Bất ổn an ninh, nước Mỹ quay cuồng đối phó

Sân bay LaGuardia (NewYork, Mỹ) hôm qua - 23/9 đã phải sơ tán hành khách do một chiếc ô tô khả nghi
Sân bay LaGuardia (NewYork, Mỹ) hôm qua - 23/9 đã phải sơ tán hành khách do một chiếc ô tô khả nghi
(PLO) - Các vụ tấn công liên tiếp những ngày gần đây ở Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng bất ổn an ninh tại nước này vào thời điểm nhạy cảm, khi cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần.

Liên tiếp các vụ tấn công

Vào lúc 20h30 ngày 17/9/2016 theo giờ địa phương (khoảng 7h30 sáng 18/9 theo giờ Hà Nội) đã xảy một vụ nổ trước tòa nhà số 131, phố 23, giữa Đại lộ 6 và 7 tại khu vực Chelsea thuộc quận trung tâm Manhattan, thành phố New York (Mỹ) làm 31 người bị thương do một thiết bị nổ được đặt trong một thùng rác.

Cảnh sát đã phát hiện thiết bị nổ thứ hai cách không xa hiện trường vụ nổ tại Chelsea. Đây là thiết bị tự chế, được làm bằng nồi áp suất giống như vụ đánh bom tại giải Marathon ở Boston, bang Massachussett hồi năm 2013. Lực lượng cảnh sát đã vô hiệu hóa được thiết bị nổ bằng nồi áp suất này.

Trước đó cùng ngày, một quả bom đã phát nổ tại công viên Seaside, bang New Jersey và quả bom này cũng được đặt trong một thùng rác. Rất may vụ nổ này không gây thương vong.

Cũng trong ngày 17/9, đã xảy ra vụ tấn công và làm bị thương 8 người bằng dao ở trung tâm mua sắm Crossroads Center ở thành phố St.Cloud thuộc bang Minnesota. Kẻ tấn công Dahir Ahmed Adan, người Mỹ gốc Kenya, đã bị lực lượng cảnh sát nổ súng tiêu diệt.

Ngày 18/9, cơ quan truyền thông RASD có liên hệ với Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng cho biết Adan là một tay súng của IS. Tên này đã tiến hành vụ tấn công nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của IS đẩy mạnh các hành động bạo lực nhằm vào dân thường. 

Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, nhận định vụ đánh bom tại Chelsea là một hành động khủng bố. Kênh truyền hình CNN (Mỹ) dẫn các nguồn tin an ninh cho biết Ahmad Khan Rahami, 28 tuổi, người Mỹ gốc Afghanistan- kẻ tiến hành các vụ nổ tại cả thành phố New York và bang New Jersey - đã bị bắt giữ sau một cuộc đấu súng với cảnh sát tại Linden, bang New Jersey.

Ngày 20/9, cơ quan liên bang Mỹ đã khởi tố nghi can Rahami liên quan tới các vụ đánh bom tại thành phố New York và bang New Jersey. Theo nguồn tin từ tòa án, Rahami bị cáo buộc sử dụng vũ khí gây thiệt hại lớn, đánh bom địa điểm công cộng, phá hoại tài sản bằng cách phóng hỏa hoặc bằng thuốc nổ, sử dụng thiết bị có khả năng tàn phá để thực hiện hành vi bạo lực. 

Trong khi đó, cùng ngày một gói đồ khả nghi được cảnh sát Mỹ phát hiện gần ga tàu ở thành phố Elizabeth, tiểu bang New Jersey đã phát nổ trong khi lực lượng chức năng đang tìm cách tháo gỡ thiết bị này bằng robot.

Theo thông báo của nhà chức trách, trong gói đồ này có 5 thiết bị nổ và một trong số đó đã phát nổ khi các chuyên gia phá bom tiến hành xử lý bằng thiết bị robot. Hiện chưa có thông tin về tình hình thương vong. Thị trưởng thành phố Elizabeth Christian Bollwage khuyến cáo người dân cảnh giác trước các mối đe dọa tương tự. 

Quay cuồng đối phó

Sau hàng loạt vụ khủng bố xảy ra tại Mỹ và nhiều nước khác, chính quyền Mỹ đã có những thay đổi về chính sách an ninh nội địa cũng như cách thức đối phó với cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. 

