Để triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính (sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013), Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT & TT) kịch liệt phản đối phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định này và đã có văn bản đề nghị phải có một nghị định riêng điều chỉnh việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Một poster quảng cáo bị cho là phản cảm. Ảnh minh họa |
Quảng cáo "tốt nhất" mà không chứng minh được: Phạt 20 triệu đồng
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi vi phạm quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ quảng cáo.
Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”, hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Quảng cáo không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hàng của hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng.
Đối với quảng cáo trên báo in, hành vi quảng cáo quá 15% diện tích một ấn phẩm báo, 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp trí trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; hành vi không có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác..., sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng.
Theo đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), mức phạt vi phạm hành chính liên quan đến quảng cáo trên sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện nay đang áp dụng là 20 đến 30 triệu đồng, nhưng dự thảo Nghị định quy định tới 70 triệu đồng là quá cao, sẽ không thể thực hiện được.
Ngoài ra, vi phạm hành chính trong lĩnh vực này có thể áp dụng hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề trong một thời gian nhất định và biện pháp biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin về nội dung quảng cáo vi phạm. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chỉ quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ quảng cáo là quá nhẹ.
Đại diện Bộ GTVT cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về mức phạt vi phạm hành chính về quảng cáo trong lĩnh vực giao thông vận tải vì hành vi treo, đựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng theo quy định hiện hành chỉ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng nhưng dự thảo Nghị định lại quy định tới 15 đến 20 triệu đồng.
Còn đại diện Bộ Y tế thì khẳng định Bộ đã 2 lần có công văn liệt kê tất cả các hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo trong lĩnh vực y tế gửi Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nhưng dự thảo Nghị định lại không thể hiện đầy đủ các hành vi vi phạm này nên nếu đưa vào thực hiện chắc chắn sẽ “lọt” rất nhiều hành vi vi phạm.
Nhiều ý kiến đề nghị, nếu không muốn “lọt” các hành vi vi phạm, dự thảo Nghị định cần phải liệt kê riêng ra từng lĩnh vực như Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Giao thông vận tải... Bởi theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nếu gom tất cả các loại hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo lại rồi đưa ra một mức phạt chung thì chẳng khác nào gom “sâm, nhung” vào lẫn với “rau, cá”.
Cần riêng một Nghị định về quảng cáo
Theo quy định tại Luật Quảng cáo, công tác quản lý nhà nước về quảng cáo đã được giao cho Bộ VH-TT&DL thống nhất quản lý. Vì vậy, nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo đã được đưa vào dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ TT & TT - đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là phức tạp nhất. Quảng cáo trên truyền hình, báo in, báo điện tử, game online, các xuất bản phẩm, quảng cáo trên phương tiện viễn thông, công nghệ thông tin.... vô cùng đa dạng, phức tạp.
Riêng lĩnh vực quảng cáo đã có tới 5 Luật chi phối, nếu chỉ dẫn chiếu một luật thì sẽ thiếu về căn cứ pháp lý. Quan trọng hơn, theo ông Nguyễn Văn Hùng, quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo như dự thảo Nghị định này đã để Bộ TT & TT cùng bộ máy Thanh tra về thông tin truyền thông từ trung ương tới cơ sở ra “ngoài cuộc” và như vậy thì chắc chắn sẽ không ai có thể làm được.
Bộ TT & TT đã có văn bản do Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ký, gửi Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong đó nêu rõ: “Lĩnh vực quảng cáo hiện nay thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, ngành, do đó, nếu gộp vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch là chưa hợp lý”.
Bộ TT & TT đề nghị báo cáo Chính phủ tách riêng thành một Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo và có Ban Soạn thảo là đại diện của các Bộ, ngành có liên quan.
Lan Phương