Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, chương trình phối hợp xuyên suốt hầu hết các lĩnh vực, công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp. Đây là chương trình phối hợp rất toàn diện, được hai bên rà soát kỹ lưỡng, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hai bộ, ngành, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ trưởng cũng thông tin hiện Bộ Tư pháp đã ký Quy chế phối hợp với một số bộ, ngành và sắp tới sẽ xem xét tiếp tục ký với một số bộ, ngành khác. Bộ trưởng đánh giá thời gian qua việc phối hợp giữa hai Bộ đã đạt nhiều kết quả đặc biệt trong việc lập chương trình xây dựng luật. Tuy nhiên với chương trình mới này công tác phối hợp sẽ được tăng cường, các đơn vị thuộc hai bộ sẽ gắn kết, phối hợp thường xuyên hơn.
Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH luôn xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. “Bộ LĐ-TB&XH hiện đang quản lý nhà nước 14 lĩnh vực, nhiều lĩnh vực liên quan sát sườn đến đời sống hàng ngày của người dân, do đó nếu việc xây dựng thể chế chưa kịp thời, chưa đúng sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của họ”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và mong Bộ Tư pháp thường xuyên hỗ trợ, phối hợp, mong chương trình sẽ thực hiện hiệu quả, trở thành mẫu mực để tạo những chuyển biến quan trọng trong xây dựng pháp luật, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo chương trình mới được ký kết, trong giai đoạn 2018-2022, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ sau: Trong công tác xây dựng pháp luật bao gồm việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; Công tác pháp luật quốc tế và tổ chức triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Hai Bộ tăng cường sự phối hợp để đưa ra những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm phổ biến sâu rộng triển khai thi hành Hiến pháp 2013, các luật, pháp lệnh … trong toàn ngành Lao động, Thương binh và Xã hội theo nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định về công tác phổ biến pháp luật, phối hợp triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành… Chương trình cũng nêu những nhiệm vụ hai Bộ trong công tác nuôi con nuôi, quốc tịch, hộ tịch; công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác quản lý, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; công tác pháp chế; ứng dụng công nghệ thông tin.
Chương trình cũng giao Vụ Pháp chế thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp là đơn vị đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo hai Bộ trong việc đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này; các Tổng cục, Cục, Vụ và đơn vị liên quan của hai Bộ căn cứ chức năng của mình, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Định kỳ hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bộ cùng xây dựng Kế hoạch chung triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp. Tổng kết, đánh giá kết quả sau 05 năm thực hiện Chương trình. Trên cơ sở chấp thuận về chủ trương của Lãnh đạo hai bên, giao Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH; Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hàng năm.
Hai Bộ chỉ đạo, hướng dẫn Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp triển khai thực hiện Chương trình này. Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp chủ động phối hợp, tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp này tại địa phương.