Washington đã buộc phải thay đổi trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia khi phải đối mặt với một kẻ thù gần như “vô hình”. Hàng loạt vũ khí, trang bị hiện đại bỗng trở nên kém hiệu quả trước đối thủ mới. Bộ An ninh Nội địa Mỹ được cơ cấu lại với quy mô chưa từng có và “ngốn” một khoản kinh phí khổng lồ là 1.000 tỷ USD.

Chính quyền Mỹ cũng ban hành sắc lệnh cho phép Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) được nghe lén điện thoại và bí mật kiểm tra thư tín của những người bị nghi có liên quan đến khủng bố. Hiếm có khi nào quyền tự do của người dân Mỹ lại bị xâm phạm nhiều đến thế và khủng bố được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ. 

Ở ngoài nước, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trên bộ tại Afghanistan và Iraq và chiến dịch không kích tại Syria nhằm xóa bỏ các cứ địa của khủng bố. Hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã được phát động nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố.

Thống kê mới nhất của Lầu Năm Góc cho biết, cuộc chiến chống khủng bố hiện đang tiêu tốn ngân sách của chính phủ Mỹ khoảng 11 triệu USD mỗi ngày. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chi phí tốn kém cho các cuộc chiến chống khủng bố đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế số một thế giới. Ngân sách quốc gia Mỹ từ chỗ có thặng dư lớn vào năm 2000 đến nay bị thâm hụt với con số khổng lồ và hiện tại nợ công của Mỹ đang tiến gần tới ngưỡng 20.000 tỷ USD. 

Chưa thấy an toàn

Sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, hơn một nửa số dân Mỹ vẫn cho rằng nước Mỹ ngày nay kém an toàn và khủng bố là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nước Mỹ đang phải đương đầu. Trên thực tế, thế giới đã phải chứng kiến một nghịch lý là Mỹ càng nỗ lực chống khủng bố thì số vụ tấn công khủng bố với quy mô và mức độ nghiêm trọng càng gia tăng.

Các hoạt động khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp và khó đoán định. IS, đội quân thánh chiến - hiện đang kiểm soát một vùng lãnh thổ trải dài từ Iraq tới Syria - đã lôi kéo hàng chục nghìn phần tử cực đoan tham gia và hoạt động tuyển mộ được chúng thực hiện thông qua việc tuyên truyền trên Internet.

Không những vậy, IS còn tạo lập được các ổ nhóm trên phạm vi toàn thế giới, đứng chân tại các nước bản địa, sẵn sàng nhận lệnh trực tiếp từ IS để thực hiện các vụ tấn công đẫm máu, kể cả theo hình thức “sói đơn độc”. Tại Mỹ, những kẻ khủng bố lấy cảm hứng từ IS có xu hướng lựa chọn những địa điểm nhỏ hơn, an ninh lỏng lẻo hơn để làm mục tiêu tấn công.

Sở dĩ tồn tại nghịch lý “càng chống khủng bố, khủng bố càng mạnh” là do Mỹ cũng như các nước vẫn chưa giải quyết được 3 vấn đề then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố. Thứ nhất, các nước trên thế giới lý giải và hiểu theo nhiều cách khác nhau về quan niệm thế nào là khủng bố. Do cách hiểu và cách lý giải khác nhau nên các nước dùng các tiêu chí khác nhau để xác định một tổ chức nào đó hay một lực lượng nào đó là khủng bố.

Hai là, vì không thống nhất được nhận thức khủng bố xuất phát từ đâu nên chưa thể triệt phá tận gốc căn nguyên sinh ra khủng bố và vì thế hiệu quả chống khủng bố không cao. Ba là, nhiều nước cho rằng, để chống khủng bố, trước hết cần sử dụng lực lượng tình báo, cảnh sát, mật vụ, các biện pháp kinh tế và tuyên truyền vận động.

Thế nhưng, Mỹ lại sử dụng bộ máy quân sự lớn nhất thế giới để chống khủng bố, do đó có không ít ý kiến cho rằng Mỹ mượn cớ chống khủng bố để gia tăng sự hiện diện quân sự tại những địa bàn chiến lược quan trọng như Afghanistan, Iraq, Syria. 

Trước các vụ tấn công liên tiếp tại Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, để tạo được sự đột phá trong cuộc chiến chống khủng bố, điều quan trọng là nước Mỹ cần giải quyết những vấn đề được coi là căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.