Bí ẩn phía sau con số 60% án mạng gia đình

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Trong buổi họp báo ngày 6/1/2014, Công an Hà Nội công bố con số khiến nhiều người giật mình: 60% án mạng năm 2014 trên địa bàn Thủ đô do mâu thuẫn bộc phát trong gia đình. Phía sau con số này, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trường Đào tạo kỹ năng sống và phát triển tư duy, Hà Nội), có nhiều điều đáng nói.

Thiếu sự lắng nghe, thấu hiểu

Bà có đánh giá thế nào về tỷ lệ gây án do mâu thuẫn bộc phát trong gia đình ở Hà Nội?
Quả thật rất đau lòng. Nó không chỉ thể hiện cuộc sống đầy bạo lực mà còn thể hiện một phần giá trị truyền thống bị băng hoại, đạo đức lối sống xuống cấp, giá trị xã hội đảo lộn.
Trong một xã hội ngày càng văn minh, phát triển mà lẩn khuất cuộc sống vẫn xảy ra những bi kịch đau lòng là điều đáng báo động. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội được đánh giá văn minh, phát triển, có chiều sâu văn hóa truyền thống bậc nhất Việt Nam. Vì thế, tỷ lệ 60% án mạng xảy ra do mâu thuẫn gia đình lại càng là điều đáng suy nghĩ, trăn trở.
Nhiều án mạng xảy ra giữa các cặp vợ chồng. Tại sao những người từng “đầu gối tay ấp” lại có ngày ra tay sát hại lẫn nhau?
Đa số các trường hợp vợ chồng sát hại nhau không có động cơ từ trước, đơn giản chỉ là hành động bộc phát trong lúc nóng giận, không kiềm chế được bản thân.
Mới đây nhất ở Hà Nội có vụ xảy ra ngày 19/12/2014 tại ngõ 126 Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) là trường hợp điển hình. Vợ chồng cùng 24 tuổi, cưới nhau được khoảng hai năm, có con gần một tuổi; gia đình gia giáo, bố cán bộ nhà nước, mẹ công tác trong trường học. Hàng xóm nhìn vào đôi vợ chồng trẻ ai cũng nghĩ họ hạnh phúc, đi đâu cũng khoác tay nhau nói cười.
Vậy mà trong một lần cãi lộn trong phòng riêng, vợ nóng giận buột miệng nói chỉ sống với nhau 2 - 3 năm nữa sẽ bỏ đi chỗ khác. Anh chồng nghe vậy không kiềm chế được bản thân liền dùng chân ghế gỗ đánh vợ đến tắt thở.  
Câu chuyện đau lòng trên thể hiện rõ tính cách hiếu thắng, nóng nảy, không “thấu hiểu” của người chồng. Anh ta cứ nghĩ vợ nói “2 – 3 năm nữa bỏ đi” là thật. Đáng ra người chồng phải bình tĩnh, nhận ra rằng trong lúc nóng giận thì vợ nói vậy, sự thật không làm vậy.
Việc anh chồng không hiểu đúng câu nói của vợ khiến nhận thức tiêu cực, dẫn đến thái độ, hành vi tiêu cực. Nói cách khác, khả năng lắng nghe, thấu hiểu của người chồng rất kém nên nóng nảy, tức thời sát hại vợ.
Đàn ông ngoài tính hiếu thắng còn tính sĩ diện dẫn đến ghen tuông mù quáng. Nhiều trường hợp vì quá yêu vợ, nuông chiều nhưng lại phát hiện vợ ngoại tình. Trong lúc bị “sốc”, không kiềm chế được cũng dẫn đến án mạng.
Lời lẽ châm chọc, khích tướng
Trong các vụ án, thường thấy thủ phạm là người chồng nhiều hơn. Bà lí giải như thế nào về điều này?
Đặc điểm giới tính quy định đàn ông thường mạnh mẽ, manh động hơn phụ nữ. Đàn ông thường kém kiểm soát cơn nóng giận hơn, trong khi phụ nữ quen cam chịu nên ít xảy ra hành động bộc phát hơn so với đàn ông.
Nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến việc những người ruột thịt thân thiết từng chia ngọt sẻ bùi lại khích tướng, xúc phạm nhau dẫn đến giết người?
