Bồ tát Phổ Hiền là ai?
Theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông, hình tượng Tây Phương Tam Thánh thì có đức Phật A Di ở cõi Tây Phương Cực Lạc với hai vị thị giả là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Còn Phật Thích Ca Tam Tông thì có Phổ Hiền Bồ Tát hầu bên trái đức Phật và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hầu bên phải. Chúng ta cũng thấy tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà, hai tay chắp lại.
Nếu như Bồ tát Văn Thù đại biểu cho trí, tuệ, chứng, nắm giữ trí tuệ và chứng đức của chư Phật. Bồ tát Phổ Hiền đại biểu cho lý, định, hạnh, nắm giữ lý đức, định đức và hạnh đức của chư Phật, các ngài cũng diễn giải sự hoàn bị viên mãn của lý trí, định tuệ và hạnh chứng của Như Lai. Cả hai vị bản tôn cùng với Phật Tỳ Lô Giá Na được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh.
Khi đức Bồ tát Phổ Hiền chưa xuất gia học đạo, Ngài làm con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm, tên là Năng-đà-nô. Danh hiệu Phổ Hiền xuất hiện trước tiên trong kinh Mạn Ðà La Bồ Tát, về sau xuất hiện ở nhiều kinh khác như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa nên trở thành phổ biến, Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho Lý, Ðịnh, Hành; cưỡi voi trắng 6 ngà, hầu bên tay phải của đức Như Lai. Voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, 6 ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 – Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát – ngài Phổ Hiền có nguyện với Phật về 500 năm sau có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến não hại.
Ngài dạy rằng nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu ngài; thấy và chạm đến thân ngài; hay nằm mộng thấy ngài; hoặc tưởng niệm đến ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn thì không còn thối chuyển. Chúng sinh nào nghe thấy thân ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh.
Tại Việt Nam, hằng năm tín đồ Phật Giáo cử hành lễ vía ngài đản sinh vào ngày 21 tháng hai âm lịch và lễ vía ngài thành đạo vào ngày 23 tháng tư âm lịch.
Ý nghĩa danh hiệu Bồ tát Phổ Hiền
Phổ Hiền dịch âm là Tam-mạn-đà Bạt-đà-la, hoặc Tam-mạn-đà Bạt-đà (Samntabhadra). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng Giác Bồ-tát, Phổ Hiền là vị Bồ Tát Đẳng Giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ.
Theo kinh Pháp Hoa, ngài là vị Bồ Tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo 500 vị Đại Bồ Tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì chính pháp của đức Phật Thích Ca.
Phổ Hiền Bồ tát được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho "Bình đẳng tính trí" tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.
Hình tướng của Bồ tát Phổ Hiền
Bồ tát Phổ Hiền ngồi trên voi trắng sáu ngà có nghĩa là Ngài dùng đại hạnh hóa độ chúng sinh, đưa họ từ bờ mê đến bến giác. Con voi sáu ngà là tượng trưng cho Lục độ: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ. Ngài chèo thuyền Lục độ để cứu vớt chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Mặc dù bể khổ thì rộng lớn mênh mông còn chúng sinh thì vô lượng, nhưng Ngài vẫn không ngại nhọc nhằn tiếp tục cứu vớt chúng sinh kiếp nầy sang kiếp khác. Với chiếc chèo bố thí, cánh buồm tinh
tấn, mục tiêu thiền định, tay lái trí tuệ, Ngài luôn luôn kiên nhẫn tiến tới mà chẳng ngại sóng gió để cứu giúp chúng sinh.
Hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền
Một là thành tâm kính lễ các đức Phật.
Hai là khen ngợi, tán thán Như Lai.
Ba là thực hành hạnh cúng dường rộng rãi.
Bốn là ăn năn chừa bỏ các nghiệp chướng.
Năm là vui theo các công đức.
Sáu là thỉnh Phật thuyết pháp.
Bảy là thỉnh Phật trụ ở thế gian.
Tám là thường tu học theo lời Phật dạy.
Chín là luôn luôn tùy thuận lợi ích chúng sinh.
Mười là hồi hướng công đức khắp tất cả pháp giới.