Bệnh án giả và câu chuyện bệnh nhân mở động “bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

Bệnh án giả và câu chuyện bệnh nhân mở động “bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự kiện "động trời" xảy ra ở bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khiến người ta nhớ tới một vụ án khó tin nhưng có thật, khi cơ quan điều tra phát hiện 78 bệnh án tâm thần được làm giả, trong đó có 41 bệnh án  của các đối tượng giang hồ nhằm giúp các đối tượng vi phạm pháp luật trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Với bệnh án tâm thần, Nguyễn Xuân Quý (Thanh Trì – Hà Nội) đã ung dung ở bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để trị bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn bán ma túy. Tuy nhiên, điều khó tin là chính tại Bệnh viện Tâm thần, Quý đã biến phòng bệnh thành nơi trao đổi, buôn bán ma túy, thành động “bay lắc” có sự tham gia của bạn bè bên ngoài, thậm chí là cả bác sỹ trong bệnh viện.

Sự kiện "động trời" xảy ra ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khiến người ta nhớ tới một vụ án khó tin nhưng có thật, khi cơ quan điều tra phát hiện 78 bệnh án tâm thần được làm giả, trong đó có 41 bệnh án  của các đối tượng giang hồ nhằm giúp các đối tượng vi phạm pháp luật trốn tránh trách nhiệm hình sự.

78 bệnh án giả, 41 bệnh án mang tên các đối tượng “giang hồ”

Cuối tháng 1-2018, một đường dây mua bán bệnh án tâm thần nhằm chạy án hình sự đã bị Công an Thành phố Hà Nội phát giác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Theo hồ sơ vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội phát hiện nhiều đối tượng trong các vụ án hình sự đã làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Manh mối vụ án được lộ diện khi tháng 6/ 2018, đối tượng Lê Thanh Tùng (SN 1986, thường trú ở phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) là đối tượng cầm đầu ổ nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ, băng nhóm thanh toán lẫn nhau, bị bắt.  Sau khi bị bắt,  Tùng đã xuất trình bệnh án tâm thần.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT đã kết luận bệnh án tâm thần của Tùng là giả. Qua quá trình điều tra xác định với số tiền 85 triệu đồng, Tùng đã có hồ sơ bệnh án với kết luận bị “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”.

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 rà soát trong số 94 hồ sơ của bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện,  có 78 hồ sơ được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng “giang hồ”.

Thân Thái Phong - khi bị bắt là Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi - Bệnh viện Tâm thần trung ương 1.
 Thân Thái Phong - khi bị bắt là Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi - Bệnh viện Tâm thần trung ương 1.

Căn cứ tài liệu thu thập, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Thân Thái Phong, Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để  điều tra, xử lý đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần giả cho hàng chục đối tượng hình sự.

Theo Công an thành phố Hà Nội, hành vi của các bác sỹ không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để người phạm tội dùng bệnh án giả để trốn tránh việc xử lý của pháp luật. 

Ngày 19/4/2019, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm vụ án, tuyên phạt bị cáo Phong 10 năm tù về tội nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn bị phạt 30 tháng tù về tội môi giới hối lộ. Bị cáo Lê Thanh Tùng bị phạt 30 tháng tù về tội đưa hối lộ.

Mở động ‘bay lắc’, mời ‘gái dịch vụ” vào buồng điều trị tại bệnh viện

Trở lại với vụ án ổ nhóm ma túy, động bay lắc tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Công an Hà Nội  cho biết, Nguyễn Xuân Quý, có tiền sử bệnh tâm thần, vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I từ tháng 11-2018. Trong thời gian điều trị, Quý nhiều lần ra khỏi bệnh viện, đầu tháng 1-2021 bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện để điều trị.

Kết quả điều tra xác định do thời gian ở bệnh viện lâu, Quý đã tạo quan hệ thân thiết với một số cán bộ tại đây và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Quý đã cải tạo phòng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Các trinh sát còn phát hiện Quý cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện sử dụng ma túy ngay tại đây. Thậm chí Quý còn đưa cả những cô gái làm "dịch vụ" đến đây để cùng sử dụng ma túy.

Không những thế, Quý còn tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện. Những người đến mua ma túy thường giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân để thực hiện các giao dịch mua bán ma túy.

