Tiếp ngay sau công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 thì một cuộc tọa đàm về cơ hội phát triển cho ĐBSCL đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16/12 với chủ đề nhìn lại 3 năm triển khai Nghị quyết “thuận thiên”.
Tạo đà phát triển mạnh mẽ cho ĐBSCL
Nghị quyết “thuận thiên” chính là tên được nhiều chuyên gia đặt cho Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách.
Cánh đồng mênh mông ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa) |
Thực tiễn 3 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng là 7,9% cao nhất trong 4 năm trở lại đây (bình quân cả nước là 6,76%%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt gần 16 tỷ USD. Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành năm 2019) đạt khoảng 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước.
Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 1/3 của vùng và 34,6% GDP ngành nông nghiệp của cả nước. An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững.
Công nghiệp - xây dựng tăng 6,15% (đứng thứ 2/6 các vùng trên cả nước, chỉ sau vùng đồng bằng sông Hồng), trong đó nổi bật là Trà Vinh tăng 19,03%, gấp gần 2 lần tỉnh đứng thứ 2 là Bạc Liêu (10,02%) và đứng thứ 2 cả nước (sau Ninh Thuận tăng 82,38%). Các sản phẩm chủ lực của vùng gồm có chế biến thủy sản, hàng may mặc các loại, thức ăn chăn nuôi, điện, gạo các loại; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục đà tăng trưởng đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng công nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2020 của 13 địa phương là trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 33,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, vùng ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2020 cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước tăng 1,81%. Có 8/13 tỉnh tăng trưởng dương, trong đó, Đồng Tháp đạt 3,41%; Bạc Liêu hơn 2%; An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An tăng trưởng hơn 1%; 5/13 địa phương còn lại tăng trưởng âm.
Đồng thời, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sự phát triển của ĐBSCL, đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.
Tăng cường kết nối liên vùng và cả nội vùng
Tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường cho rằng, cần đẩy mạnh việc kết nối liên vùng thông qua kết nối kinh tế và kết nối hạ tầng, đặc biệt là kết nối với TP HCM của vùng ĐBSCL. Theo ông Cường, việc kết nối này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120.
Các khách mời dự tọa đàm của Cổng thông tin điện tử Chính phủ. |
Trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa, phát triển của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL, việc kết nối bao gồm việc xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp lớn, các đô thị… để giải quyết bài toán tổng thể của vùng.
Quốc hội, Chính phủ vừa qua đã rất quan tâm triển khai các dự án kết nối, nhất là các dự án giao thông, xây dựng cầu như tuyến cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre – Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh – Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự…; các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng gồm có đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu…
Các hoạt động kết nối này đã tính toán tổng thể trên cơ sở tận dụng lợi thế của vùng. TP HCM ký kết hợp tác với 13 tỉnh ĐBSCL để thực hiện kết nối kinh tế, kết nối giao thông, đưa sản phẩm dịch vụ của ĐBSCL đến TP HCM ra quốc tế. Các doanh nghiệp TP HCM cũng ký kết hợp tác các tỉnh ĐBSCL với 1.165 dự án, trị giá 280 nghìn tỷ đồng để hình thành mạng lưới sản xuất – tiêu thụ nội địa và đi ra thế giới.
GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, thì cho rằng, việc liên kết ngành, liên vùng với TP HCM để trao đổi về vốn, con người, công nghệ là rất quan trọng. Tuy nhiên, chỉ liên kết với TP HCM, với Đông Nam Bộ là chưa đủ cho vùng, ĐBSCL cần có liên kết nội vùng trong chính ĐBSCL để thu hút hơn nữa nguồn vốn, con người.
“Do ĐBSCL chưa có trung tâm để biến trung tâm này thành nơi phát triển, thu hút được nguồn vốn, con người, mà có thể chọn Cần Thơ hoặc bất kỳ nơi nào cũng được. Hơn nữa, các tỉnh ĐBSCL giống nhau nhiều quá, chỉ có lúa, thủy sản, cây ăn trái… thì trong quy hoạch cần xác định rõ nơi nào có thế mạnh hơn sẽ tập trung phát triển, như thế liên kết mới tốt hơn”, GS Thục đề xuất.