Tích xưa kể lại
Giữa Thủ đô Hà Nội sầm uất, không ai nghĩ ngõ 88, phố Giáp Nhị lại ẩn chứa bên trong những câu chuyện đã ngủ yên hàng thế kỷ mà chỉ người dân “bản địa” mới biết được. Đó là tích truyện “Bùi Đông lập ấp”, kể về sự thành lập của phố Giáp Nhị, hay còn được biết đến với tên xóm Cổ Ngự.
Anh Bùi Tuấn Tài - hậu duệ đời thứ mười bốn của dòng họ Bùi cho biết, phần lớn những người ở xóm Cổ Ngự, làng Cổ Liệt, nay là phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt,… đều thuộc dòng họ Bùi. Đây là một dòng họ cổ xưa, cùng với họ Nguyễn ở Giáp Tứ, họ Đặng, họ Lê ở Giáp Lục và một số họ khác, đã lập nên làng Cổ Liệt.
Anh Bùi Tuấn Tài kể lại, cách đây hàng trăm năm, có lẽ phải từ thời nhà Hồ (1400 - 1407), một chi nhỏ của dòng họ Bùi Phổ tại Thanh Hóa có công với đất nước và được ban đất ở Định Công - Hà Nội. Nhưng có ông thầy địa lý đã tình cờ gặp gỡ những người dòng họ Bùi và hỏi họ: “Muốn làm quan hay làm vua”. Với mong muốn là bề tôi trung thành phục vụ đất nước, họ xin được làm quan và chuyển về sinh sống, đặt mồ mả ở làng Cổ Liệt, xóm Cổ Ngự.
Thực tế, chỉ cần đến phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, có thể dễ dàng tìm thấy mộ của những danh nhân họ Bùi. Như mộ của Bùi Xương Trạch hiện vẫn được chăm sóc và gìn giữ cẩn thận. Bùi Xương Trạch là một vị quan nổi tiếng sống ở thời Lê Thánh Tông (Lê sơ), đã làm đến chức Tế Tửu Quốc Tử Giám, tương đương với hiệu trưởng trường đại học thời nay.
Ngoài Bùi Xương Trạch, còn có ngôi mộ của Bùi Huy Bích, vẫn nguyên vẹn và tồn tại song song với nhà người dân trong một con ngõ nhỏ. Bùi Huy Bích sống ở thời Lê trung hưng, ông là một danh nhân, danh sĩ nổi tiếng với hiệu Tồn Am, đến nay các áng thơ văn của ông vẫn được người đời sau biết đến. Tên tuổi của họ, hiện vẫn còn lưu danh tại các bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tuy nhiên, đến với ngõ 88, phố Giáp Nhị, không chỉ có những ngôi mộ của dòng họ Bùi. Mà còn có cả họ Lê, họ Đặng, họ Phạm, họ Nguyễn. Bởi trong làng Cổ Liệt trước đây, có rất nhiều thôn (xưa được gọi là Giáp) ví như dòng họ Nguyễn Trọng ở Giáp Tứ trước kia rất giàu và có truyền thống khoa bảng. Hay ở Giáp Lục có dòng họ Đặng là họ của Thái phi Đặng Thị Ngọc Dao mẹ đẻ của Tây Vương Trịnh Tráng, và dòng họ Lê “phát” về đường quan võ, nổi tiếng nhất có Lê Bá Ly thời nhà Mạc.
Các dòng họ này, liên hôn với nhau, lâu dần, có sự hòa trộn giữa con cháu trong các Giáp. Vì vậy, khi đến con ngõ 88, phường Giáp Nhị, không khó để bắt gặp những ngôi mộ có tuổi đời hàng trăm năm với các dòng họ khác nhau, vẫn được con cháu trong làng chăm sóc cẩn thận.
“Âm dương” chung sống
Đi dọc ngõ 88, phường Giáp Nhị hiện nay, còn hàng chục ngôi mộ nằm rải rác, kề cận bên cạnh những căn nhà, hàng quán. Người dân ở đây vẫn chung sống, sinh hoạt bình thường. Thậm chí, người trong làng, còn giúp nhau chăm sóc mồ mả của những gia đình đã chuyển đi, hoặc không ở gần mộ tổ tiên nhà họ.
Cô Hường - một công nhân viên chức về hưu, cho biết: “Tôi là người làng khác, nhưng lấy chồng thuộc dòng họ Lê ở Giáp Nhị”. Hiện tại, dòng họ nhà chồng của cô vẫn còn ngôi mộ tổ rất to ở sâu trong ngõ. Cô Hường chia sẻ, trước kia, nơi đây phần lớn là ruộng đất hoang vắng, nên việc xây mồ mả không ai quản lý: “Bên ngoài này, đất cao thì các cụ chọn làm mộ”. Theo quan niệm của các cụ, mộ phải chôn ở nơi cao, bằng phẳng, chứ không được chọn chỗ trũng, nhiều nước đọng.
Cô Hường tâm sự, việc sống chung với các ngôi mộ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân nơi đây: “Chúng tôi đã quen rồi. Hơn nữa, các “cụ” ở đây rất lành, nên không có những hiện tượng tâm linh đáng sợ nào xảy ra”. Đồng ý với cô Hường, cô Bùi Thị Tuất – Tổ phó tổ 13 (phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt) nói rằng các ngôi mộ ở đây đã có cả trăm năm, hiện giờ chỉ còn lại “cát bụi”. Cho nên, người dân vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng vào ngày rằm, mùng một sẽ thắp nén hương để tỏ lòng thành kính với người đã khuất: “Nếu ai có lòng, thì sẽ thêm các vật phẩm tùy tâm”.
