Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong số 39 DN đăng ký XK theo Quyết định 1106/QĐ-BCT của Bộ Công thương, có 04 DN từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng bán gạo với Cục DTNN khu vực nhưng đã đăng ký XK.
Cụ thể: TCty lương thực Miền Bắc- Vinafood 1 (trúng thầu 4.500 tấn gạo nhưng đăng ký XK 7.200 tấn), Công ty TNHH Phát Tài (trúng thầu 17.940 tấn nhưng đăng ký XK 13.000 tấn; Công ty CP XNK Thuận Minh (trúng thầu 1.000 tấn nhưng đăng ký XK 8.630 tấn), Công ty CP Mỹ Tường (trúng thầu 900 tấn nhưng đăng ký XH 10.650 tấn)
Điều đáng nói là trong số 4 DN này Vinafood 1 là DNNN hạng đặc biệt được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc “xù” hợp đồng bán gạo với Cục DTNN khu vực để XK gạo với giá cao hơn khiến DN này đang chịu nhiều “gạch đá” về trách nhiệm của DNNN đối với vấn đề an ninh lương thực quốc gia.
Trước đó, trao đổi với PLVN, đại diện Tổng cục DTNN cho biết, sở dĩ các DN từ chối không ký Hợp đồng với các Cục DTNN khu vực là du giá gạo lên cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Khi mở thầu, giá Bộ Tài chính đưa ra sát với giá thị trường, Nhưng khi ký Hợp đồng thì giá gạo đã lên cao nên DN không muốn bán cho kho gạo dự trữ quốc gia…”- vị này cho hay
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu.
Theo Bộ Tài chính, mức quy định này chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật đấu thầu để bổ sung quy định chế tài xử lý đối với công tác đấu thầu.
Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng, trong trường hợp này DN hoàn toàn có quyền không thực hiện hợp đồng và điều đó không hề trái đạo đức hay quy định hiện hành trừ khi DN vừa không thực hiện hợp đồng vừa không chịu mất tiền bảo lãnh.
Theo Luật sư Đức, Luật đấu thầu đã qui định rõ, không tham gia đấu thầu, tham gia rồi mà không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng không thực hiện thì sẽ mất tiền bảo đảm dự thầu. “Đây là bài toán kinh tế, khi giá gạo tăng cao mà DN vẫn cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia thì thiệt hại của DN sẽ rất lớn, thậm chí phá sản. Do đó, không thể tránh khỏi trường hợp DN chấp nhận mất cọc vài trăm triệu đồng để hủy hợp đồng" - Luật sư nói.
Khi đặt vấn đề trách nhiệm của DNNN trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Luật sư khẳng định DNNN không có trách nhiệm này khi bán gạo cho dự trữ quốc gia, chỉ khi bán với giá thấp, gây thiệt hại, trong trường hợp này là thiệt hại cho nhà nước thì lãnh đạo DN “lĩnh đủ”.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, việc DN “xù” hợp đồng là bình thường trong thực tiễn thương mại, Tổng cục DTNN có thể khởi kiện DN ra tòa.
“Qua vụ việc này chứng minh một điều là đã là DN thì lợi nhuận là hàng đấu. Không nên đặt vấn đề thành phần kinh tế ở đây!’ - chuyên gia này nêu ý kiến. Ông cũng cho rằng, Tổng cục DTNN có thể rút kinh nghiệm, lập “Black list” sau này không cho tham gia đấu thầu nữa…
Để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020, ngày 16/4/2020, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thời điểm mở thầu ngày 12/5/2020, thời hạn nhập gạo xong trước ngày 30/6/2020.
Trao đổi với PLVN, đại diện Tổng cục DTNN cho biết sát thời điểm mở thầu, Bộ Tài chính sẽ đi khảo sát giá thực thế để đưa ra mức giá sát thị trường nhất.
Trả lời PLVN về việc nếu sau đó giá thị trường lại tăng cao, DN lại không ký Hợp đồng bán gạo cho dự trữ quốc gia sẽ như thế nào? Đại diện Tổng cục DTNN cho biết, việc này thực hiện theo Luật dự trữ quốc gia...