Có sự chuyển hướng về nội dung thanh tra trọng tâm
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tư pháp cho biết, qua 6 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra Bộ đã tổ chức thực hiện 68 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch, đối tượng chủ yếu là các cơ quan thi hành án dân sự. Những năm trước đây, Thanh tra Bộ tập trung vào nội dung thanh tra nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự, công tác thanh tra về nội dung trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các đơn vị hay thanh tra về công tác tổ chức cán bộ chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên.
Nhưng kể từ năm 2015 đến nay, Thanh tra Bộ đã tập trung thanh tra về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời tiến hành các nội dung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là hàng năm, Thanh tra Bộ tiến hành từ 3 – 5 đoàn thanh tra về công tác tổ chức cán bộ, từ 3 – 5 đoàn về trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ 3 – 5 đoàn về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, từ 1 – 2 đoàn về công tác quản lý, đào tạo tại các đơn vị đào tạo của Bộ Tư pháp.
Điểm nổi bật của công tác thanh tra nói chung cũng như thanh tra hành chính nói riêng của Bộ Tư pháp là bắt đầu từ năm 2016 đến nay, song hành với các đoàn thanh tra hành chính triển khai tại địa phương, Thanh tra Bộ còn thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra.
Tổ giám sát cũng theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt. Việc thành lập tổ giám sát đoàn thanh tra tạo điều kiện để Chánh Thanh tra có kênh phản hồi khách quan hơn, đồng thời đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc hơn.
Phải được giao quyền mới có thể ngăn chặn hành vi trái pháp luật
Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra hành chính của Bộ Tư pháp đang gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, về quy định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, Điều 40 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định: “Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép”. Đây là quy định không phù hợp với thực tiễn. Trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện có sai phạm chỉ có thẩm quyền đề nghị là không kịp thời, chưa giao quyền và trách nhiệm khi tiến hành thanh tra. Việc tạm giữ là phải tiến hành ngay và lập tức đối với tiền, đồ vật, giấy phép thì mới có thể ngăn chặn ngay hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, khi phát hiện đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, Điều 41 Nghị định 86 quy định người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản. Quy định này chưa đầy đủ, cần có quy định bổ sung thẩm quyền ra quyết định ngăn chặn sự chuyển dịch hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản đó.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, qua thanh tra đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, hậu quả không thể khắc phục được, đối tượng thanh tra dễ dàng bỏ trốn mà Luật Thanh tra chưa quy định thẩm quyền cho trưởng đoàn thanh tra hay người ra quyết định thanh tra có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm đối tượng bị thanh tra đi khỏi nơi cư trú hoặc cấm xuất cảnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính nói riêng và hoạt động thanh tra nói chung, Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị sớm hoàn thiện Luật Thanh tra theo hướng khắc phục được những tồn tại trên. Về phần mình, Thanh tra Bộ sẽ đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, nâng cao chất lượng định hướng chương trình thanh tra và kế hoạch thanh tra, trong đó có việc đánh giá, khảo sát, nghiên cứu sâu sắc các nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc trong xã hội đang nổi lên, làm cơ sở xác định rõ vấn đề, nội dung phải thanh tra.