Ngày rằm, mùng một, người dân sẽ thắp nén hương bày tỏ lòng kính trọng những người đã khuất. |
Thực tế, đi khảo sát xung quanh ngõ 88, phố Giáp Nhị, có thể thấy, nhà người dân san sát những ngôi mộ. Như nhà cô Nga (đã đổi tên nhân vật), có hai vợ chồng sinh sống, phía trước nhà giáp con đường. Nhưng ngay phía sau nhà, thông qua một cánh cửa nhỏ ở khu vệ sinh, chính là nghĩa trang của dòng họ Bùi, cách không xa là mộ của Bùi Huy Bích. Tất cả chỉ được ngăn bằng một cánh cửa gỗ mỏng.
Cô Nga chia sẻ: “Tôi đã sống ở đây cả chục năm và không thấy có bất cứ vấn đề tâm linh nào xảy ra”. Ngay bản thân trẻ con trong làng, cũng hồn nhiên, vui chơi, nô đùa, dù bên cạnh là những ngôi mộ cổ với tuổi đời gấp nhiều lần các em. Cô Bùi Thị Tuất cho biết: “Trẻ con thấy người lớn kính trọng những người đã khuất, thì các cháu cũng làm theo, không sợ các ngôi mộ, nhưng cũng không leo trèo, nghịch ngợm”.
Thậm chí, khi được hỏi, nhiều người trong làng còn khẳng định, họ thường thắp hương, hoa quả và chăm sóc các ngôi mộ. Điều này, giúp họ làm ăn, buôn bán thuận lợi hơn. Cho nên, cứ đến những ngày mùng một, mười lăm, đầu năm mới hoặc các ngày quan trọng, họ lại kính cẩn dâng những nén nhang để cầu mong may mắn trong việc kinh doanh, buôn bán.
Vẫn còn những bất tiện
Cô Bùi Thị Tuất - Tổ phó tổ 13 cho biết, thực tế, có nhiều người dân mong muốn được di chuyển những ngôi mộ đi nơi khác: “Chúng tôi mong muốn có thêm đất để sinh hoạt, buôn bán, làm ăn”. Bản thân gia đình nhà cô Tuất cũng ở cạnh ba ngôi mộ cổ từ thế kỷ 19, 20. Cô rất mong muốn, những ngôi mộ sẽ được nhà nước hỗ trợ, để di chuyển và đền bù cho người dân một cách hợp lý nhất.
Cô Tuất cho biết vẫn còn nhiều bất tiện khi chung sống cùng các ngôi mộ cổ. (nguồn: Bùi Thị Tuất) |
Ông Đoàn Tự Lộc - Tổ trưởng tổ 13, cũng chia sẻ, hiện tại, ở ngõ 88, phố Giáp Nhị có khoảng trên dưới ba mươi ngôi mộ cổ, không tính đến hai nghĩa trang nằm ở trong phường. Những ngôi mộ này đã tồn tại hàng trăm năm, ở một số dòng họ, con cháu cũng đã chuyển đi sống ở nơi khác. Mặc dù, không xảy ra những câu chuyện tâm linh, nhưng việc “người âm” chung sống với “người dương” cũng có nhiều bất lợi.
Ví dụ như giá nhà đất ở ngõ 88, phố Giáp Nhị, bao giờ cũng hạ xuống từ 30-40% so với giá thật trên thị trường. Trò chuyện với anh T đang rao bán một căn nhà 30m2, năm tầng, với đường đi thuận lợi, sổ đỏ chính chủ có giá hơn ba tỷ, trong khi cũng ở quận Hoàng Mai, theo tìm hiểu, có những ngôi nhà 30m2, trong diện chờ sổ, với cơ sở hạ tầng kém hơn, cũng có giá ngang bằng nhà anh T ở ngõ 88, phố Giáp Nhị.
Giá nhà đất ở ngõ 88, phố Giáp Nhị thấp hơn 30-40% so với thị trường. (nguồn: Tuấn Khải) |
Chính vì vậy, có không ít người dân sinh sống ở khu vực này cho biết, dù đã ở bên cạnh các ngôi mộ cổ cả chục năm, nhưng vẫn có những bất tiện mà họ không thể tránh khỏi. Ông Đoàn Tự Lộc - Tổ trưởng tổ 13 nói: “Việc di dời những ngôi mộ vào nghĩa trang của quận là vô cùng khó khăn. Hiện nay, nghĩa trang đã kín chỗ, không còn “suất” để cho những ngôi mộ cổ này vào nữa”. Còn việc di dời đi đến những nơi khác, vẫn đang là một câu hỏi khó đối với các dòng họ lâu đời ở con ngõ này. Vì theo họ, đây không chỉ là những ngôi mộ bình thường, mà còn là mộ tổ và mộ của các danh nhân nổi tiếng Việt Nam đã được nhà nước công nhận. Cho nên, không thể chuyển các ngôi mộ một đi cách bừa bãi.
Làng Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét. Tên cổ nhất của làng ở thế kỷ XV là Cổ Liệt. Xa xưa, Thịnh Liệt có 9 Giáp, từ Giáp Nhất đến Giáp Cửu. Tại đây tồn tại rất nhiều dòng họ lâu đời như Giáp Nhị - Bùi Đông; Giáp Tam - Đỗ Trung; Giáp Tứ - Đỗ Nội; Giáp Thất - Lê thôn... Phần lớn người trong các Giáp sau khi mất sẽ được chôn cất ngay trong làng. Đến thời kỳ cách mạng ruộng đất, mỗi gia đình chỉ còn giữ lại phần đất mộ của tổ tiên và đất dùng để sinh hoạt.