Các trợ lý của bà đã từng hai lần phủ nhận các lo ngại này, thậm chí còn nói với nhân viên kỹ thuật rằng “không nên nhắc đến vấn đề này nữa”.
Cơ quan thanh tra cho rằng bà Clinton đã vi phạm các quy định của liên bang về lưu trữ dữ liệu khi chưa hề xin phép thực hiện những trao đổi về công việc trên các máy chủ và thư điện tử cá nhân.
Bằng chứng “tố khổ”
Theo kết quả cuộc điều tra được công bố ngày 24/5, năm 2011, bà Clinton đã từng phải ngừng sử dụng hòm thư điện tử cá nhân tại một số thời điểm nhất định do lo ngại bị tin tặc tấn công, mặc dù bà liên tục khẳng định máy chủ mà bà sử dụng chưa từng bị đột nhập.
Bà Clinton và một số trợ lý cấp cao, gồm Cheryl Mills, Huma Abedin, Cố vấn Chính sách Jake Sullivan và cả Cố vấn Chiến lược Philippe Reines, đều từ chối trả lời chất vất của Tổng thanh tra.
Bà Hillary khẳng định các tin tặc chưa bao giờ xâm nhập được vào máy chủ. Trong khi đó, báo cáo điều tra vừa qua cho biết một trợ lý của bà Clinton đã phải tắt hệ thống mạng vào ngày 9/1/2011, bởi ông cho rằng “có ai đó đang định đột nhập”. Sau đó, ông này còn nói: “Chúng tôi lại bị tấn công, do đó tôi phải tắt (máy chủ) trong một vài phút”.
Ngày hôm sau, một quan chức cấp cao đã khuyên hai trợ lý hàng đầu của bà Clinton không nên gửi “bất kỳ thông tin nhạy cảm nào” qua email cho lãnh đạo của họ, và nói rằng bà có thể “nói rõ hơn khi gặp trực tiếp”.
Các đối thủ của bà Clinton trong cuộc cạnh tranh giành vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã nhanh chóng lấy kết quả của cuộc điều tra làm bằng chứng để chỉ trích bà Clinton, cho rằng bà thiếu trung thực trong việc sử dụng email cá nhân, đồng thời khẳng định cựu Ngoại trưởng Mỹ không đáng tin và không xứng đáng làm tổng thống.
Theo quy định, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ phải sử dụng những máy tính dành cho họ khi thực hiện công việc hàng ngày (mà không được sử dụng những máy tính khác), để tránh gây rủi ro về an ninh.
Người phát ngôn của bà Clinton tuyên bố rằng kết quả điều tra cho thấy việc sử dụng email của bà cũng giống như những gì các quan chức khác trong Bộ Ngoại giao vẫn làm.
Bản phân tích gồm 78 trang cho biết bà Clinton đã phớt lờ những chỉ dẫn rõ ràng, không giao nộp lại toàn bộ email công vụ của Bộ Ngoại giao khi mãn nhiệm, không tuân thủ các quy định của Bộ Ngoại giao được ban hành theo Đạo luật Lưu trữ Liên bang.
Bà Clinton cũng chưa bao giờ khẳng định chiếc điện thoại Blackberry mà bà dùng khi còn giữ chức Ngoại trưởng “đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về đảm bảo an ninh”.
“Hành hạ” ứng viên Tổng thống
Trong năm 2010, bộ phận quản lý thông tin của Bộ Ngoại giao đã hai lần bày tỏ quan ngại về việc sử dụng máy chủ và hòm thư điện tử cá nhân của bà Clinton không đúng quy định theo Đạo luật Lưu trữ Liên bang.
Trả lời chất vấn của cơ quan thanh tra Bộ Ngoại giao, Giám đốc bộ phận này cho biết các chuyên viên pháp lý đã thẩm tra hệ thống email cá nhân của bà Clinton, “và vấn đề này không được đề cập đến nữa”.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người ta chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc cơ quan pháp lý đã xem xét và cho phép bà tiếp tục làm việc này. Các thanh tra cho rằng các yêu cầu tương tự, nếu có, chắc chắn sẽ bị bác bỏ do nguy cơ về an ninh.
Báo cáo điều tra còn đề cập tới việc sử dụng máy chủ và hòm thư điện tử của 5 cựu Ngoại trưởng Mỹ, chỉ ra rằng tất cả những nhân vật này đều “chậm chạp trong việc thực hiện các yêu cầu để đảm bảo an ninh mạng khi sử dụng các thiết bị liên lạc điện tử, đặc biệt trong những trường hợp liên quan đến nhà lãnh đạo cấp cao nhất”.
