Sáng nay 23/11, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là thành viên Chính phủ đầu tiên mở đầu phiên trả lời chất vấn. Hầu hết các đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường đều ủng hộ và đánh giá cao tinh thần quyết liệt, dám chịu trách nhiệm của tân Bộ trưởng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Quản lý nhà nước yếu nên ý thức người dân kém
Vấn đề nóng nhất của ngành giao thông được cái đại biểu tập trung chất vấn ngay trong phiên trả lời đầu tiên của Tân Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn là tai nạn và ùn tắc giao thông. Giải pháp đột phá là gì? Các biện pháp vừa qua mới chỉ là chắp vá và manh mún? Bao giờ mới hết tai nạn và ùn tắc? là các câu hỏi được đặt ra trực diện với người đứng đầu ngành giao thông.
Đưa ra giải pháp tổng thể bao gồm trước mắt và lâu dài để giải quyết vấn nạn được coi là quốc nạn mỗi năm cướp đi sinh mạng của 12 ngàn người, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định mấu chốt của vấn đề là phải đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Đảng và chính phủ coi đây là điểm nghẽn cần đầu tư trong 10 năm tới. Chính phủ và Bộ GTVT xác định cần tập trung vào đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc bắc - nam, nâng cấp tuyến quốc lộ 1A, đường ven biển, biên giới, đường giao thông nông thôn và khai thác tốt đường Hồ Chí Minh.
Việc đầu tư phải tiến hành đồng bộ trên các loại hình vận tải. Về đường sắt, phải cải tạo nâng cấp mạng đường hiện có, đi thẳng vào hiện đại, nghiên cứu đầu tư đường sắt khổ 1,435 m, nghiên cứu lập dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao để khi có điều kiện thích hợp sẽ xây dường sắt cao tốc.
Trước mắt tập trung vào tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang. Về hàng không, tập trung đầu tư 2 cảng HK lớn là Long Thành và Nội Bài. Dự án Nhà ga T2 dự kiến khởi công đầu tháng 12 này sau đó tiếp tục làm dự án T3. Phía Nam chuẩn bị đầu tư CHK Long Thành, dự kiến khởi công 2016 để năm 2020 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Ngoài ra, cảng HK Đà Nẵng, Cát bi, Cam Ranh cũng sẽ được nâng cấp. Về đường biển, tập trung xây dựng các cảng hàng không đầu mối làm động lực phát triển như cảng Lạch Huyện, Cái Mép Thị Vải, Vân Phong. Đường thủy nội địa, cũng sẽ nâng cấp cải tạo cảng đầu mối và hệ thống đường sông miền nam và đồng bằng sông Hồng. Dựa trên cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, ngành giao thông sẽ phát triển các loại hình vận tải phù hợp, kết nối thật hiệu quả để giảm tải cho đường bộ.
Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng là nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước (QLNN). Ngoài nguyên nhân cơ sở hạ tầng như đã nói ở trên thì nguyên nhân quan trọng nhất là QLNN chưa đáp ứng yêu cầu, còn yếu kém dẫn tới ý thức của người tham gia giao thông. Công tác quản lý nhà nước chưa tốt tác động một phần tới người dân, duy trì pháp luật không nghiêm nên người dân nhờn luật. Còn chuyện mãi lộ thì còn tình trạng lái xe vi phạm pháp luật, họ vẫn nghĩ có thể dùng chuyện này chuyện nọ để giải quyết, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước của các cấp bộ ngành là rất quan trọng. Nếu mọi người coi chuyện ùn tắc giao thông là việc của ngành GT, việc của người khác thì không giải quyết được. Các ngành, các địa phương phải coi việc giảm tai nạn là nhiệm vụ chính trị như nhiệm vụ phát kinh tế xã hội thì mới giải quyết được.
Hành động ngay dù mới qua 5,5% thời gian của nhiệm kỳ
Trả lại chất vấn của các đại biểu về các giải pháp để giải quyết ùn tắc tại các TP lớn, Bộ trưởng khẳng định: Bộ GTVT đã chủ động tích cực làm việc với các địa phương. Chúng tôi đặt vấn đề: Phải có giải pháp đồng bộ cả lâu dài và trước mắt nhưng không thể chờ đủ các giải pháp rồi mới thực hiện. Vừa rồi đề xuất đổi giờ được nhiều người cho là giải pháp chắp vá. Báo cáo QH, đây là giải pháp quyết liệt, trước mắt nhưng nằm trong giải pháp đồng bộ. nếu chờ đầy đủ các giải pháp đồng bộ mới thực hiện thì có nghĩa là không thực hiện và không bao giờ giảm ùn tắc được.
Bộ trưởng nêu dẫn chứng, nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị của Ban bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội từ những 2003 - 2007 thì không thể có nhiều nhà cao tầng mọc lên trong thành phố như vậy, cũng như k thể có tình trạng lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng như hiện nay.
Được Chính phủ đồng ý, chúng tôi đã báo cáo QH lấy năm 2012 là năm An toàn giao thông để thiết lập lại kỷ cương cũng như phát động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông... Để giải tỏa áp lực ùn tắc tại nội đô, sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giải phóng lòng đường vỉa hè, xây dựng cầu vượt, tăng cường chế tài xử phạt, thu phí đối với phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, tăng cường năng lực của giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân...
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nói rất nhiều giải pháp như vậy thì ai cũng nói được, vấn đề là giải pháp đột phá là như thế nào? Bao giờ hết ùn tắc và tai nạn? Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích: Tôi nói dài vì báo cáo QH giải pháp là tổng thể bao gồm cả trước mắt và lâu dài. Còn đột phá là phải nâng cao hiệu quả QLNN. Người thực thi công vụ phải vào cuộc ngay, phải hành động kiên quyết. Chúng ta không thể cứ ngồi bàn nên làm hay không nên làm nhưng mỗi ngày vẫn đang có trên 30 người chết và 30 người bị thương. Do vậy cả chính quyền và người dân phải hành động. Trong đó, Bộ GTVT là người đề xướng.
Tai nạn và ùn tắc giao thông là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển KT -XH. Các nước láng ghiềng của chúng ta như Thái Lan, Trung quốc đều gặp tình trạng này. Nên với một quyết tâm chính trị rất cao của toàn đảng toàn dân cộng với sự quyết liệt nghiêm túc của người thực thi công vụ, tôi tin là tai nạn sẽ giảm. Nhưng chưa thể nói bao giờ thì hết. Chúng tôi phấn đấu đưa ra mục tiêu giảm tai nạn từ 5 - 10% mỗi năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Trải lòng trước QH trong lần trả lời chất vấn đầu tiên với tư cách thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ: Nếu tính đến ngày hôm nay, thì tôi mới nhận nhiệm vụ được 3 tháng 15 ngày, so với cả nhiệm kỳ 5 năm chỉ mới được 5,5%. Tất cả mọi việc mới ở bước xuất phát, từ ý tưởng tới công việc triển khai. Tôi rất mong cử tri, đại biểu hiểu, chia sẻ. Dù biết mọi người rất mong mỏi nhưng chúng tôi cũng cần có thời gian để nắm bắt được công việc. Mặc dù vậy, quan điểm của tôi là không chờ đợi, chúng tôi bắt đầu hành động ngay, quyết liệt thực hiện những giải pháp trước mắt nhưng là 1 phần của giải pháp trong tổng thể. Chúng tôi xác định mục tiêu là làm sao để ngành GTVT phải phát triển và đi trước một bước để đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2020.
Theo GTVT Online