Do nhu cầu về vật chất và tinh thần không đáp ứng đủ cho nhau. Cuộc sống thành thị nhiều áp lực, tiền bạc vật chất có vị trí quan trọng. Nhiều trường hợp vì thiếu tiền sinh hoạt, tiêu xài mà vợ chồng xích mích, dẫn đến mâu thuẫn. Cũng có trường hợp vật chất đầy đủ nhưng vợ chồng lại thiếu quan tâm, chia sẻ dẫn đến ngoại tình, mâu thuẫn xảy ra. Thiên chức làm vợ, làm chồng ngoài biết chăm lo con cái, gia đình, còn phải biết chia sẻ, động viên lẫn nhau những niềm vui nỗi buồn. Vợ chồng mà thiếu chia sẻ sẽ dẫn đến nhàm chán, ngoại tình dẫn đến mâu thuẫn, đổ vỡ.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.
 Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.
Còn đối với trường hợp bố con, anh chị em mâu thuẫn?
Những án mạng thuộc các trường hợp trên thường xuất phát từ tranh chấp tài sản, đất cát. Nói cách khác là xuất phát từ lòng tham, đố kỵ. Quan niệm thừa kế của đa số người dân Việt Nam không chuẩn, thiếu công bằng. Thường thì anh được ưu tiên hơn em; hoặc có trường hợp ai đối xử tốt với cha thì được chia nhiều, có người không được chia; cách chia tài sản không rõ ràng, nói bằng miệng, rồi thay đổi. Từ việc phân chia tài sản không đều, lòng tham con người nổi lên để đấu tranh công bằng. Người Việt vốn có tính căn ke, chi li, tiết kiệm, thấy quyền lợi bị ảnh hưởng, dù nhỏ nhưng nhất quyết không chịu thiệt, không rộng lượng nhường nhịn dẫn đến anh em bất hòa, mâu thuẫn.
Ngoài ra còn có tính xấu là khích bác. Nhiều trường hợp khi mâu thuẫn xảy ra, hàng xóm bàn tán, chén rượu vào rồi xúm lại đả kích, khích tướng người trong cuộc. Do nhận thức không đầy đủ, những lời kích động này sẽ làm tăng thêm mâu thuẫn, khó hòa giải.
Quan niệm sai lầm “chuyện riêng của gia đình”
Đoàn thể, chính quyền địa phương có trách nhiệm gì trong việc để xảy ra nhiều án mạng trong gia đình?
Bộ máy tổ chức chính quyền nước ta đến tận từng khu phố đều có ban hòa giải và nhiều đoàn hội như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… Chính quyền và đoàn thể có trách nhiệm xây dựng đời sống đoàn kết ở khu dân cư; khi có tiêu cực thì tổ chức hòa giải, giải quyết. Tuy nhiên, một số nơi, đoàn thể, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt vai trò.
Thêm một tâm lí rất đáng phê phán hiện nay cho rằng chuyện vợ chồng, anh em là chuyện riêng gia đình nên không can thiệp triệt để. Do đó nhiều người trở thành nạn nhân bạo hành mà không biết kêu ai.
Nhiều vụ tranh chấp tài sản được đưa lên chính quyền địa phương, tòa án nhưng cách giải quyết rườm rà, thiếu trách nhiệm. Nhiều vụ công lý không được thực thi khiến người dân nảy sinh tâm lí không tin tưởng đưa sự việc ra chính quyền mà tự phát giải quyết mâu thuẫn.
Việc chính quyền không can thiệp kịp thời vào vấn đề tranh chấp, để người dân tự phát giải quyết mâu thuẫn cũng khiến nhiều vụ án xảy ra.
Một số vụ khi có hậu quả thì công an, chính quyền mới vào cuộc xử lí. Nếu các mâu thuẫn được giải quyết từ khi mới bắt đầu manh nha thì nhiều hậu quả đau lòng đã không xảy ra.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Ngày 6/1, Công an Hà Nội cho hay trong năm 2014 trên địa bàn, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều giảm. Dù tội phạm được kiềm chế, song theo Công an Hà Nội còn tiềm ẩn việc giết người do xung đột, mâu thuẫn tức thời trong đời sống sinh hoạt, nhất là sát hại người cùng gia đình (chiếm hơn 60% số vụ giết người).

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.