Trong đó, vai trò của Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xem có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, thực tiễn công tác bổ nhiệm chức danh này vẫn còn một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ.
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật này, để được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, trước hết người đó phải là trợ giúp viên pháp lý.
Đồng thời, người này còn phải hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn chung đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật và có ít nhất 3 năm làm trợ giúp viên pháp lý, hoặc thẩm phán hoặc kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp trở lên hoặc có 05 năm làm công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong ngành Tư pháp. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp viên pháp lý, đưa dịch vụ của trung tâm tiến tới ngang bằng với dịch vụ pháp lý do luật sư thực hiện có thu tiền.
Tuy nhiên, với tiêu chuẩn trên, thực tế ở một số địa phương đang gặp khó khăn về công tác cán bộ, nhất là về chức danh Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước. Trước thời điểm ban hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017, báo cáo của Bộ Tư pháp có nêu: “Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của 63/63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cơ bản đã bảo đảm tiêu chuẩn tương đương luật sư, hiện chỉ còn 73 trợ giúp viên pháp lý đa phần là lãnh đạo của Trung tâm Trợ giúp pháp lý luân chuyển từ các cơ quan khác, một số cũng đã sắp đến tuổi nghỉ hưu chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn này”.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật và hoạt động ổn định của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Điều 48 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã có quy định chuyển tiếp: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người đã được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 được tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật này; sau 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì bị thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý”.
Sau khi Luật chính thức có hiệu lực, những người được bổ nhiệm Giám đốc trước ngày Luật có hiệu lực vẫn thực hiện nhiệm vụ bình thường. Nhưng ở những nơi, vì lý do nào đó (chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ công tác, điều động...) dẫn đến khuyết chức danh Giám đốc, việc tìm người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm gặp khó khăn. Nguyên nhân chính xuất phát từ khâu quy hoạch cán bộ không theo kịp với tinh thần của điều luật trên.
Thực tế cho thấy, trợ giúp viên pháp lý đang công tác đáp ứng tiêu chuẩn “03 năm là trợ giúp viên pháp lý” thì chưa đảm bảo tiêu chuẩn “Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật”.
Còn cán bộ Sở Tư pháp có “05 năm làm công tác quản lý nhà nước về Trợ giúp pháp lý trong ngành Tư pháp” và được quy hoạch lãnh đạo cấp phòng lại không đủ tiêu chuẩn làm trợ giúp viên pháp lý do chưa được “đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự Trợ giúp pháp lý”.
Mặt khác, theo Thông tư số 08/2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động Trợ giúp pháp lý, muốn được tham gia kiểm tra kết quả tập sự Trợ giúp pháp lý, viên chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phải qua tập sự 04 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, tùy trường hợp.
Và sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, người tham gia mới được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự Trợ giúp pháp lý. Đây là yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý. Do vậy, để điều động một công chức hội đủ các điều kiện nêu trên từ Sở về Trung tâm để thực hiện quy trình bổ nhiệm Giám đốc cần thời gian nhất định để tập sự Trợ giúp pháp lý, tham gia và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự. Điều này khó giải quyết được trong thời gian ngắn.
Để chuẩn hóa cán bộ cần có thời gian bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính, ngoại ngữ... hoặc đào tạo nghề luật sư, thời gian tập sự. Tuy nhiên, với xu hướng tinh giản biên chế hành chính hiện nay, để sắp xếp cho công chức tham gia các khóa bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước là không dễ dàng.
Vì vậy, Bộ Tư pháp cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương đang hoặc sắp khuyết chức danh trên, qua đó đảm bảo hoạt động của các Trung tâm được thông suốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.