Cơn ghen tình mù quáng
“Bị can trong vụ việc khi đó còn đang mê man trong phòng cấp cứu, tất cả thông tin đều được khai thác từ nhân chứng rằng đây là một vụ tự sát vì tình. Thế nhưng, khi đã có một sinh mệnh mất đi thì sự thật không thể dễ dàng chấp thuận như vậy” – Vị giám định viên Viện Pháp y Quốc gia cho hay.
Căn cứ theo nội dung vụ án, mặc dù đã có vợ, có chồng, có con riêng nhưng Lê Văn Tiền và chị Phạm Thị L. (28 tuổi, ngụ xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) vẫn lén lút quan hệ với nhau. Sau một thời gian mặn nồng, chị L. chuẩn bị ly dị với chồng, đồng thời cũng tỏ ý muốn chia tay với Tiền dẫn đến hai bên thường hay cự cãi.
Ngày chị L. đến tòa án nhân dân giải quyết ly hôn với chồng, Tiền sốt sắng đón đưa từ rất sớm. Khi đến nơi, chị L. vào tham dự phiên tòa, còn Tiền ra chợ mua bia, chả lụa cùng 5 gói thuốc chuột với ý định sẽ pha trộn vào thức ăn để bắt chị L. tự tử cùng.
Đến khoảng 11h cùng ngày, Tiền ghé qua tòa án đón chị L. về nhà. Trên đường về, Tiền chở chị L. ghé vào nhà nghỉ để nghỉ trưa. Tối cùng ngày, phát hiện phòng Tiền thuê trọ cửa chỉ khép hờ, chủ phòng trọ liền vào xem thì phát hiện chị L. đã chết, còn Tiền trong tình trạng nguy kịch.
Trước khi được đưa đi cấp cứu, Tiền còn trăng trối với chủ nhà trọ: "Hai vợ chồng con đã uống thuốc tự tử, vợ con chết rồi, còn con sắp chết" rồi cứ thế lịm đi.
Căn cứ vào lời khai của chủ nhà nghỉ, kết hợp với hiện trường vụ án còn vương vãi thuốc chuột và lăn lóc những viên thuốc ngủ, cơ quan giám định không tránh khỏi suy đoán nạn nhân tự tử. Để xác định cụ thể nguyên nhân gây ra cái chết của chị L., các giám định viên đã tập trung lấy mẫu trong dạ dày hòng đưa ra kết luận chính xác nhất. Thế nhưng sự việc lại trở nên phức tạp khi Tiền bị tử thần từ chối. Y tỉnh lại và cung cấp một lời khai hoàn toàn bất ngờ, không như những gì cơ quan chức năng sắp kết luận.
Di ảnh người phụ nữ xấu số |
Hiện trường hỗn loạn đến dấu vết dễ bỏ sót
Để đảm bảo tính khách quan, đội ngũ giám định viên của Viện pháp y Quốc gia được chỉ định trưng cầu giám định lần 2. Với diễn biến phức tạp một phần là ở sự chủ quan của chính cơ quan chức năng khi sớm vội căn cứ vào hiện trường mà thiếu xem xét kỹ lưỡng khiến phát sinh việc khai quật tử thi một lần nữa.
“Do phong tục địa phương là chôn cất tại gia nên khi tác nghiệp, giám sát chúng tôi có cả hàng trăm cặp mắt của người dân địa phương. Hơn nữa, bởi một phần lỗi từ phía cơ quan điều tra nên trọng trách và áp lực của đội giám định lần này cứ tăng lũy tiến theo từng phút” - giám định viên Hồ Kim Châu cho biết thêm.
Với đặc trưng sinh hóa, do đã “mở” một lần nên tử thi xuất hiện dấu hiệu phân hủy khá nhanh. Chưa kể việc khám nghiệm tử thi vào ban ngày lại ở một nơi dư thừa ánh nắng và nhiệt độ như khu vực Trà Vinh cũng gây nhiều bất lợi.
Lần khai quật này cách lần giám định trước chừng 2 tuần nhưng tử thi đã có nhiều biến đổi. Mặc dù vậy, từ kinh nghiệm dày dặn kết hợp với chi tiết “chỉ điểm” trong lời khai, việc phát hiện dấu vết của nguyên nhân thực sự gây ra cái chết cho nạn nhân được xác định nhanh chóng: “tiếp cận phạm vi và mô phỏng lại diễn biến hiện trường lúc xô xát, vết tích tụ máu vì vỡ hồng cầu do lực mạnh gây ra vẫn còn nhưng để chắc chắn và khách quan, việc xác định vi thể là cần thiết”.