Ngày 25/5, Brian Fallon - người phát ngôn trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton - tuyên bố việc sử dụng máy chủ cá nhân và hòm thư điện tử của bà Clinton hoàn toàn hợp pháp. Ông nói: “Các tài liệu và thông tin liên quan đến việc sử dụng email của bà Clinton cho thấy bà cũng làm như các bộ trưởng và quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao”.
Báo cáo điều tra cho biết cựu Ngoại trưởng Colin Powell cũng chỉ dùng mỗi tài khoản email cá nhân để làm việc. Tuy nhiên, theo kết luận điều tra, trường hợp của bà Clinton là nghiêm trọng hơn những người tiền nhiệm.
Báo cáo điều tra kết luận: “Trong nhiệm kỳ của Ngoại trưởng Clinton, đơn vị chức năng của Bộ đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và chi tiết hơn. Hoạt động trên mạng của bà Clinton lẽ ra phải theo những chỉ dẫn toàn diện hơn này”.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố hơn 52.000 trang tài liệu ghi lại nội dung các thư điện tử công vụ của bà Clinton, trong đó có cả một số email từng là tuyệt mật. Bà Clinton đã giữ lại hàng nghìn email khác, và nói rằng đó là những email cá nhân. Những người chỉ trích đặt ra câu hỏi rằng máy chủ mà bà sử dụng có phải đã trở thành “một mục tiêu hấp dẫn” cho các tin tặc hay không, đặc biệt là những kẻ cộng tác hoặc làm việc cho các cơ quan tình báo nước ngoài.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã điều tra xem liệu việc sử dụng máy chủ và email cá nhân của bà Clinton có làm lộ các bí mật của chính quyền hay không. Cơ quan này gần đây đã chất vấn các trợ lý hàng đầu của bà Clinton, bao gồm cựu Cố vấn hàng đầu Cheryl Mills và Phó Cố vấn Huma Abedin. Nhiều khả năng bà Clinton cũng sẽ bị chất vấn về vấn đề này.
Bê bối email cá nhân đang khiến cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bối rối. |
Tỷ phú Trump uy hiếp
Trong khi đó, ngày 26/5, tỷ phú Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để chắc chắn được Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tháng 7 tới chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng này tham gia cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 11, trực tiếp trở thành đối thủ nặng ký uy hiếp đường đua của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Nguồn tin từ đảng Cộng hòa cho biết, sau khi 100% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang miền Tây Washington có kết quả, tỷ phú Donald Trump đã giành chiến thắng tuyệt đối và “bỏ túi” trọn vẹn 44 phiếu đại biểu, qua đó nâng tổng số phiếu đại biểu có được lên 1.238 phiếu.
Như vậy, ông Trump đã giành quá 1 phiếu so với mức qui định 1.237 phiếu đại biểu để chắc chắn trở thành ứng cử viên tổng thống của “Những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa).
Cùng ngày, tỷ phú Trump tuyên bố nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ ủng hộ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Canada và Mỹ trước đó đã bị Tổng thống Barack Obama bác bỏ cũng như đảo ngược các chính sách môi trường của chính phủ hiện tại.
Phát biểu với báo giới sau khi tuyên bố giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để chắc chắn được chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử vào Nhà Trắng, ông trùm bất động sản cho rằng dự án đường ống dẫn dầu từ Canada tới Vịnh Mexico "cần được thông qua".
Ông cam kết ủng hộ Keystone XL song cho rằng vì dự án này đòi hỏi chính phủ Mỹ phải sung công đất tư nhân nên Washington cần được chia một phần lợi nhuận từ hoạt động của đường ống dẫn dầu.
Ông Trump cũng tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc đua vào tháng 11 tới, ông sẽ "đảo ngược" các chính sách năng lượng và khí hậu của chính quyền Tổng thống Obama mà ông cho là đang "phá hủy cơ hội việc làm của người Mỹ".
Bên cạnh đó là hủy bỏ cam kết của Washington trong thỏa thuận biến đổi khí hậu ký kết tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015 để ngăn tiền thuế của người Mỹ sử dụng cho các chương trình biến đổi khí hậu của LHQ. Theo ứng cử viên này, nước Mỹ nên độc lập về năng lượng và để thúc đẩy điều này, ông sẽ hỗ trợ ngành công khiệp khai thác dầu mỏ.