Biểu tượng mới khẳng định tình hữu nghị, láng giềng Việt Nam - Campuchia

Sáng 26/12, tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen đồng chủ trì lễ khánh thành cột mốc số 30 trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Ou Yadav thuộc tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Rattanakiri (Camphuchia).
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen tới dự lễ khánh thành các cột mốc biên giới, thể hiện rõ sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia trong thực hiện các hiệp ước, hiệp định và các thỏa thuận về biên giới lãnh thổ của hai nước.
Tham dự lễ khánh thành có các Phó Thủ tướng Chính phủ Campuchia; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và nhân dân khu vực biên giới giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, lễ khánh thành cột mốc số 30 và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Ou Yadav, cùng với khánh thành cột mốc số 275 vào chiều nay, đánh dấu việc Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy ở 10 cặp cửa khẩu quốc tế trên đường biên giới đất liền giữa hai nước và hoàn thành được gần 90% công việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia.
“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc thúc đẩy và sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Tạo thuận lợi cho việc quản lý biên giới, giao lưu, hợp tác, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai tỉnh Gia Lai, Rattanakiri và hai nước chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Ou Yadav nằm trên Quốc lộ 19 của Việt Nam, nối với Quốc lộ 78 của Campuchia, là một trong những tuyến đường trọng yếu nối các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc của Campuchia. Việc hoàn thành đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Ou Yadav sẽ tạo điều kiện thông suốt tuyến đường quan trọng này, khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch cũng như hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng và vùng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước, các bộ, ngành và địa phương hữu quan của cả hai bên, đã cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền hai nước thời gian qua.
Nhấn mạnh thời gian tới “chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ quan trọng này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng đề nghị Thủ tướng Hun Sen cùng chỉ đạo Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, thúc đẩy sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và quản lý tốt tình hình biên giới nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển bền vững cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau của hai nước.
Về phía mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh, hoạt động khánh thành các cột mốc biên giới thời gian qua khẳng định việc hai nước đã cố gắng triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ giải quyết các vấn đề về biên giới trong thời gian sớm nhất - một công tác có những bước tiến đều đặn, mặc dù có những lúc gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
“Thành quả lịch sử đáng ghi nhận trong hôm nay sẽ góp phần to lớn trong việc biến khu biên giới đã được xác định rõ ràng, cụ thể của hai nước trở thành khu hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện, phục vụ đời sống thanh bình, thịnh vượng của nhân dân hai nước”, Thủ tướng Hun Sen phát biểu.
Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng sự kiện hôm nay là một bằng chứng cụ thể cho thấy sự hợp tác keo sơn giữa hai nước nhằm biến khu biên giới trước đây đã từng bị bỏ quên, khu vực không có người sinh sống, thiếu mọi cơ sở hạ tầng, không có sự phát triển trở thành một khu đầy tiềm năng kinh tế, khu thương mại, đầu tư, du lịch…
“Tôi xin được nói lời cảm ơn và đánh giá cao Ủy ban hỗn hợp phân giới cắm mốc đường bộ biên giới hai nước đã kiên trì phấn đấu tổ chức thông suốt việc cắm các mốc giới, dành được sự hợp lý hoàn toàn về mặt pháp lý. Thay mặt Chính phủ Vương quốc Campuchia, tôi tự hào vì cả hai nước đều vượt qua nhiều khó khăn trong việc xây dựng đường biên giới giữa hai nước. Đến nay, chúng ta chỉ còn lại 16,8% trong tổng số chiều dài toàn tuyến biên giới và thời gian tới sẽ tiến tới xác định biên giới trên biển” , Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh. 
Một lần nữa Thủ tướng Hun Sen khẳng định Chính phủ Vương quốc Campuchia kiên định duy trì lập trường xây dựng đường biên giới giữa Campuchia và Việt Nam thành một đường biên giới đúng đắn, rõ ràng, cụ thể, trên cơ sở luật pháp Nhà nước và quốc tế.
Điều này đã được Chính phủ Campuchia trong mọi giai đoạn luôn giữ vững nhằm kết thúc vấn đề biên giới đường bộ và đường biển giữa hai nước. Dựa vào cơ sở nguyên tắc chủ yếu này, Chính phủ Campuchia sẽ cố gắng hết mình để cùng Chính phủ Việt Nam bảo đảm việc hai nước có chung một đường biên giới mang tính quốc tế và biến đường biên giới được thể hiện trên bản đồ thành các mốc giới tại thực địa. Đường biên giới đó phải đi song song với việc thực hiện tốt công tác quản lý, cùng nhau xây dựng một khu vực biên giới phát triển phồn vinh, khu vực hòa bình, đời sống người dân an cư thịnh vượng.
Bên cạnh đó, việc khánh thành đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Ou Yadav dài 450 m là một bằng chứng cho thấy việc hai nước cùng quan tâm kết nối vật chất. Đây là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách của chính phủ các nước trong khu vực nhằm đẩy mạnh sự hợp tác, hội nhập, chủ yếu trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng cũng như trong khuôn khổ ASEAN và Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực từ năm 2016.
“Lễ khánh thành hôm nay là một biểu tượng mới, khẳng định thêm một lần nữa lòng quyết tâm của hai nước trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, củng cố và phát triển tình hữu nghị, láng giềng tốt, có lợi ích chung về địa chính trị, địa kinh tế”, một lần nữa Thủ tướng Hun Sen khẳng định.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen cùng mở tấm vải phủ cột mốc số 30, đánh dấu việc khánh thành hai công trình: Cột mốc số 30 trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Ou Yadav.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.