Ai cũng biết, chúng ta đang lộ BMNN một cách đáng báo động. Trước khi Quốc hội thảo luận Luật Bảo vệ BMNN, chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ BMNN. Theo Tờ trình nêu, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất BMNN. Trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Hình thức lộ, mất BMNN chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế...
Khi nói về nguyên nhân, Tờ trình nêu do hệ thống pháp luật về bảo vệ BMNN còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động.
Rõ ràng, để lộ, mất BMNN thì phải xử lý; nhưng dù được xử lý “tới nơi, tới chốn” thì với thực trạng lộ, mất BMNN như hiện nay “xử cho được” cũng rất vất vả, tốn kém công sức, tiền bạc.
Cách đây 17 năm Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Bảo vệ BMNN (Số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000) và 15 năm Chính phủ có Nghị định Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ BMNN (Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002). Thời gian đã quá lâu so với yêu cầu mới về bảo vệ BMNN.
Vấn đề là bảo vệ BMNN trong môi trường “kỷ nguyên số” và “kỷ nguyên mạng xã hội” như thế nào? Xin nói thêm, trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến bảo vệ BMNN trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng; nhưng hiện nay những BMNN về kinh tế (không chỉ đối với một quốc gia mà ngay cả đối với các tổ chức kinh tế) đã trở nên hết sức quan trọng.
Không chỉ lộ bí mật qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế chung chung; mà phải hiểu cụ thể, các cơ quan tình báo nước ngoài khai thác một cách triệt để các thông tin BMNN rò rỉ qua hội nghị, tọa đàm, hội thảo, gợi hỏi... thông qua các quan hệ ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân tưởng chừng như chỉ “tay bắt mặt mừng”. Kiểm soát, ngăn chặn lộ, mất BMNN hiện nay khó hơn bao giờ hết. Vấn đề là thông qua Luật Bảo vệ BMNN (nâng Pháp lệnh lên cấp độ Luật) có thực sự tạo ra “khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc” hay không?
So với Pháp lệnh trước đây, Luật Bảo vệ BMNN có nhiều điểm mới, trong đó có việc xác định BMNN là thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, vấn đề “mấu chốt” thì Luật được thông qua không phải ở chỗ các điều, khoản mà là ở chỗ hiểu biết, giác ngộ, trách nhiệm và ý thức của cán bộ, đảng viên; trách nhiệm và ý thức công dân đối với các vấn đề an nguy của đất nước.
Phải nâng cao giác ngộ, ý thức và kỹ năng về bảo vệ BMNN.