Quý không trực tiếp đưa "hàng", mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn ở khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong bệnh viện, rồi ném ma túy qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống.

Để tránh bị phát hiện, Quý bố trí Nguyễn Trung Nguyên và Nguyễn Công Thường ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng bệnh viện làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy.

Quý khéo miêng, nhưng sẽ dọa nếu không được chiều?

Về phía Bệnh viện, họ lý giải ra sao khi để một "con bệnh" tổ chức buôn bán ma túy, mở động "bay lắc" ngay trong phòng bệnh?

Một bác sĩ điều trị tại Khoa phục hồi chức năng cho biết, bình thường đối tượng Quý là người rất “khéo miệng”, lễ phép chào hỏi các bác sĩ, điều dưỡng nên không bị mất lòng ai.

Tuy nhiên, nếu không chiều theo ý đối tượng này thì Quý sẽ đe doạ. Việc Quý không bị phát hiện khi tàng trữ số lượng ma tuý lớn tại phòng bệnh, vị này cho hay đối tượng khá tinh vi khi cất giấu trong "hộp chè, hộp mứt, trần nhà".

“Có nhiều người vào thăm Quý, họ giả làm người nhà bệnh nhân rồi mang ma tuý nên chúng tôi không hề hay biết. Nhiều khi hỏi gì bệnh nhân này vừa nịnh, vừa doạ con chị học trường nào, cái xe chị để kia, xe chị hỏng để trong ấy này... Quý không cần dọa đâu đã tự mình phải sợ rồi", nữ bác sĩ này chia sẻ.

Theo bác sĩ, đối tượng Quý rất nguy hiểm. Chính vì vậy các bác sĩ luôn phải mềm mại để bệnh nhân hợp tác, không chống đối, phá phách. “Những đối tượng này tốt nhất mình mềm mại để họ hợp tác điều trị không họ chống đối, họ trốn viện phá phách”, bác sĩ nói.

Về việc Quý mở phòng hát trong phòng bệnh, nữ bác sĩ cho biết, tại khoa có phòng nhạc dành cho những bệnh nhân tâm thần. Đây cũng là một trong một số liệu pháp điều trị cho bệnh nhân. Lợi dụng việc này, Quý đã lợi dụng  tổ chức “bay lắc” mở tiệc ma tuý trong phòng bệnh mà không ai hay biết.

Trả lời câu hỏi về việc đối tượng Quý bị tâm thần thật hay không, thì nữ bác sĩ cho hay: “Quý là người từng may mắn thoát chết trong vụ tai nạn trong vụ 6 người chết ở huyện Thường Tín vào tháng 10/2016. Đối tượng có lúc bị loạn cảm xúc. Vài ngày bệnh nhân này lại chửi bới 1 lần. Nếu không tâm thần thật sao dùng thuốc được. Người bình thường uống 1 viên đã rất khó chịu rồi còn Quý uống vài viên không sao. Bên cơ quan giám định ngừoi này rối loạn tâm thần thực tổn nên và khoa chỉ điều trị theo quyết định của công an. Rối loạn tâm thần đâu phải mất trí hoàn toàn, có người vẫn học tập vẫn lao động được…”, vị bác sĩ này nói thêm.

Câu chuyện về 78 bệnh án tâm thần giả khiến dư luận đang đặt những câu hỏi rất lớn về  bệnh án tâm thần của Nguyễn Xuân Quý, về cách quản lý, điều trị cho bệnh nhân tâm thần ở Bênh viện Tâm thần Trung ương 1.

Sáng 1/4, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp khẩn xem xét các vấn đề liên quan tới vụ vi phạm pháp luật tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, sau khi Công an Thành phố Hà Nội phát hiện đường dây buôn bán và sử dụng ma túy tại đây. Ngay sau cuộc họp, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ tới làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh. 

Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với Bác sĩ Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý.

Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I hợp tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế yêu cầu tập thể lãnh đạo Bệnh viện tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, rà soát và chấp hành nghiêm các quy định, quy chế quản lý bệnh viện và trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đồng thời, cần ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ nhân viên yên tâm công tác, đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân.

Đọc thêm