“Ba chung”
Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường. Giám đốc các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH và trường CĐ sử dụng đề thi chung của Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng túi đề thi (nếu được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh (TS) trúng tuyển.
Những trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của TS cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển. Các trường ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vào hệ này mà sử dụng kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của TS cùng khối thi, trong vùng tuyển của trường để xét tuyển.
Nhiều cơ hội trúng tuyển
TS vẫn có ba cơ hội đăng ký xét tuyển (ĐKXT) được thực hiện trong ba đợt theo đúng quy trình và thời hạn. TS nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ (đối với từng đối tượng và khu vực) sẽ được cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi ĐH có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi. TS dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 3. TS có kết quả thi ĐH thấp hơn điểm sàn CĐ được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Với những TS dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường CĐ đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) được trường CĐ tổ chức thi cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi CĐ, có đóng dấu đỏ của trường CĐ tổ chức thi. TS dùng Giấy chứng nhận kết quả thi này để tham gia ĐKXT (đợt 2 hoặc đợt 3) vào các trường CĐ khác còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của trường. Ngoài ra, những quy định về việc nộp hồ sơ vẫn giữ nguyên như năm trước, đó là cho phép TS có thể nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường dự thi.
Cấm “vơ vét” thí sinh tràn lan
Để tránh tình trạng “loạn” giấy báo trúng tuyển (có thí sinh nhận được đến 15-20 giấy báo trúng tuyển như báo chí đã thông tin trong các mùa tuyển sinh trước), một trong những sửa đổi trong quy chế, Bộ yêu cầu, năm nay, các trường ĐH, CĐ không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường. Siết chặt hơn nữa vấn đề này, Bộ có thêm quy định hình thức kỷ luật cán bộ tuyển sinh vi phạm quy chế là: Cảnh cáo đối với những người gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường hoặc thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKXT của thí sinh không đúng thời gian quy định.
Hạn chế mở ngành mới
Theo tin từ Bộ GD&ĐT và từ một số lãnh đạo trường đại học đăng ký xin mở ngành mới năm 2011, Bộ đã xem xét việc mở ngành của các trường đăng ký. Tuy nhiên, nhiều trường đã không được phê duyệt vì chưa đủ điều kiện để mở ngành học mới, trong đó có nhiều trường đại học công lập.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm 2011, Bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường theo năng lực đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng và báo cáo thực hiện “ba công khai”. Bộ chỉ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện.
Bên cạnh đó, Bộ tăng thêm chỉ tiêu cho đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ với những ngành, những khu công nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực. Bộ yêu cầu, các đại học lớn, giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học.
Thí sinh người nước ngoài không phải dự thi
Bộ GD&ĐT cũng bổ sung một số điểm liên quan đến TS, trong đó có quy định: Học sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt
Để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, Bộ bỏ yêu cầu TS phải nộp hồ sơ trúng tuyển khi được triệu tập nhập học. Ngoài ra, để TS không phải nộp lại phiếu báo điểm khi trúng tuyển, Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi về quy định gọi trúng tuyển. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường trực tiếp xét duyệt danh sách TS trúng tuyển do Ban Thư ký trình và ký giấy triệu tập TS trúng tuyển nhập học. Trong giấy triệu tập cần ghi rõ kết quả thi của TS và những thủ tục cần thiết khi nhập học. Uyên Na
Giám thị bàn giao bài thi của thí sinh năm 2010