hướng dẫn phải băng thông tư, chứ không phải công văn, mà thông tư không phải một sớm, một chiều là ban hành được”. Bởi vậy, theo ông Thất, tăng cường cán bộ tư pháp cho cơ sở phải được coi là giải pháp đột phá. Cụ thể, 100% cán bộ hộ tịch phải được chuyên trách, ở những địa bàn công việc quá tải, phải có 2 cán bộ chuyên trách.
Cũng quan tâm đến vấn đề cán bộ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành đề nghị “tiếp tục quan tâm, kiện toàn tổ chức cán bộ của Tổng cục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự, tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo THA ở địa phương”…
Việt Hòa