Sáng nay (24/11), Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại nghị trường, có 39 đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về chất lượng giáo dục đại học; việc thành lập mới ồ ạt các trường đại học, cao đẳng; về các loại bằng cấp, đào tạo từ xa, việc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông,… và chính sách với giáo viên mầm non.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lần lượt trả lời các chất vấn của nhóm đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Ya Duck (Lâm Đồng), Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Lê Nam (Thanh Hoá) và Hà Công Long (Gia Lai) về các vấn đề nổi cộm nêu trên.
Mở nhiều trường đại học, nhưng ít sinh viên - do đâu?
Theo Bộ trưởng Luận, từ năm 2006 - 2011, thành lập 84 trường đại học, trong đó thành lập mới 33 trường và nâng cấp từ cao đẳng lên đại học 51 trường. Trong 84 trường đại học được thành lập, các trường công lập là 59 trường và trong các trường công lập này có 5 trường thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, 35 trường tư thục. Theo đó, cả nước hiện nay có 202 trường đại học, 218 trường cao đẳng.
Trong 3 đầu (2006 – 2008), thành lập 49 trường, còn 3 năm sau (2009 – 2011) thành lập 35 trường. Như vậy, số lượng các trường được thành lập những năm sau đã có những điều tiết và giảm hơn so với thời gian trước. Đó là xu thế thành lập trường…, việc không tuyển đủ sinh viên thì xin thưa với Quốc hội là không phải chỉ năm nay một số trường đại học mới không tuyển đủ chỉ tiêu mà trong những năm vừa rồi một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: …Hiện nay, đa số giáo viên trường phổ thông đạt chuẩn và đã vượt chuẩn. Nhưng giáo viên đại học thì chưa, ở chỗ tỷ lệ hiện nay giáo viên có trình độ tiến sỹ dạy đại học còn rất thấp khoảng 15%, kể cả số trình độ thạc sỹ thì cộng lại trên dưới 50%. Như vậy, chuẩn giáo viên đại học chúng ta chưa đạt và phải có lộ trình trong thời gian sắp tới. |
Theo Bộ trưởng, còn nhiều nguyên nhân tồn tại. Thứ nhất là do một số ngành học, mặc dù nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và những nhu cầu để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội là rất cần thiết, nhưng do có những khó khăn đầu ra, nơi làm việc, chế độ đãi ngộ của chúng ta còn những vấn đề chưa hợp lý cho nên không tuyển được. Ví dụ những ngành liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp, những ngành liên quan đến xã hội, nhân văn, những ngành liên quan đến khoa học cơ bản. Trong đó có cả ngành Sư phạm của chúng tôi. Điều này là thực tế khó khăn.
Thứ hai là một số trường đại học, nhất là trường đại học mới được thành lập. Sau khi thành lập thì bên cạnh các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc các cam kết và có chất lượng tốt thì việc giải quyết vấn để chỉ tiêu tuyển sinh không có vấn đề gì, nhưng không ít trường thì một số các nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo chất lượng thiếu cơ sở trường lớp, thiếu đội ngũ thầy cô giáo cho nên không thu hút được học sinh. “Tôi có thể nêu ví dụ như Đại học Hà Hoa Tiên ở Hà Nam trong mấy năm vừa rồi chỉ tuyển được khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh”, Bộ trưởng Luận nói.
Thứ ba, không tuyển đủ chỉ tiêu là trên thực tế các trường đại học của chúng ta trước đây, trước đổi mới phân thành các trường chuyên ngành rất rõ, trường đào tạo kinh tế, trường đại học về nông nghiệp, trường tào tạo về y, trường đào tạo về các ngành rất rõ.
Hiện nay, số lượng các ngành mở theo tinh thần chúng ta giao quyền chủ động, tự chủ cho các nhà trường thì các ngành nghề của các nhà trường đào tạo rất giống nhau. Trong đó khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng hầu như trường nào cũng có. Cho nên, trên phạm vi cả nước cân đối chung cũng như trên từng lãnh thổ, vùng và địa phương thì có quá nhiều trường cùng đào tạo một chuyên ngành và nó phân tán lực lượng, nhu cầu của học sinh.
Thứ tư, sau khi Bộ có chủ trương cần công khai, 3 công khai, trong đó có công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của các nhà trường, chúng tôi yêu cầu các trường phải đưa lên các trang web thông tin công bố rộng rãi về số lượng thầy, cô giáo, điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện và các điều kiện khác.
Như vậy, bản thân học sinh, sinh viên, các gia đình, cha mẹ, cả xã hội có điều kiện tìm hiểu rõ những điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường. Cộng với sự lựa chọn ngày càng thực chất hơn, ngày càng nghiêm ngặt hơn của thị trường lao động nó tác động vào ý thức của các cháu, nó lựa chọn những trường, những ngành có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt để vào học và họ từ chối những trường, những ngành, những lĩnh vực mà không đảm bảo chất lượng.