Cái kết bi ai
Thường nghe “chết là hết” nhưng thực tế, một vài trường hợp nguyên nhân dẫn đến cái chết mới là yếu tố quyết định cái kết của vụ việc. Trong những câu chuyện mang tính học thuật về chuyên ngành giải phẫu, giám định viên Hồ Kim Châu thường nhắc đi nhắc lại với tôi chuyện “cẩn tắc vô ưu”.
Bởi lẽ, với tâm niệm của mình, ông luôn ý thức được vai trò và trọng trách của pháp y là song hành và phụng sự với sự thật. Ông xem đó là bài học đầu tiên dành cho thế hệ học viên của mình.
Ngồi khá lâu trước tập tài liệu, vị giám định viên vẫn chưa thôi bần thần khi sắp xếp lại trí nhớ về vụ việc diễn ra vào những tháng cuối năm 2010 ấy.
Trong quãng đời giám định viên của mình, ông đã từng trải qua không ít trường hợp “đánh đố” công tác khám nghiệm nhưng có lẽ vụ việc năm đó khiến ông khó lòng quên được. Trước vết tích còn lại trên tử thi thực sự đã không còn dễ dàng nhận thấy nhưng hẳn là còn rất rõ nét đối với lần tiếp xúc tử thi đầu tiên.
Thế nhưng chỉ một chút chủ quan có thể dẫn đến những phát sinh không đáng có và hơn hết là làm rơi rớt ít nhiều niềm tin, sự trung thành trông mong của người dân vào nhiệm vụ phụng sự sự thật của cơ quan chức năng. Để rồi nếu như Tiền không tỉnh lại, không thành khẩn khai báo thì cái chết của chị L. sẽ biến chị từ người đàn bà vắn số thành kẻ mù quáng trong mối tình vốn đã nhiều điều tiếng.
Khi bị tử thần từ chối, Tiền tỉnh lại và thành khẩn khai nhận rằng Tiền nghi ngờ chị L. có người yêu khác mà muốn chia tay với mình nên nhiều lần nảy sinh ý định mua thuốc chuột pha trộn thức ăn cho cả hai cùng chết. Ngày chị L. ly hôn, Tiền đã chủ định làm rõ mọi chuyện nên mua sẵn thuốc chuột.
Tại nhà nghỉ, sau khi yêu đương, chị L. có điện thoại nên ra ngoài phòng nói chuyện khá lâu mới quay vào. Tiền dò hỏi về cuộc điện thoại và nguyên nhân vì sao muốn chia tay với Tiền nhưng chị L. không nói mà chỉ trả lời lấp lửng "Nếu muốn biết, khi chia tay sẽ nói cho biết".
Ghen tuông, Tiền đòi xem điện thoại nhưng bị chị L. từ chối. Bực bội, Tiền liền với tới giật thì bị chị L. chống cự. Cơn cuồng ghen nổi lên, Tiền liền đè chị L. xuống giường, khống chế giật chiếc điện thoại người tình đang cầm trên tay.
Cứ thế, Tiền dùng hai chân và một tay khống chế bóp cổ tình nhân, tay kia giật lấy chiếc điện thoại lục tìm thông tin. Cơn thịnh nộ khiến Tiền mất kiểm soát sức lực, đến khi buông tay ra thì phát hiện người tình đã tử vong từ khi nào không hay.
Khi thấy chị L. đã chết, Tiền lấy 5 gói thuốc chuột đã mua pha cùng với bia uống với ý định chết theo L.. Uống xong, Tiền lên giường nằm cạnh người yêu nhưng lúc sau bị nôn ra. Nghĩ nếu nôn hết ra sẽ không chết, Tiền liền lấy xe chạy ra tiệm thuốc tây gần đó mua 4 vỉ thuốc ngủ trở về phòng trọ uống hết. Thế nhưng tử thần không cho Tiền chết mà bắt Tiền phải đối diện với pháp luật, bắt Tiền phải trả giá tội lỗi của mình.