Gỡ bỏ trang web giả mạo, phạt nghiêm người cung cấp thông tin xấu độc
Về vấn đề ngăn chặn thông tin xấu độc, nói xấu bất hợp pháp, kích động thù hằn... trên mạng internet, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là nước có số lượng người dùng mạng xã hội thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Ở Việt Nam, các thế lực thù địch, bất lương (có nguồn gốc từ nước ngoài) sử dụng triệt để mạng xã hội nhằm bôi nhọ chế độ, lãnh đạo, nói xấu, công kích lẫn nhau, đưa tin "bỏng mắt", "đắng lòng"... làm nhiễu thông tin, tung tin giả, phát ngôn thiếu chuẩn mực, kích động hằn thù...
Để ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, đồng thời với việc hoàn thiện thể chế (ban hành Thông tư 38), các cơ quan chức năng đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... để "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu"; xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân); đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 clip xấu độc trên kênh youtube. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Facebook gỡ bỏ những trang giả mạo. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Xử lý nhà mạng nếu không dẹp được sim rác
Trước chất vấn về nạn tin nhắn rác và sim rác, Bộ trưởng TT&TT thừa nhận sim rác, tin nhắn rác là một vấn nạn. Bản thân ông cũng là nạn nhân của sim rác.
Theo Bộ trưởng, xét về bản chất, nguồn gốc của tin nhắn rác là do bán sim điện thoại trả trước tràn lan. Ở nước ngoài, muốn mua sim trả trước để sử dụng rất khó khăn, chứ không phải muốn mua bao nhiêu cũng được như ở Việt Nam. Việc này cho thấy sự thiếu quản lý nghiêm túc của các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan, trong đó có trách nhiệm của ngành thông tin truyền thông và trách nhiệm của ông.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, dù vấn nạn sim rác, tin nhắn rác đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để vì xuất phát từ lợi ích của nhiều bên gồm: nhà mạng, đại lý và cả người sử dụng. Nhà mạng được hưởng lợi vì giúp phát triển số lượng thuê bao.
Ông cho rằng ở góc độ quản lý nhà nước, tình trạng sim rác làm lãng phí nguồn tài nguyên kho số quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin.
Thời gian qua, Bộ cũng triển khai giải pháp thu hồi sim rác, sim 11 số. Từ 10/2016 đến nay Bộ đã thu hồi được 20 triệu sim rác, khuyến khích sim trả sau, giảm số lượng sim trả trước. Tuy nhiên, cách làm chỉ thu gom xử lý khi đã tràn lan, xử lý các đại lý không hiệu quả. Do vậy, Bộ chặn đầu ra từ nhà mạng.
"Người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông sẽ bị xử lý nếu không giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau...
Phân rõ trách nhiệm từng cơ quan trong bảo đảm an ninh mạng
Về an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua vấn đề này diễn biến khá phức tạp.
Theo Bộ trưởng, an toàn an ninh mạng là chủ đề nóng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm vì độ phức tạp, tinh vi của tội phạm ngày càng cao...
Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; cơ chế phối hợp xử lý sự cố; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực; đảm bảo cơ sở vật chất; hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cảnh báo, bảo đảm an toàn kỹ thuật...