Vừa qua, một số trường đại học ngoài công lập khi không tuyển đủ các chỉ tiêu tuyển sinh có kiến nghị Bộ giáo dục và đào tạo chúng tôi yêu cầu hạ điểm chuẩn, điểm sàn để tuyển. Sau khi cân nhắc tất cả các khía cạnh của vấn đề như chúng tôi vừa trình bày, chúng tôi giữ nguyên điểm sàn là 13 điểm và không hạ vì cần phải đảm bảo chất lượng đầu vào và trên cơ sở đó có điều kiện để đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên sau tốt nghiệp. Đó là vấn đề về chỉ tiêu.
...Sinh viên du học nhiều: mừng hay lo?
Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Luận cho rằng, việc đưa lưu học sinh của chúng ta đi học nước ngoài không phải vào thời gian này mới có mà từ nhiều năm trước cha ông chúng ta cũng đưa người Việt Nam trẻ tuổi đi học nước ngoài, đến thời cách mạng cũng đã đưa nhiều. Song, điều kiện hội nhập mở cửa và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, với những thành quả của công cuộc đổi mới, đời sống của người dân tăng lên, thế giới gần lại, ta gọi là thế giới phẳng.
Việc chúng ta đưa con cháu đi học ở nước ngoài cũng là một dấu hiệu đáng mừng của thành quả đổi mới. Bên cạnh đó, việc đón nhận các lưu học sinh, sinh viên người nước ngoài vào học ở Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng trên thực tế đã đón rất nhiều. Chúng tôi mới cho tốt nghiệp lớp thạc sỹ của Đại học Việt Đức.
Chất lượng đào tạo: yếu kém!
Bộ trưởng Luận thừa nhận “…chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là bất cập, còn có những yếu kém”. Tổ chức diễn đàn kinh tế thế giới về chỉ số cạnh tranh có xếp hạng giáo dục của Việt Nam năm 2008 xếp thứ 120/141 quốc gia được xếp hạng, chỉ số này đến năm 2011 đã 69, tức là tăng 51 bậc.
Tính theo thang điểm 5 của điểm chất lượng giáo dục, Việt Nam được diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng tăng từ chỉ số 3,4 năm 2008 lên 3,7 của năm 2011. Năm 2008, theo Bộ trưởng Luận, tồn tại yếu kém về giáo dục được xếp là nguyên nhân thứ 3 trong 15 nguyên nhân gây nên khó khăn kinh doanh của Việt Nam. Đến năm 2011 những nguyên nhân yếu kém của giáo dục đã giảm vị trí từ số 3 xuống số 6.
Cần đưa kiểm định chất lượng vào nhà trường
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn: “…đầu ra thì bằng khá, giỏi nhiều trong khi chất lượng không tương xứng, người tuyển chọn thì không muốn dùng…”, Bộ trưởng giải trình, việc xếp hạng học sinh thì bộ có quy chế là điểm kết quả như thế nào là loại giỏi, như thế nào là loại khá.
Đại biểu Trần Minh Diệu, kết quả thi tốt nghiệp tăng cao, coi thi, chấm thi có vấn đề, nhiều trường tốt nghiệp 100%. Việc này, Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra, phúc khảo, phúc tra lại kết quả thi thì đến thời điểm này, với tổng hợp mà chúng tôi có, với báo cáo của các địa phương gửi về cho thấy kết quả thi tốt nghiệp của năm 2011 về cơ bản là phù hợp với kết quả của bài thi…”.
Từ các chất vấn trên, Bộ trưởng nhận định, giữa kết quả thực sự về kiến thức và kỹ năng với điểm số xếp hạng trên văn bằng là có khoảng cách. Hiện nay, để giải quyết việc này Bộ đã chú ý vào việc tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, đưa kiểm định chất lượng nhà trường, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...
Chốt lại buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: .".. Nhất là tỷ lệ trẻ em đến trường đạt tỷ lệ rất cao, tương đương với tỷ lệ đi bầu cử, cũng 98%, 99%. Tuy nhiên, tại Hội trường này và lại một lần nữa Quốc hội, đồng chí Bộ trưởng và đồng chí Phó Thủ tướng đều thừa nhận chất lượng giáo dục và đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước".
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ.
Năm 2006 thì 52% trường lớp chúng ta kiên cố, nhưng còn đến 48% chưa kiên cố phổ thông và trong 5 năm qua Chính phủ chỉ đạo đầu tư qua chương trình kiên cố hóa trường lớp đến nay 70% trường lớp phổ thông đã kiên cố hóa, nhưng cũng còn 30%. Đối với khu vực giáo dục đại học phải đảm bảo diện tích theo đầu sinh viên, diện tích phòng học sinh viên, cơ sở vật chất, chúng ta đã đưa ra tiêu chuẩn và vừa rồi cho việc xét duyệt các trường đại học phải bám tiêu chuẩn này, nhưng thực tế còn rất nhiều trường đã tồn tại nhiều năm chưa đáp ứng cái này. Có những trường diện tích đầu sinh viên chỉ có vài mét vuông, thậm chí chưa đến 1 mét vuông.
|
Trọng Hùng