Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo như vậy tại Hội thảo “Tăng cường thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) , Đề án 1816 nhằm góp phần giảm quá tải BV” vừa được tổ chức hôm qua - 30/5.
Quá tải tại Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai |
Bệnh nhân vẫn ùn ùn kéo lên tuyến trên
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đáng ra tuyến trên phải rảnh rang để nghiên cứu, triển khai kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu cho những bệnh nhân (BN) nặng do tuyến dưới chuyển lên; tuyến dưới thì đảm bảo công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Thế nhưng có một nghịch lý là: BN lại cứ ùn ùn kéo lên trên dẫn đến tình trạng phải nằm ghép 4-6 người/giường, nằm dưới gầm giường, nằm ngoài hành lang..., còn nhiều cơ sở tuyến dưới được đầu tư khang trang, trang thiết bị hiện đại thì lại không có BN.
“Đi thăm BV, tôi thấy ngại vô cùng. Ký công nhận BV xuất sắc toàn diện tôi cũng không dám ký. Để tình trạng nằm ghép này là lỗi do đâu, chúng ta hay bệnh nhân?. Đó là do chúng ta, do BV chưa tốt…”, bà Tiến chia sẻ.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận xét: Sau một thời gian luân chuyển cán bộ xuống hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở đã đạt được những kết quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, “phải cam kết, sao cho những kỹ thuật mà tuyến trên đã chuyển giao thì sau đó, BN mắc bệnh đó sẽ không phải chuyển lên tuyến trên nữa, chứ nếu vẫn còn tình trạng BN phải chuyển tuyến thì cần BVVT và luân chuyển cán bộ làm gì nữa”, Bộ trưởng khẳng định.
Lồng ghép 1816 và BVVT để giảm tải BV…
Theo Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Danh Linh, GĐ BVĐK Nghệ An, đến nay BV đã làm được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu nhưng vẫn chưa thoát được tình trạng quá tải, trong khi nhiều cơ sở khám chữa bệnh thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa của địa phương lại không có BN.
“Người bị đau đầu, sổ mũi cũng kéo lên T.Ư điều trị, trong khi BN nặng đáng phải chuyển thì lại không chuyển được. Vô lý quá!” – ông bức xúc. Theo Bác sỹ Linh, để hai Đề án trên thành công cũng như mục đích giảm tải BV đạt được thì phải thực hiện đồng bộ các khâu: Chuyển giao kỹ thuật; trang thiết bị, máy móc và chính sách phù hợp.
Đối với Đề án BVVT, Bác sỹ Linh cho rằng, tuy được hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ tuyến TƯ nhưng BV tỉnh không thể lo cho BV huyện được vì cán bộ không có, 1 BS làm 2, 3 chuyên khoa, các cán bộ quản lý thì bận đi họp các chương trình mục tiêu quốc gia, không có thời gian khám bệnh và tiếp nhận hỗ trợ.
Từ các ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra đề xuất: Tới đây sẽ nghiên cứu, xem xét lồng ghép hai Đề án này làm một. Dự kiến, một hệ thống BV tuyến tỉnh sẽ trở thành vệ tinh của BV TƯ. Trước mắt ưu tiên phát triển các chuyên khoa nội, ngoại, tim mạch, ung bướu và sản nhi (giai đoạn 2012-2015).
Sang giai đoạn tiếp theo, Bộ Y tế sẽ phê duyệt cụ thể việc thành lập các chuyên khoa này, đồng thời nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, cơ sở hạ tầng (BVTƯ thì từ nguồn ODA; BV địa phương thì từ vốn đối ứng, rồi bảo hiểm y tế). Tiêu chí lựa chọn, theo bà Tiến: Đầu tiên là BV tỉnh, vùng, tiếp đó sẽ đầu tư vào BV huyện và các vệ tinh của BV tỉnh và các chuyên khoa khác (nội tiết, tiêu hóa…) với mục tiêu đề ra là: “Tỷ lệ BN chuyển tuyến phải giảm và chất lượng khám chữa bệnh phải tăng”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tuyến trên hỗ trợ cho tuyến dưới cũng phải có hợp đồng cụ thể. Ví dụ: Muốn chuyển giao điều trị sinh thiết khối u bỏng phải có kết quả và có kinh phí để thực hiện. Muốn làm được thì phải khảo sát về trang thiết bị, con người… xem có đảm nhiệm được không. Chuyển giao công nghệ thì không chỉ kỹ thuật mới, mà chuyển giao tất cả (từ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị đến quản lý BV, thậm chí đổi mới cơ chế tài chính, cận lâm sàng…), mà phải chuyển giao một cách thường xuyên, chuyển giao cái người ta cần… |
Trà Long